Mặc dù chất lượng quang học của những ống kính cổ điển không thể sánh bằng những ống kính hiện đại nhưng chúng vẫn chiếm được rất nhiều tình cảm của các nhiếp ảnh gia và đặc biệt lại “rất có giá trị”. Những ống kính cổ điển thường mang một nét riêng độc đáo và dần dần trở thành những thương hiệu riêng không thể nhầm lẫn đặc biệt là bokeh. Trong khuôn khổ bài viết này xin được kể ra một số bokeh đặc biệt từ những ống kính cổ điển.
Bokeh là gì?
Khái niệm Bokeh được xuất phát từ một từ tiếng Nhật (boke là danh từ của 'bokeru' nghĩa là 'nhòe'), mô tả hiện tượng, hay 'cảm giác' về vùng bị nhòa mờ, nằm ngoài điểm nét. Bokeh không có nghĩa nói đến khoảng cách xa hay gần của đối tượng bị out nét (trượt nét), mà nên được hiểu là chất lượng và hình thù của phần nằm ngoài vùng focus. Cụ thể hơn, tạo ra Bokeh là tạo một sự sắp đặt có chủ ý ở những phần mờ trong bức ảnh.
Đặc điểm của Bokeh
Bokeh có rất nhiều hình dạng khác nhau tùy vào những ống kính khác nhau. Chất lượng của bokeh phụ thuộc vào chất lượng thấu kính, hình dạng vòng khẩu và việc có hay không bộ lọc làm mịn được thiết kế ngay trong ống kính. Tuy vậy, khi nhắc tới bokeh, người chơi vẫn thường nhắc tới độ mịn hay mức độ phân biệt các chi tiết khác nhau và đặc trưng về hình dạng của các chi tiết sáng ở vùng không nét, ví dụ như bokeh “tròn” hay “méo” hay mang các hình dạng đặc biệt.
1.Bokeh siêu mịn
Bokeh siêu mịn được tạo ra bởi các ống kính sử dụng kính lọc làm mịn Apodization ví dụ như ống kính Minolta (Sony) 135mm f/2.8 STF T4.5 (Smooth Trans Focus), ống kính Fujifilm XF 56mm f/1.2 R APD hay ống kính Laowa 105mm f/2 STF (T3.2). Hệ quả của việc sử dụng bộ lọc này là ánh sáng đi qua ống kính bị giảm đi nên giá trị T stop của ống kính cũng bị giảm đi rất nhiều. Cơ chế lấy nét theo pha không thể sử dụng được, thay vào đó chỉ cơ chế lấy nét theo tương phản được dùng làm tốc độ lấy nét của ống kính chậm hơn bản không có bộ lọc. Tuy vậy, những bức ảnh do các lens này chụp ra thì vùng bokeh không hiện rõ các hình tròn sáng có viền rõ ràng như khi chụp bằng ống kính bình thường mà thay vào đó các chi tiết hòa lẫn vào nhau làm bokeh rất mịn.
2.Bokeh xoáy
Bokeh xoáy có thể xem là một đặc sản của những ống kính được Nga sãn xuất. Máy ảnh Zenit và ống kính Helios, đặc biệt là series ống kính Helios 44 là những cái tên rất thân thuộc với người dùng bình dân, cho tới tận ngày nay bởi nét đặc trưng riêng của nó.
Helios 44-2 58mm f/2 là bản sao của ống kính Biotar 58mm f/2 của Carl Zeiss và với những cải tiến nhất định, chất lượng của nó còn có phần nhỉnh hơn. Đặc trưng của cả Biotar và Helios 44-2 là bokeh xoáy vòng, làm nổi bật chủ thể một cách độc đáo khi được chụp đúng cách.
Helios 44-2 chỉ là 1 trong số 8 ống kính của series, bao gồm Helios 44, 44M, 44-2, 44-3, 44M-4, 44M-5, 44M-6, 44M-7 với 2 ống kính đầu tiên cũng như từ bản 44M-5 trở đi, hiệu ứng xoáy không còn rõ ràng. Nếu bokeh xoáy của Helios 44-2 là quá nhiều bạn cũng có thể chọn Helios-103 là giải pháp thay thế với mức độ xoáy ít hơn, vùng bokeh ít gây mất tập trung hơn, ngoài ra là mức độ sắc nét ở trung tâm, độ mỏng DOF ống kính này đều nhỉnh hơn.
Tùy thuộc vào vị trí lấy nét, khoảng cách chủ thể so với hậu cảnh và kích thước cảm biến, mức độ xoáy bokeh của Helios 44-2 có thể khác nhau nên việc hiểu tính chất của ống kính sẽ giúp người chụp làm chủ được hiệu ứng.
3.Bokeh giãn hướng tâm
Bokeh giãn hướng tâm là bokeh được tạo ra từ dòng ống kính Lensbaby được sản xuất bởi công ty cùng tên. Dòng ống kính này được sản xuất nhằm phục vụ nhiếp ảnh sáng tạo với cách chụp lấy nét chọn lọc (selective focus) có hiệu ứng giống với ống kính nghiêng (tilt). Lensbaby có thể di chuyển toàn bộ phần thấu kính nghiêng so với mặt phẳng cảm biến để tạo hiệu ứng DOF mỏng và hiệu ứng kéo giãn chi tiết không nằm trong vùng nét.
4.Bokeh hình sao
Phổ biến cho dạng bokeh này phải kể tới Macro Takumar 50mm f/4 (8 cánh), Industar 61 L/Z Macro 50mm f/2.8 (6 cánh) và Volna-9 50mm f/2.8 Macro.
5.Bokeh hình vuông
Do có cấu tạo lỗ khẩu có 2 lá khẩu nên Zenitar-ME1 50mm f/1.7 có thể tạo bokeh hình vuông từ khẩu f/2.8 trong khi vẫn ở dạng tròn ở khẩu lớn nhất. Đây là một trong những ống kính có thiết kế lỗ khẩu khác biệt nhất và theo nhà sản xuất KMZ (Nga) là để tăng độ phân giải và giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, còn một loại ống kính khác cũng có lá khẩu hình vuông, đó là ống kính phóng đại (enlarger) Schneider-Kreuznach Componar 50mm f/4.5 và 70mm f/4.5.
6.Bokeh hình tam giác:
Đây là dạng bokeh chỉ xuất hiện ở một vài ống kính do Carl Zeiss sản xuất cho máy Rollei (Rollei HFT 85mm f/1.4 và 35mm f/1.4), Arriflex, Contarex Planar T* 85mm f/1.4.
7.Bokeh hình bánh donut:
Nhìn vào bokeh dạng này, chúng ta có thể biết ngay là ảnh được chụp bằng một ống kính gương (mirror lens). Do lợi thế tiêu cự rất xa nhưng cấu tạo nhỏ gọn, ống kính gương được các nhiếp ảnh gia tự nhiên ưa dùng. Bokeh mà ống kính này tạo ra có hình dạng vô cùng đặc biệt, dạng bánh donut tròn do cấu tạo vòng gương của ống kính.
8.Bokeh bong bóng
Dạng bokeh này chắc hẳn rất quen thuộc với nhiều người, nó gắn liền với tên tuổi Meyer-Optik-Gorlitz Trioplan series V 100mm f/2.8. Trái ngược với bokeh mịn màng, đây là loại bokeh mà viền bokeh sáng lên rất rõ, giống như bong bóng xà phòng (soap bokeh). Tuy nhiên, không phải chỉ có ống Trioplan này có khả năng tạo bong bóng xà phòng mà có khá nhiều ống kính cổ, nhất là với thiết kế triplet có thể tạo hiệu ứng tương tự. Ngoài Trioplan, có vài cái tên khác cũng nổi tiếng như Diaplan 80mm f/2.8 của cùng hãng Meyer-Optik-Gorlitz hay Fujinon 55mm f/2.2 của Fujifilm.
LưuLưu