Mới đây, hải quân Mỹ kết hợp với Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge để tạo ra mô hình tàu ngầm, mẫu được in trong thời gian 4 tuần.

Mẫu tàu ngầm dài 9,1 m bằng sợi carbon được in bằng máy in 3D của Mỹ.
Ý tưởng in vũ khí, quân trang từ máy in 3D đang dần trở nên phổ biến và có thể được quân đội sử dụng trong những năm tới. Chiếc tàu ngầm mẫu với tên gọi Optionally Manned Technology Demonstrator được phát triển bởi nhóm tới từ Trung tâm Vũ khí Hải quân Mỹ (NSWC) và Phòng thí nghiệm Công nghệ Đột phá Carderock Division (DTL).
Nhóm đã bắt đầu công việc từ tháng 8/2016 và sử dụng máy in 3D công nghiệp cỡ lớn có tên Big Area Additive Manufacturing (BAAM) để tạo ra 6 phần bằng sợi carbon, sau đó ghép chúng lại thành phương tiện dài hơn 9 m. Thiết bị được hoàn thành trong thời gian 4 tuần, trong đó tuần đầu tiên dành cho việc thiết kế và các tuần tiếp theo để in và lắp các bộ phận. Đây là sản phẩm lớn nhất từng được in 3D của Hải quân Mỹ.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, thông thường để tạo ra tàu ngầm phải tiêu tốn từ 600.000 USD tới 800.000 USD và mất 3 đến 5 tháng để hoàn thành. Trong khi đó, với công nghệ in 3D, thời gian có thể rút ngắn xuống nhiều ngày, cùng với đó giá chỉ bằng 10% so với công nghệ cũ.
Công nghệ mới đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quân đội, bởi rút ngắn thời gian sản xuất đồng nghĩa với việc binh bính sẽ được trang bị vũ khí kịp thời hơn.
Mặc dù hiện tại mẫu tàu ngầm chưa thể đưa vào sử dụng nhưng sản phẩm đã chứng minh việc in 3D cho các loại phương tiện, quân trang dùng cho quân đội là khả thi và ít tiêu thốn thời gian, chi phí.
Nhóm đã dành được giải thưởng NAV Commanders Award cho ý tưởng sáng tạo của công trình và đang lên kế hoạch tạo ra mẫu mới có thể thử nghiệm dưới nước, phục vụ cho hạm đội sớm nhất vào năm 2019.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý