Gần đây, cộng đồng mạng phương Tây đang thi nhau share một đoạn phim ngắn có tên 'Find my Phone'. Có lẽ thước phim dài hơn 21 phút này sẽ chẳng có gì đặc biệt hay đáng xem nếu nó không phải là đoạn tư liệu về một chuyện có thật do chính tác giả lên ý tưởng, quay phim và hậu kỳ!
Được biết, sau một lần bị cuỗm mất iPhone, anh Anthony van der Meer đã nhận ra rằng: Hàng tá thứ thông tin và dữ liệu cá nhân sẽ rơi vào tay tên trộm một cách dễ dàng.
Thế nên, anh lập ra kế hoạch mới để... bị trộm lần thứ hai, nhằm tìm hiểu và ghi nhận lại những gì một tên trộm sẽ làm cũng như chứng mình rằng việc đề phòng, bảo mật thông tin di động là quan trọng đến mức nào.
Theo dòng thời sự: Lợi dụng mạng xã hội phát tán mã độc, đòi tiền chuộc ngày càng gia tăng
Bằng cách chọn một chiếc smartphone Android - HTC One đời đầu ra làm 'mồi nhử', trước hết Anthony nhận được 2 cái lợi:
Một là có thể cài tuỳ thích bất kể chương trình nào lên máy, bao gồm phần mềm gián điệp (tất nhiên là chạy ngầm và không thể xoá). Và hai là, mẫu smartphone này hiện đã không còn nhận được bất kỳ bản cập nhật vá lỗi bảo mật nào, nên ứng dụng gián điệp của anh ta sẽ không bao giờ bị xoá hay ảnh hưởng về hiệu suất.
Tiếp theo anh này dựng ra một tình huống mà tại đó, anh vờ như bỏ quên một cái balô bao gồm chiếc smartphone bên trong. Sau đó bố trí camera từ xa để ghi lại quá trình cuỗm đồ của những tên trộm qua đường.
Dẫu vậy sau nhiều ngày - người tính không bằng trời, Anthony đã bị lấy mất chiếc HTC khi đang ở nhà ga. Đó cũng là lúc camera của anh không ghi lại được bất cứ hình ảnh gì vì không gian quá tối!
Ảnh được tách ra từ video của Anthony.May thay và như đã nói, nhờ tính toán trước mọi chuyện nên ngay lúc ấy chàng sinh viên nghành điện ảnh đã bắt đầu theo dấu trên trộm.
'Bất cứ khi nào điện thoại được tiếp xúc với Wifi (nước ngoài có rất nhiều hotspot miễn phí), tôi sẽ thực hiện một bản sao lưu tất cả các địa chỉ liên lạc (của kẻ trộm), tin nhắn văn bản cũng như các bức ảnh và video (mới chụp/quay) trên điện thoại.'
Và cứ như thế, Anthony đã nắm được tất tần tận thông tin về kẻ tham lam nhưng 'kém may mắn' này. Chúng bao gồm: Chi tiết mọi cuộc gọi - tin nhắn, dữ liệu vị trí và thậm chí là có quyền chụp ảnh/quay clip hay bật micro để nghe hết mọi thứ xung quanh tên trộm.
'Trong ngày, lão này đi đi về về xung quanh các cửa hàng, quán cà phê phía đông Amsterdam. Ban đêm, lão trở lại nơi dành cho người vô gia cư hoặc đôi ba bữa thì ghé sang nhà bạn ngủ nghỉ.
Và tôi nhận ra rằng, lão ta là một người đàn ông tội nghiệp, sống neo đơn!'
Đôi khi, chỉ một cái bấm lỡ tay, một giây phút lơ là mất cảnh giác trên những trang web đen thì bạn đã tự rước hoạ vào thân rồi! Hơn nữa, cho dù là dùng điện thoại Android, iPhone (iOS) hay nền tảng Windows thì nguy cơ gặp phải chuyện này đều như nhau nếu bạn không tự tìm cách bảo vệ chính mình!
Lý do là vì bất kỳ ai, nếu họ có đủ trí lực để tạo 'cửa hậu' và thêm tí cơ hội từ bạn để gán nó vào smartphone thì rất khó để nhận ra dù bạn có tinh ý đến mấy!
Và dù nói thì có vẻ nghiêm trọng nhưng trên thực tế: Không phải ai cũng thường xuyên quan sát xem máy mình đang có ứng dụng nào lạ không? Hiệu suất máy/pin có đột nhiên giảm không? Hay hoá đơn dữ liệu có tăng đột biến không?...
Thế nên tựu lại, mình chân thành khuyên các bạn hãy ngưng phớt lờ chuyện bảo mật smartphone của chính mình. An toàn nhất là đừng nên để quá nhiều hình ảnh nhạy cảm trên đó.
Hoặc tuyệt đối không truy cập vào những đường dẫn lạ, các nội dung được chào mời hấp dẫn (ví dụ bằng ảnh hot girl) trên web vì biết đâu, đó chính là một cái bẫy đấy!
Vừa rồi là một số chia sẻ của mình về chuyện nên hay không việc bảo mật smartphone thông qua một câu chuyện. Không biết bạn có cảm nghĩ gì?
Cùng chia sẻ với mình và mọi người bằng vài dòng comment bên dưới bài nhé!
Dành cho bạn: 6 lời khuyên giúp smartphone của bạn tránh bị hacker tấn công
Nguồn:Thế giới di động