Như đã thông tin, chiều 28/10/2016, lần đầu tiên 5 doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và GTel Mobile đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Được tổ chức tại trụ sở Bộ TT&TT, buổi lễ ký cam kết của 5 nhà mạng có sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Đại tá Đặng Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục An ninh văn hóa, Thông tin, Truyền thông, Bộ Công an.
Cam kết của các nhà mạng với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối được xem là một trong những giải pháp cụ thể của Bộ TT&TT nhằm đẩy lùi vấn nạn SIM đã kích hoạt bán tràn lan - một trong những nguyên nhân chính của nạn tin nhắn rác gây nhức nhối dư luận trong thời gian qua.
Đáng chú ý, tại buổi lễ ký cam kết, đại diện lãnh đạo của 5 nhà mạng đều đã hứa sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ TT&TT về việc thực hiện các nội dung bản cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Viettel sẽ tiên phong thực hiện cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng bởi sau một thời gian làm việc, 5 nhà mạng đã đi đến thống nhất cùng cam kết thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Ông Sơn cũng cho biết, về thị phần, hệ thống kênh phân phối, số lượng SIM của Viettel hiện nay khá lớn. Do đó, khi các doanh nghiệp lớn như Viettel tổ chức thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
“Mặc dù vậy, Viettel sẽ nghiêm túc thực hiện những nội dung cam kết đã được Viettel và các doanh nghiệp thống nhất. Bên cạnh đó, Viettel cũng cam kết sẽ tiên phong đi đầu, thực hiện đầy đủ những gì mình đã cam kết một cách kiên quyết, triệt để nhất nhằm giúp cho các quy định, nội dung cam kết thực sự đi vào được cuộc sống”, ông Sơn khẳng định.
Vị Phó Tổng giám đốc Viettel cũng bày tỏ mong muốn báo chí trong thời gian tới sẽ đồng hành cùng các nhà mạng trong quá trình thực hiện cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối: “Cam kết này sẽ tác động tới nhiều người dùng, do đó rất cần báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng hỗ trợ tuyên truyền để làm sao có tiếng nói chung, có sự đồng thuận của cả báo chí, người dùng và giữa các nhà mạng cùng hướng tới mục tiêu các quy định của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện một cách tốt nhất”.
Kỳ vọng sớm lành mạnh hóa thị trường SIM, số của Việt Nam
Tại lễ ký, ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc VNPT đã thẳng thắn chỉ rõ, vấn nạn tin nhắn rác do SIM được kích hoạt trước gây ra là một vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng tới đông đảo người dân, các khách hàng của tất cả nhà mạng.
Cùng với việc thừa nhận vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác là hệ lụy của cả một quá trình dài các doanh nghiệp đã không thực hiện chặt chẽ những quy định của nhà nước, ông Phạm Đức Long cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đều đã nhìn rõ vấn đề và cùng ngồi lại với nhau, cùng cam kết với cơ quan quản lý nhà nước để sửa chữa, giải quyết tình trạng này.
Nhận định việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn - nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo là một vấn đề “vừa dễ, vừa khó”, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long phân tích: “Nếu việc này dễ chắc hẳn chúng ta đã thực hiện được từ lâu. Mặt khác, nói việc này dễ là bởi nếu quyết tâm thì chắc chắn có thể làm được”.
Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Nếu tiếp tục để tình trạng SIM rác, tin nhắn rác tràn lan như hiện nay thì đối với các doanh nghiệp viễn thông, cái hại nhiều hơn cái lợi, gây ra những hệ lụy cho cả khách hàng và các nhà mạng. Do đó, là Tổng giám đốc điều hành của VNPT, tôi cam kết VNPT sẽ thực hiện những gì mà các doanh nghiệp đã thống nhất, ký kết trong bản cam kết; cũng như sẽ chỉ đạo các đơn vị quyết liệt thực hiện.
Đồng tình với ý kiến trước đó của lãnh đạo Viettel, ông Long nhận định, tới đây khi các nhà mạng thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng có cả một số SIM không phải là “rác” mà là SIM “thật” của khách hàng bị thu hồi. Điều này sẽ dẫn đến việc khách hàng phản ánh, phàn nàn về nhà mạng.
Đã đến thời điểm nhà mạng buộc phải hành động để sửa chữa bất cập
Theo chia sẻ của ông Cao Duy Hải - Tổng giám đốc MobiFone, trong quá trình kinh doanh dịch vụ thông tin di động, MobiFone cũng như các nhà mạng khác đến nay đều đã nhận thấy tình trạng SIM rác, tin nhắn rác là một vấn để rất bất cập. “Qua quá trình hoạt động cũng như qua trao đổi với có quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, đây là thời điểm buộc phải hành động để sửa chữa bất cập, khiếm khuyết”, ông Hải nói.
Ông Cao Duy Hải cũng cho hay, để sửa chữa những bất cập, khiếm khuyết không phải là việc ngày một ngày hai song MobiFone đã xác định đây là việc trước hay sau thì cũng phải làm.
Người đứng đầu MobiFone cho rằng, với việc cùng ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, các nhà mạng đều chung một mục tiêu làm nghiêm túc, trong sạch việc đăng ký, quản lý các thuê bao di động trả trước, tránh tình trạng như hiện nay - gây thiệt hại về kinh tế an ninh cho đất nước.
Ông Hải nhấn mạnh: “Nội dung văn bản cam kết của các doanh nghiệp đã thể hiện, tuy nhiên tôi muốn một lần nữa thay mặt MobiFone khẳng định cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung MobiFone và các doanh nghiệp đã ký kết, phối hợp với các doanh nghiệp khác để có được kết quả như Chính phủ, Bộ TT&TT và xã hội mong muốn”.
Cam kết của các nhà mạng sẽ hạn chế được tình trạng SIM rác 'trôi nổi'
Theo nhận định của Tổng giám đốc GTel Trần Minh Thiệu, trong khi ở nước ngoài việc kiểm soát thông tin di động rất chặt, việc quản lý các thuê bao di động tại Việt Nam trong thời gian vừa qua vẫn còn có một số hạn chế và lợi dụng kẽ hở này trên các kênh phân phối xuất hiện SIM rác, thông tin nói xấu lẫn nhau cũng như là kích động, gây rối trật tự an ninh xã hội. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp có những biện pháp để hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác tràn lan.
'Việc Bộ TT&TT tổ chức để các doanh nghiệp viễn thông di động ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối cũng là một biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng SIM rác trên thị trường', ông Thiệu nói.
Tổng giám đốc GTel cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, bước đầu sẽ có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, với cam kết của các nhà mạng với Bộ TT&TT, theo ông Thiệu, chắc chắn thời gian tới tình trạng SIM rác 'trôi nổi' trên thị trường sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
Với riêng GTel, người đứng đầu nhà mạng này khẳng định thời gian tới sẽ cùng các doanh nghiệp viễn thông di động khác trao đổi, kiểm tra lẫn nhau trong việc thực hiện cam kết. 'Tại lễ ký hôm nay, chúng tôi một lần nữa cam kết sẽ thực hiện tốt những nội dung đã được các doanh nghiệp và Bộ TT&TT thống nhất. Việc này cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của các khách hàng, do đó chúng tôi nghĩ rằng trong quá trình thực hiện, có vấn đề gì, các doanh nghiệp rút kinh nghiệm để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất', ông Thiệu nhấn mạnh.
Vietnamobile hứa thực hiện đầy đủ các nội dung bản cam kết
Bà Elizabete Fong - Tổng giám đốc Vietnamobile cho biết, Vietnamobile luôn xác định tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam một cách tốt nhất. Trong thời gian tới, để quản lý chặt chẽ và dài hạn hơn, chúng tôi cam kết sẽ tổ chức cho khách hàng đăng ký thông tin cá nhân đảm bảo sao cho thông tin đầy đủ nhất, đảm bảo quyền lợi khách hàng cũng như đảm bảo tính bền vững của thị trường.
Bà Elizabete Fong khẳng định, Vietnamobile sẽ thực hiện đầy đủ những nội dung của bản cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. “Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT cũng như các nhà mạng khác để Vietnamobile có thể thực hiện đúng nhất, chuẩn nhất các nội dung cam kết vừa ký kết”, bà Elizabete Fong nói.
Theo ictnews
Nguồn:Thế giới di động