Nếu những bản concept này được thực hiện thành công, chắc chắn nền công nghiệp sản xuất smartphone của thế giới sẽ mở sang một trang mới.
Nokia Morph
Đây là phiên bản Concept được Nokia và đại học Cambridge cùng thực hiện vào năm 2008, Nokia Morph được đánh giá là bản thiết kế điện thoại táo bạo nhất cho đến tận bây giờ. Chiếc điện thoại này có thể thay đổi kích thước theo các hình dạng khác nhau, từ to đến nhỏ và dài đến vuông.
Đặc biệt hơn là sản phẩm này sẽ sử dụng năng lượng mặt trời. Nokia tin rằng bản thiết kế này sẽ được thực hiện vào năm 2015, tuy nhiên đã năm 2017 và Nokia mới chỉ bắt đầu quay trở lại thị trường di động. Có lẽ Nokia Morph sẽ mãi chỉ là bản thiết kế mẫu mà thôi.
Ply concept phone
Là sự kết hợp giữa phong cách thiết kế cổ điển mà công nghệ tương lai, Ply concept phone được định hình là chiếc điện thoại biến hình, không chỉ là smartphone mà lúc cần nó có thể biến thành máy chiếu, máy in và cả gamepad, giúp người dùng giải trí khi căng thẳng. Thực tế thì việc smartphone tích hợp máy chiếu hay trở thành gamepad đã được sản xuất, nhưng hai tính năng này vẫn tách biệt trên hai thiết bị khác nhau, chứ chưa hề gộp chúng trên một chiếc smartphone.
Philips Fluid
Philips Fluid sẽ là chiếc điện thoại màn hình dẻo đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nó lại không được thực hiện. Cho đến bây giờ Philips Fluid vẫn chỉ là một mẫu thiết kế trên giấy mà thôi. Ở thời điển hiện tại đã có rất nhiều nhà sản xuất, trong đó có Lenovo đã sản xuất được chiếc máy tính bảng màn hình dẻo, có thể gập lại được.
Mobile Script
Mobile Script là smartphone có hai màn hình khá độc đáo, trong đó một màn hình cứng và màn hình còn lại có thể kéo dài ra đến 9,5 inch khi bạn muốn dùng những tính năng khác trên điện thoại. Mobile Script còn có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển hoá thành năng lượng để sử dụng.
ZTE Eco-Mobius
ZTE Eco-Mobius, concept đầy tính sáng tạo của thương hiệu smartphone Trung Quốc, đây là chiếc điện thoại theo dạng mô-đun, lắp ráp các bộ phận tương tự như LG G5 hay Project Ara của Google. Nhưng thực tế chứng mình rằng, điện thoại mô-đun không được người dùng chấp nhận. Sự thất bại của LG G5 có lẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả các nhà sản xuất.
Kể ra, nếu chúng ta có thể thay thế các bộ phận như camera, RAM, chip xử lý,… sẽ rất hấp dẫn, việc nâng cấp phần cứng cho smartphone không cần phải thay nguyên chiếc, mà “mình thích nâng cấp cái gì thì mình mua cái đó về lắp vào thôi”. Mặc dù không khả thi ở thời điểm hiện tại, nhưng mong rằng, trong tương lai, những chiếc điện thoại mô-đun sẽ được tiếp tục nghiên cứu và phát triển.
BN