Nếu nói về sự 'tồi tệ' của những chiếc iPhone đầu tiên được mang về Việt Nam đúng 10 năm trước, có lẽ khó có thể kể hết. Thời điểm đó, iPhone vẫn chỉ là một chiếc smartphone khóa mạng, thuộc độc quyền phân phối của nhà mạng Cingular Wireless (về sau là AT&T) tại Mỹ. Vì thế, nó dĩ nhiên không tương thích với mạng di động của các nhà mạng trong nước. Đó là chưa kể đến việc iPhone 2G lúc đó còn không hỗ trợ font Unicode. Thế nên, việc hiển thị Tiếng Việt trên chiếc điện thoại Apple là không thể. Bất tiện là vậy nhưng sức hút và sự quan tâm của người yêu công nghệ Việt dành cho iPhone đời đầu vẫn không hề vơi bớt.
Ngay sau khi iPhone được bán ra tại Mỹ vào ngày 29 tháng 6, một cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh có tên Computer USA đã trở thành đơn vị đầu tiên xách tay được iPhone về nước. Phiên bản iPhone 'lịch sử' này có dung lượng bộ nhớ trong chỉ vỏn vẹn 8 GB nhưng lại có giá thành lên tới 1.300 USD (con số không nhỏ và năm 2007). Sau đó ít lâu, một cửa hàng tại Hà Nội cũng xách tay về nước 4 chiếc iPhone 2G bản 4 GB bộ nhớ trong với giá mềm hơn đôi chút, 1.100 USD. Nhìn chung, số lượng iPhone về Việt Nam lúc đó là không lớn bởi độ quan tâm thì có thể rất lớn nhưng sức mua thì sẽ không cao bởi giá chát và những bất tiện nói trên.
Mãi hai tháng sau đó, vào ngày 27 tháng 8 năm 2007, một số kĩ thuật viên của công ty Tân Á Long (Thành phố Hồ Chí Minh) mới mở khóa thành công iPhone 2G tại Việt Nam. Các kỹ thuật viên này đã bẻ khóa iPhone dựa vào hướng dẫn bẻ khóa 10 bước của người đầu tiên 'hack' thành công iPhone trên thế giới có tên George Hotz. Dù vật, khi áp dụng cách thức này, các kĩ thuật viên ở Việt Nam đã phải thực hiện tới 20 bước và mất ròng rã hai ngày mới đạt được mục đích của mình.
Sau 10 năm, iPhone vẫn giữ vững được vị trí của mình như một trong những chiếc điện thoại được yêu thích nhất trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. iPhone tại Việt Nam được yêu thích bởi đây là chiếc smartphone ít 'lỗi mốt', giữ giá tốt, ổn định và dễ sử dụng ngay cả đối với người lần đầu tiếp cận.
Theo GenK