Những ngày gần đây, điểm hiệu năng của iPhone 8 liên tục xuất hiện trên ứng dụng chấm điểm Geekbench 4 của Primate Labs, gây sự chú ý lớn trên các diễn đàn nhờ điểm số vượt trội so với các đối thủ Android. Đây là một trong những trang chấm điểm nhận được sự tin tưởng lớn nhất của các chuyên gia.
Trong khi điện thoại iOS và Android gần như bão hòa về mặt tính năng, hiệu năng tổng thể của nền tảng cung cấp bởi con chip dòng A tự thiết kế từ Apple liên tục tỏ ra vượt trội so với Android.
Hiệu năng mạnh mẽ của iPhone 8 là điều không thể bàn cãi. Ảnh: Business Insider.
Trên thực tế, iPhone 8, 8 Plus nhanh hơn 50% so với điện thoại Android hàng đầu hiện nay trong một số bài thử nghiệm của Geekbench. John Poole - người sáng lập ra Primate Labs - không thể lý giải nhưng thắc mắc không hiểu tại sao chỉ Apple cải thiện mạnh mẽ hiệu năng của iPhone.
“Tôi thực sự không hiểu tại sao hiệu năng của điện thoại Android tỏ ra thua kém như vậy”, Poole nói trong bài phỏng vấn với Tom’s Guide. “Chúng ta không thấy những sự cải tiến lớn. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với họ”.
“Với iPhone, chúng ta có hiệu năng ở đẳng cấp của desktop trên một thiết bị cầm tay”, Poole tỏ ra không thể tin vào sự thật. “Khi cầm chiếc iPhone thế hệ đầu, tôi chưa từng nghĩ có một ngày nó sẽ được dùng để chỉnh sửa video. Điều này thật điên rồ”.
Điểm hiệu năng của iPhone mới lộ diện từ trước khi chúng ra mắt, vượt trội so với Galaxy S8 và ngang ngửa MacBook Pro. Ảnh: Geekbench.
Mặc dù hầu hết người dùng iPhone không tận dụng hết được sức mạnh xử lý trên con chip mới của Apple, có một điểm chắc chắn là hãng đang chứng tỏ vị thế vượt trội so với các đối thủ Android trong việc tạo ra các thiết bị điện toán của tương lai, theo BGR.
Có vẻ như quyết định tự phát triển một con chip là một trong những điều sáng suốt nhất Steve Jobs từng làm. Giống như những gì Giám đốc sản xuất chip của Apple là Johnny Srouji chia sẻ hồi đầu tháng: “Đó là điều chúng tôi bắt đầu từ 10 năm trước, tự thiết kế mọi thứ. Đó là cách tốt nhất để tạo ra thứ gì đó đặc biệt, tối ưu hóa cho phần cứng và phần mềm của Apple”.
Đức Nam