Các cổng kết nối ngày càng đa dạng đôi khi khiến chúng ta có sự nhầm lẫn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự khác nhau giữa cổng USB Type-C và Thunderbolt 3?
Câu hỏi đặt ra đầu tiên là cổng USB Type-C và Thunderbolt 3 có phải là một hay không? Câu trả lời là hoàn không, USB Type-C là tên của một chuẩn cổng cắm vật lý, còn Thunderbolt 3 lại là giao thức kết nối sử dụng chính USB Type-C để truyền tải dữ liệu.
Một số phiên bản của cổng USB
Theo sự phát triển của công nghệ, cổng USB cũng được nâng cấp dần theo thời gian về đến thời điểm hiện có một số phiên bản như USB 1.1, 2.0, 3.0 cho đến hiện nay là USB 3.1 thế hệ thứ nhất và thứ hai. Trong đó USB 3.1 thế hệ thứ nhất có tốc độ truyền tải dữ liệu lý thuyết là 5 Gbps, và 10 Gbps với thế hệ thứ hai.
Sự khác biệt lớn nhất giữa những phiên bản USB nằm ở tốc độ truyền tải dữ liệu cũng như mức độ năng lượng mà cổng USB có thể cho dòng điện đi qua. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chuẩn cắm vật lý phục vụ cho những phiên bản USB ở trên là USB Type-A, tức loại đầu cắm có dạng hình chữ nhật rất phổ biến mà chúng ta đang dùng đang gây ra khá nhiều sự bất tiện trong quá trình sử dụng.
Những loại cổng USB
Cổng USB Type-A, hay còn gọi dưới cái tên USB chuẩn A là cổng cắm vật lý rất phổ biến ở thời điểm hiện tại. Cổng cắm này xuất hiện trên rất nhiều thiết bị như máy in, màn hình, máy tính, TV, cùng nhiều thiết bị khác.
Cổng USB micro-B, đây là một dạng cổng microUSB có thiết kế khá khác so với USB-A khi được thiết kế nhỏ và dẹp hơn. Đồng thời cổng USB micro-B không có thiết kế đối xứng, mà thay vào đó là một thiết kế dạng một bên hình thang và một bên hình chữ nhật nhỏ. Đa phần những sợi cáp kết nối giữa các thiết bị điện tử hiện đều sử dụng 1 đầu là cổng USB-A và một đầu là cổng USB micro-B (hoặc microUSB) dùng để sạc pin, hay truyền tải dữ liệu. Trong đó, những sợi cáp sử dụng phiên bản USB 3.0 trở lên sẽ dùng USB-B để có thể truyền tải dữ liệu và dòng điện nhanh hơn.
USB Type-C, hay còn gọi là USB-C là chuẩn USB mới nhất hiện nay. Cổng USB-C đang được các nhà sản xuất trang bị rộng rãi trên các dòng sản phẩm điện tử của mình vì những ưu điểm vượt trội mà cổng kết nối này mang lại. Thứ nhất là cổng USB-C có thiết kế rất nhỏ gọn, bo tròn, đối xứng ở các phần và cho phép người sử dụng cắm theo nhiều chiều khác nhau mà không gặp vấn đề. Bên cạnh đó, cổng USB-C khi kết hợp cùng phiên bản USB 3.1 cho tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 10 Gbps, đồng thời cung cấp dòng điện đến 100 W, đủ để sạc cho phần lớn các thiết bị điện tử, thậm chí là cả laptop. Một số chiếc smartphone được trang bị cổng USB-C hiện tại như: Galaxy S8/S8 Plus, HTC U11, LG G6,…
Vậy Thunderbolt 3 là gì?
Cũng tương tự như USB, cổng Thunderbolt đã trải qua nhiều thế hệ và phiên bản mới nhất là Thunderbolt 3. Khác biệt lớn nhất của những chuẩn USB so với Thunderbolt 3 chính là yếu tố tốc độ, vì ngay thế hệ điều tiên của Thunderbolt đã cho tốc độ truyền tải lên đến 10 Gbps. Thế hệ Thunderbolt 2 là 20 Gbps, và gấp đôi thành 40 Gbps trên thế hệ Thunderbolt 3 mới nhất. Thông thường, chuẩn giao tiếp Thunderbolt 1 và 2 thường đi kèm với cổng Mini DisplayPort, còn cổng Thunderbolt 3 sử dụng cổng USB-C.
Không giống như USB 3.1 thế hệ một hay hai, để sử đụng được cổng Thunderbolt thì cổng USB-C phải được trang bị chip Thunderbolt 3 nếu muốn phát huy hết tốc độ của giao tiếp này, nếu không thì USB-C vẫn chỉ hoạt động ở tốc độ bình thường.
Bên cạnh đó, Thunderbolt 3 còn hỗ trợ đến 8 đường truyền dữ liệu DisplayPort 1.2 và 4 đường truyền dữ liệu PCIe thế hệ thứ 3. Sức mạnh truyền tải dữ liệu của Thunderbolt 3 đủ để người dùng có thể kết nối giữa card đồ hoạ rời hay màn hình có độ phân giải cao với máy tính.