Khách hàng mừng
Đối tượng vui mừng đầu tiên tất nhiên là người tiêu dùng rồi. Nhưng trước hết hãy đặt câu hỏi: Vì sao Viettel 'đạp đổ' bức tường cước roaming để làm gì? Để cho chính mình phải chịu thất thu chăng?
Có thể sẽ bị thất thu, chí ít trong thời kì đầu khi bỏ cước roaming giữa ba quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia. Nhưng khi Viettel đã dám làm thì ắt đã có tính toán. Trên thực tế, đa phần những người sử dụng dịch vụ roaming của nhà mạng khi ra nước ngoài là doanh nhân, nghe và gọi qua roaming khi cần kíp, nếu không chỉ cần mua một SIM data để sử dụng các phương tiện truyền thông khác như email, chat, gọi điện thông qua ứng dụng di động OTT… là đã giải quyết được nhu cầu. Thực tế này sẽ khiến cho nguồn thu từ dịch vụ roaming quốc tế khó tránh được sụt giảm theo từng năm khi thế giới phẳng dần đi đến siêu phẳng.
Cả chục năm về trước người dùng di động tại Việt Nam từng chứng kiến một cú đạp đổ bức tường cước theo vùng (3 vùng) để thống nhất chỉ còn một vùng cước trên toàn cõi Việt Nam. Khi đó, một sự bất hợp lí được phế bỏ.
Người dùng hẳn nhiên được lợi nhiều. Bây giờ, Viettel phá bỏ cước roaming quốc tế, người dùng cũng được lợi cho dù không phải tất cả những người sử dụng di động vì vẫn sẽ còn rất nhiều người - đặc biệt là giới trẻ - đã có thói quen và cũng tiết kiệm hơn với việc sử dụng các phương tiện, công cụ truyền thông số trên nền internet.
Nói thế không có nghĩa là Viettel sẽ mãi thất thu. Bởi bước đi của Viettel, có một tác dụng rất lớn là phá dỡ được bức tường tâm lí trong lòng người dùng luôn nghĩ về gọi quốc tế là tốn kém vì cước cao.
Còn khi thực tế gọi sang Lào hay Campuchia cũng giống như gọi đi Hà Nội và các tỉnh thành của Việt Nam vì cùng một khung cước, thì người dùng có thể sẽ sử dụng dịch vụ roaming nhiều hơn, từ đó giúp kích doanh thu ở mảng này tăng lên, bù cho phần thất thu cước roaming.
Một điều nữa cũng dễ thấy là, với việc bỏ cước roaming giữa Việt Nam - Lào - Campuchia thì Viettel và các nhà mạng 'con' của mình sẽ có thêm cơ hội thu hút người dùng, không dài hạn thì cũng ngắn hạn. Khi cộng đồng 'thuê bao Viettel' ở Đông Dương chiếm tỉ lệ lớn nhất, thì ưu thế cạnh tranh được tạo ra từ đòn 'cước phẳng' của Viettel sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn.
Nhưng ai sẽ phải lo?
Ngay sau tuyên bố của Viettel, theo một bài viết trên trang ICTNews, Axiata Group - công ty mẹ của hãng viễn thông Campuchia Smart Axiata - cho biết họ sẽ xem xét bỏ cước roaming quốc tế trong mạng lưới giữa các nhà mạng 'con' của mình. Hiện Axiata Group có hơn 275 triệu thuê bao tại 9 nước châu Á. Theo Axiata Group, cước roaming quốc tế không còn là nguồn thu cốt lõi, và nó đang 'teo tóp' rất nhanh do các dịch vụ OTT ngày càng phát triển mạnh.
Vậy các nhà mạng khác tại Việt Nam có phải lo lắng? Theo tôi, trước mắt đòn 'cước phẳng' của Viettel chưa 'đụng' nhiều đến cộng đồng thuê bao của các nhà mạng còn lại. Nó vẫn có sự ảnh hưởng, tuy nhiên sẽ rõ ràng hơn ở tính định hướng đối với những thuê bao phát triển mới nếu Viettel đẩy mạnh được thông điệp truyền thông và các chính sách ưu đãi từ quyết định 'san phẳng' cước roaming ở thị trường Đông Dương.
Song nỗi lo sẽ càng ngày càng lớn đối với những đối thủ của Viettel tại thị trường Việt Nam khi từ năm 2017, Bộ Thông tin & Truyền thông bắt đầu triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao.
Khi đó, các chiêu tiện ích sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn trong cạnh tranh và đòn san phẳng cước roaming sẽ góp phần tích cực kéo thuê bao hiện hữu của các nhà mạng khác về Viettel vì họ không phải lo lắng bị thay đổi số thuê bao của mình; hoặc giả, người dùng di động sẽ tính đến thuê bao thứ 2 dùng mạng Viettel để hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách 'không cước roaming' chẳng hạn.
Tại Việt Nam hiện nay chỉ có Viettel đầu tư mạng di động ở nước ngoài. Viettel đã có mặt tại 10 quốc gia với một cộng đồng khoảng 35 triệu thuê bao quốc tế. Cộng đồng này có thể sẽ phát triển khá nhanh trong những năm tới và về lí thuyết Viettel có thể hiện thực hóa chiến lược 'cước phẳng' trong mạng lưới giữa các nhà mạng 'con' của mình.
Nhìn rộng hơn, có thể xem đây là một hướng đi chiến lược của các nhà mạng di động trong bối cảnh thế giới đang bùng nổ công nghệ di động đe dọa ngày càng mạnh mẽ tới nguồn thu cơ bản của nhà mạng từ cước thoại và nhắn tin.
Và có lẽ, khái niệm 'nhà mạng' đang cần được thay đổi về cách nhìn nhận như chính việc cần kíp là các nhà mạng di động phải thay đổi chính mình để đối phó và tồn tại được trước nhà mạng lớn nhất hành tinh hiện nay là Facebook, hay những mạng OTT tầm cỡ như WhatsApp, Snapchat, Twitter, Skype, Viber, WeChat, LINE…
Theo Vnreview
Biên tập bởi Lưu Duy Hòa