Đã nhiều năm rồi, Sony mới mang lại cải tiến thực sự đáng chú ý cho dòng flagship chủ lực của hãng, cụ thể là Xperia XZ. Mẫy máy này có thiết kế mới mẻ, chất liệu nhôm độc đáo và hàng loạt nâng cấp từ nhỏ tới lớn cho pin, màn hình, camera và hiệu năng.
Thiết kế
Có thể nói, sự đổi mới về chất liệu và phong cách thiết kế là điều cần thiết để người dùng của Sony không bị nhàm chán sau nhiều năm gắn bó với Omni Balance. Phong cách thiết kế đồng nhất mới trên Xperia XZ mang lại cảm giác liền mạch hơn, thống nhất hơn, nhất là khi kết hợp với Loop Design, tạo cảm giác như hai mặt gắn liền làm một và cạnh trên dưới vuông vức hơn, chắc chắn hơn. Đối với nhiều người, có thể Xperia XZ sẽ không tạo cảm giác thân thiện bằng Xperia Z3 - thế hệ Z series được ưa chuộng nhất, nhưng rõ ràng là nó lại tăng vẻ sang trọng lên một tầm cao mới nhờ mặt lưng nhôm nhám ALKALEIDO, những góc cạnh sắc sảo và mặt kính cong 2.5D hiện đại.
Thiết kế của các chi tiết nhỏ như loa ngoài, cảm biến, camera trước và đèn báo vẫn tương tự các đời Xperia trước đây.
Phía dưới màn hình không có phím cứng hay cảm ứng mà chỉ chứa loa ngoài.
Mặt lưng làm bằng nhôm ALKALEIDO có độ tinh khiết cao, được đánh nhám và đổi màu tùy theo ánh sáng bên ngoài.
Phía dưới đuôi có miếng nhựa phân tách sóng nhưng nhìn khá là 'lệch tông' với phần còn lại.
Cách cạnh bên của máy được làm bằng nhựa phủ sớn chứ không phải là kim loại.
Cảm giác cầm nắm Xperia XZ thực tế khá tốt, không gây cấn tay và cũng không trơn trượt như chất liệu mặt kính. Vị trí các phím cứng đặt hợp lý, trừ tăng giảm âm lượng vì quá thấp, gây khó khăn khi sử dụng bằng tay phải, còn với tay trái thì lại cực kì thuận tiện.
Tất nhiên, Xperia XZ vẫn giữ khả năng chống nước IP68 như người tiền nhiệm, cho phép máy chịu được áp lực dưới 1.5 mét nước trong tối đa 30 phút. Ngoài ra, màn hình cảm ứng cũng được trang bị công nghệ đặc biệt giúp nó hoạt động bình thường khi dính ẩm ở trên, ví dụ như khi dùng dưới trời mưa, dù nếu nhúng hoàn toàn xuống nước thì nó sẽ bị vô hiệu hóa ngay lập tức.
Màn hình
Vẫn giữ nguyên độ phân giải và kích thước như 4 đời Xperia Z trước đây nhưng Xperia XZ đã có một số cải tiến về khả năng hiển thị, ví dụ như ít ám xanh hơn, độ tương phản tốt hơn, độ sâu màu đen tuyệt vời và độ sáng lên tới hơn 600 nits. Điểm đáng tiếc duy nhất trên màn hình của XZ là độ chính xác màu vẫn còn rất thấp với các tông màu thường vị đẩy lên quá cao và quá khác với bảng màu tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tôi nhận ra rằng Sony đã cải tiến rõ rệt hai công nghệ màn hình là X-Reality và Super-Vivid Mode trong menu cài đặt. Ở các đời máy trước, hai chế độ này sẽ tự động đẩy màu sắc, tương phản, độ nét lên cao mỗi khi người dùng xem ảnh hay video, nhưng với Xperia XZ thì chúng lại làm điều ngược lại. Màu đỏ không còn chuyển thành màu hồng, màu tím không còn 'chói mắt' và màu xanh lá cũng không còn 'ướt át' như trước mà được đẩy về các gam màu dịu nhẹ hơn, trông giống thật hơn, kể cả với chế độ Siêu Sống Động. Đây là một điểm cộng lớn mà tôi đánh giá cao vì nó mang lại sự chân thật mà vẫn đủ bắt mắt, phù hợp hơn với xu hướng nghe nhìn di động hiện nay.
Hiệu năng
Phần đánh giá này thực tế không cần phải bàn nhiều, vì với con chip Snapdragon 820 và RAM 3GB, Xperia XZ chắc chắn sẽ phục vụ đủ các nhu cầu từ nhẹ nhàng cho tới cao cấp, từ lướt web cho tới chơi game 3D. Thử nghiệm với AnTuTu, Xperia XZ dễ dàng đạt số điểm hơn 120.000, suýt ngang ngửa với Galaxy S7 Edge (Exynos) hay Xiaomi Mi 5 dù dung lượng RAM kém hẳn 1GB.
Sử dụng thực tế, Xperia XZ hoàn thành mọi tác vụ một cách mượt mà, nhanh chóng, dù vẫn chưa thể so sánh với iPhone 7 hay Galaxy S7. Bù lại, vấn đề nhiệt độ không còn gây khó chịu như trước, vì nó chỉ nóng lên chứ không quá nhiệt hay làm máy lag, đơ. Khi sử dụng camera, bạn vẫn sẽ thấy dòng thông báo máy đang tăng nhiệt nhanh hiện lên, nhưng tỉ lệ tự thoát ứng dụng đã thấp hơn hẳn so với Xperia Z4 và Z5. Trong điều kiện phòng có điều hòa khoảng 26 độ C, tôi có thể quay video 4K trên Xperia XZ trong gần 10 phút mà máy chỉ tăng nhiệt lên không quá 40 độ mà vẫn chưa yêu cầu ngừng quay.
Pin
Đây cũng là một trong những điểm cải tiến đáng chú ý của Xperia XZ, nhưng có thể bạn sẽ không để ý được, ví nó không làm tăng đáng kể thời lượng sử dụng mà lại tăng tuổi thọ pin cho máy. Điều này là cực kì quan trọng đối với những ai muốn mua máy để sử dụng lâu dài trong vài năm vì chai pin luôn là nỗi lo cực kì lớn.
Chế độ Battery Care trong Xperia XZ sẽ học hỏi thói quen cắm sạc của người dùng và tự động điều chỉnh nguồn vào sao cho khoảng thời gian pin đầy từ 90% trở lên là thấp nhất nhằm giảm tốc độ 'già' của pin hay đơn giản hơn là tránh tình trạng chai pin vì cắm sạc quá lâu. Theo thử nghiệm của tôi, sau khoảng 2 - 3 ngày cắm sạc qua đêm, máy sẽ hiện lên thông báo là đang bật Battery Care và sẽ sạc đầy pin vào khoảng 6 - 7 giờ sáng, cũng là thời điểm tôi thường ngủ dậy. Chế độ này hoạt động hiệu quả hơn nếu bạn giữ đúng nhịp sinh hoạt đồng đều, còn nếu mỗi ngày ngủ dậy một giờ khác nhau thì máy sẽ không đưa ra được con số ước tính chính xác.
Trong quá trình sử dụng thông thường, Xperia XZ có thời gian sáng màn hình trung bình vào khoảng 4 đến 5 giờ. Nếu sử dụng nhiều hơn, ví dụ như lướt web bằng mạng 3G ngoài trời thì con số này sẽ tụt xuống còn khoảng 3.5 giờ cho mỗi lần sạc đầy, hoặc tăng lên tới 5.5 giờ nếu bạn chỉ dùng Wifi trong nhà cả ngày. Tóm lại, thường thì tôi hoàn toàn có thể dùng máy từ sáng tới 11 giờ đêm mới phải sạc pin, vừa đủ tốt, nhưng chưa tốt bằng lời quảng cáo 'pin tối đa 2 ngày' mà Sony đã và đang sử dụng từ đời Xperia Z2 cho tới nay.
Thời gian sáng màn hình của Xperia XZ có thể kéo dài từ 3.5 đến 5.5 tiếng tùy mức độ sử dụng.
Chế độ Battery Care sẽ học thói quen sạc qua đêm và tùy chỉnh nguồn vào phù hợp.
Có một điểm nữa đáng quan tâm trên Xperia XZ là sự nâng cấp ở chế độ STAMINA Mode. Các mẫu Xperia chạy Android 6.0 đã bị Sony thay thế bằng Doze của Google, nhưng với Xperia XZ thì Sony đã mang lại ba mức độ tiết kiệm pin từ thấp tới cao, cho phép người dùng tùy chỉnh sâu hơn vào hệ thống để chọn mức tiết kiệm theo đúng ý mình.
Xperia XZ có hỗ trợ sạc nhanh Quickcharge 3.0 nhưng trong hộp máy sẽ không đi kèm củ sạc loại này mà người dùng sẽ phải mua từ các hệ thống bán lẻ bên ngoài. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm mua củ sạc UCH12 từ Sony, hỗ trợ cả Quickcharge 3.0 lẫn Pump Express 2.0 dùng cho Xperia XA và XA Ultra với giá khoảng 5 - 700.000 đồng.
Camera
Điểm nhấn mới trên camera của Xperia XZ là sự xuất hiện của cặp đôi cảm biến mới, bao gồm cảm biến màu sắc RGBC-IR nhằm tăng khả năng cân bằng trắng trong các điều kiện ánh sáng phức tạp và cảm biến hồng ngoại để lấy nét chính xác hơn trong điều kiện thiếu sáng.
Cảm biến ảnh của Xperia XZ vẫn cùng loại IMX300 với Xperia Z5 và Xperia X Performance, tức là chúng vẫn có cùng độ phân giải, cùng số điểm ảnh lấy nét và cùng các thông số nhạy sáng. Điểm 'ăn tiền' của nó nằm ở giao diện phần mềm 'hơi hơi mới', mở khóa chế độ chụp chỉnh tay cho người dùng thỏa sức nghịch ngợm, nhưng vẫn chỉ trong một giới hạn nhất định.
Nhìn chung, Xperia XZ cho chất lượng ảnh đủ để coi là flagship của một hãng, nhưng đáng tiếc là vẫn chưa thể hiện tốt được như Galaxy S7, iPhone 7, HTC 10 hay LG V20 ở hầu hết các điều kiện. Lý do duy nhất cho điều này: Độ chi tiết!
Đúng, với lợi thế độ phân giải cao, camera của Xperia XZ vẫn chưa thể hiện được độ chi tiết tốt như kì vọng, có vẻ như vì thuật toán khử nhiễu 'quá tay' ở cả điều kiện đủ sáng lẫn thiếu sáng. Các thành phần khác như độ sáng, màu sắc, cân bằng trắng đều rất tốt, nhưng đáng tiếc là độ chi tiết lại không hề xứng tầm.
Ở điều kiện đủ sáng, Xperia XZ cho màu sắc rất tốt, dải tương phản tuyệt vời, cân bằng trắng gần như chính xác mọi lúc nhưng ảnh lại xuất hiện khá nhiều nhiễu hạt lấm tấm xung quanh viền các chi tiết.
Chế độ HDR của Xperia XZ hoạt động không hiệu quả bằng nhiều mẫu máy khác nhưng nó lại có ưu thế về chất ảnh với màu sắc tự nhiên, chính xác, hài hòa chứ không hề giả tạo hay bị xỉn.
Chụp trong nhà với ánh đèn nhân tạo, Xperia XZ thể hiện tốt cân bằng trắng, màu sắc nhưng các chi tiết bắt đầu trở nên 'bệt', không còn sắc nét như trước dù nhiễu hạt không hề xuất hiện. May mắn là dù không có chống rung quang học, máy vẫn có tốc độ chụp đủ nhanh để tránh nhòe ảnh nhờ độ nhạy ISO tối đa lên tới 12800.
Ở điều kiện thiếu sáng, Xperia XZ không còn bị dư sáng như các đời máy trước, cân bằng trắng và màu sắc đều tốt nhưng độ chi tiết vẫn chưa hề ấn tượng. Nhìn chung, bạn vẫn có thể đem khoe ảnh trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Instagram, nhưng để so sánh được vói các đối thủ từ Samsung, Apple hay LG thì Sony vẫn còn phải cố gắng nhiều.
Chế độ chỉnh tay trên Xperia XZ dễ sử dụng, phân thành 4 mục chính là lấy nét, EV, cân bằng trắng và tốc độ chụp (tối đa 1 giây). Nếu đầu tư thêm thời gian và công sức, bạn vẫn có thể tạo ra những bức hình ấn tượng, mang đầy tính nghệ thuật từ Xperia XZ một khi đã biết rõ các kĩ thuật nhiếp ảnh.
Camera trước của Xperia XZ có độ phân giải 13MP, hỗ trợ lấy nét tự động và cho chất lượng ảnh tốt, màu sắc thiên về hướng chân thực chứ không 'ảo' như các smartphone Trung Quốc. Chế độ làm mịn da cũng hoạt động ở mức vừa phải, phù hợp với ai có làm da ít tì vết, còn không thì tốt nhất là bạn nên sử dụng các phần mềm làm đẹp bên thứ 3. Điểm cộng cho camera trước của XZ là nó hỗ trợ chống rung SteadyShot khi quay camera - điều mà rất ít mẫu máy khác có.
Nghe nhạc
Khả năng nghe nhạc của Xperia XZ không có gì nổi bật so với các thế hệ trước. Nó vẫn mang các công nghệ độc quyền như Xperia Z5, vẫn có loa ngoài kép ở mặt trước và vẫn sử dụng cổng tai nghe 3,5mm với nguồn ra khá 'đuối' chỉ phù hợp với các loại tai nghe đặc chế cho smartphone.
Chất âm của máy vẫn thiên về hướng cân bằng, thể hiện tốt cả ba dải trầm, trung và cao. Tuy nhiên, độ chi tiết vẫn chỉ dừng ở mức vừa đủ, trong khi âm lượng thì khá nhỏ và sẽ khó mà chiều lòng được những đôi tai khó tính.
Bù lại, Xperia XZ hỗ trợ phát nhạc theo chuẩn âm thanh Hi-Res 24-bit/192kHz, các chế độ âm thanh như DSEE HX, Clear Audio+, tự động tối ưu tai nghe, bộ chỉnh âm 5 dải tần, âm thanh vòm... thừa sức làm hài lòng hầu hết người dùng thông thường hiện nay.
Cặp loa ngoài kép của Xperia XZ cho âm lượng khá lớn, chất lượng vừa đủ, không gặp tình trạng rè nhưng chất âm vẫn chưa thực sự tốt vì thiên mid, tạo cảm giác bí bách, giống như đang bị 'bịt' khe thoát âm vậy. Thực ra thì điều này khá dễ hiểu: Khả năng chống nước yêu cầu lớp màng bảo vệ dày hơn, ít lỗ thoát hơn, nghĩa là âm thanh sẽ khó lọt qua hơn, làm méo tiếng đi so với bình thường. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới cả Galaxy S7 và iPhone 7 - cả hai đều có chất lượng loa ngoài kém hơn rõ rệt so với thế hệ trước vì khả năng chống nước.
Cảm biến vân tay
Đây là nâng cấp đáng khen nhất của Xperia XZ so với Xperia Z5. Sony đã hoàn thành nhiệm vụ 'cao cả', tìm được vị trí tốt nhất để đặt cảm biến vân tay mà không ảnh hưởng tới trải nghiệm. Cụ thể, cảm biến ở bên hông máy có thể truy cập được dù bạn để máy ở đâu, trên mặt bàn, úp xuống, trong túi quần hay đang cầm trên tay. Ngoài ra, độ nhạy đã được cải thiện đáng kể, cho phép nhận diện thành công với tỉ lệ rất cao, dù là bạn dùng tay trái hay tay phải đi nữa.
Kết
Thực ra thì ban đầu, tôi không đánh giá cao những cải tiến mà Sony mang lại trên Xperia XZ vì mặc định rằng nó sẽ có giá khoảng 17 triệu đồng khi bán ra, nhưng với mức giá chỉ 14.99 triệu đồng tại thị trường Việt Nam, máylại trở thành một trong những mẫu flagship đáng quan tâm nhất trong mùa mua sắm cuối năm. Tất nhiên, Xperia XZ vẫn còn một vài điểm trừ đáng tiếc ở camera và thời lượng pin, nhưng rõ ràng, các fan của dòng máy này sẽ cảm thấy hào hứng hơn hẳn so với những Xperia Z4 và Z5 của năm ngoái.
Theo Stereo.vn