Với Asus Zenfone 2, chúng ta sẽ lại phải làm quen với một chiếc smartphone với cấu hình cực mạnh, không thua kém gì smartphone cao cấp đến từ các thương hiệu khác, đặc biệt hơn khi nó cũng là smartphone đầu tiên trên thế giới có mức RAM 4 GB. Song, cấu hình chỉ góp phần hình thành lên một chiếc smartphone chứ không phải là toàn bộ.
Phần cứng
Được biết đến nhờ vào mức giá rẻ và cấu hình tốt, Zenfone 2 tiếp tục không đem lại sự thất vọng cho những ai cần một thiết bị mạnh mẽ với mức giá phải chăng. Bản cao cấp nhất của Zenfone 2 sẽ có bộ vi xử lý 4 nhân Intel Atom Z3580 2,3 GHz, bộ nhớ RAM 4 GB, bộ nhớ trong 32 GB và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài. Nhìn chung, trong quá trình sử dụng, Asus Zenfone 2 hoạt động rất mượt, không có hiện tượng giật hay lag nào xảy ra và mức RAM của nó cũng trống khá nhiều, khoảng 2,1 GB RAM nếu bạn dọn sạch các ứng dụng chạy nền.
Còn đến các tác vụ nặng như chơi game Asphalt 8, Marvel Future Fight, xem phim Full HD, Asus Zenfone 2 vẫn đáp ứng một cách mượt mà cũng như nó sẽ chạy với mức đồ hoạ cao nhất. Đây là điểm có giá trị nhất của Asus Zenfone 2 khi mức giá bỏ ra để sở hữu thiết bị này là rất rẻ so với cấu hình cũng như khả năng về phần cứng mà nó có thể đem lại cho người dùng.
Thiết kế
Phiên bản Asus Zenfone 2 mà Thế Giới Di Động đang trên tay là bản cao nhất với màn hình 5,5 inch. Nếu bạn là người đang sử dụng các thiết bị Zenfone trước đây hay đã quen với ngôn ngữ thiết kế của Asus dành cho những chiếc smartphone của họ thì Zenfone 2 sẽ không đem đến sự mới mẻ về thiết kế. Những sự tương đồng giữa Zenfone 2 và các thiết bị tiền nhiệm là không thể phủ nhận được, thậm chí, khi vừa nhận được Zenfone 2, tôi đã ngỡ đây là chiếc Zenfone 6 từng sử dụng trước đây chứ không phải là Zenfone 2.
Vẫn là kiểu thiết kế quen thuộc ấy, phần dưới màn hình là ba phím cảm ứng và một khoảng thừa được thiết kế theo hiệu ứng đồng tâm khá đẹp mắt thường thấy trên một số dòng laptop của Asus. Phía trên là logo Asus, loa thoại, cảm biến ánh sáng và camera phụ 5 MP. Như vậy, ở mặt trước, điểm nhấn duy nhất chính là ở phần ngay bên dưới màn hình với thiết kế đồng tâm. Còn về tổng thể, thiết kế mặt trước của Zenfone 2 có phần hơi thô, không mấy ấn tượng cho lắm.
Nếu mặt trước không đem lại nhiều sự ấn tượng, hãy đến với mặt sau. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ thấy sự quen thuộc thôi nhưng chí ít nó Zenfone 2 cũng đã có một số sự thay đổi nhất định ở phần nắp lưng. Thay vì làm nhựa trơn, không có hoạ tiết như trước đây, nắp lưng của thiết bị này có những hoạ tiết xước phay, đem lại cảm giác đẹp hơn rất nhiều. Một điểm mới khác là máy cụm camera sẽ có hai đèn flash, bên dưới camera sẽ được trang bị hai phím tăng, giảm âm lượng, logo Asus, Intel và Zenfone quen thuộc, tất cả đều được đặt đối xứng theo hàng dọc. Loa ngoài sẽ nằm ở phía dưới cùng của nắp lưng và khá rộng, hứa hẹn sẽ đem đến chất lượng âm thanh to và rõ.
Có mức giá rẻ và cấu hình tốt, chúng ta không thể kì vọng Zenfone 2 sẽ có chất liệu cao cấp như kim loại. Tuy nhiên, dù làm bằng nhựa và có thể tháo rời nắp lưng, Zenfone 2 cũng sẽ không gây ra hiện tượng máy ọp ẹp, các mấu nối giữa phần thân máy và nắp lưng đã chứng minh điều đó, nó rất chắc và được gắn khít với nhau, bạn sẽ không tìm thấy một điểm hở hay ọp ẹp nào trên thiết kế của Zenfone 2.
Nói một chút về độ dày của Asus Zenfone 2, đây chính là yếu điểm lớn nhất trong thiết kế của Zenfone 2. Phải nói rằng máy rất, rất dày so với qui định, chúng ta thường làm quen với những chiếc smartphone có độ mỏng dưới 9 mm nhưng với Zenfone 2, con số đó lên tới 10,9 mm. Có thể bạn sẽ cho rằng máy dày giúp người dùng cầm nắm dễ dàng hơn nhưng tôi không nghĩ vậy.
Một chiếc smartphone chỉ nên dày tối đa 9,5 mm, theo quan niệm cá nhân tôi. Và Zenfone 2 thực sự là một thảm hoạ với những ai thích một chiếc smartphone mỏng, gọn. Khi cầm nó trên tay, sự bầu bĩnh của máy sẽ được cảm nhận ngay lập tức và nó đem đến cảm giác khó chịu, không ấn tượng. Kể cả khi nhét vào túi quần, do quá dày nên Zenfone 2 gây ra hiện tượng cấn, cộm trong túi, khiến bạn luôn phải dè chừng và có cảm giác rằng nó sẽ rớt ra ngoài mất dù cho máy dày sẽ khiến nó ôm chặt với túi quần hơn.
Thiết kế tổng thể của Zenfone 2 sẽ không theo hướng vuông vức, cứng cáp như nhiều nhà sản xuất hiện nay đang hướng đến. Thay vào đó, từ khung viền máy cho tới nắp lưng đều được làm bo tròn mềm mại, giúp máy ôm tay hơn khi cầm sử dụng. Song, phần viền máy làm hơi nhọn lên một tí nên bạn sẽ cảm thấy cấn tay một chút khi tiếp xúc với khung sườn của Zenfone 2.
Nút nguồn của Zenfone 2 được đặt ngay trung tâm đỉnh máy, một vị trí khá lạ và khá khó hiểu. Thông thường nó sẽ nằm lệch sang bên phải hoặc bên trái, nhưng Asus lại quyết định đặt nút nguồn của Zenfone 2 ở trung tâm. Cảm giác bấm nút nguồn này đem lại hơi “kì cục' một chút vì bạn phải vươn ngón tay lên cao hoặc dùng tay kia để bấm. Chắc chắn là nó sẽ gây ra sự phiền toái nhưng nếu chúng ta sử dụng tính năng nháy đúp để mở, khoá màn hình thì sẽ không cần phải động tay nhiều vào nút nguồn này nữa.
Màn hình
Theo nhận xét cá nhân tôi, màn hình của Asus Zenfone 2 cho chất lượng hiển thị đủ dùng, chứ chưa thực sự tốt lắm dù cho độ phân giải của nó khá cao. Màu sắc hiển thị trên màn hình của Asus Zenfone 2 tốt, chân thực chứ không nịnh mắt như chúng ta thường nghĩ, ngoài ra Asus Zenfone 2 cũng cho phép người dùng tuỳ chỉnh màu sắc, nhiệt độ của màn hình này cho phù hợp với mắt người dùng. Song, tôi khuyên bạn nên để ở mức mặc định vì không phải ai cũng giỏi trong việc chỉnh màu cho màn hình cả.
Về góc nhìn, sản phẩm này thế hiện cũng khá ấn tượng, tuy nhiên, nó vẫn đem lại cảm giác có một lớp sương mù nhẹ bao quanh màn hình khi chúng ta nghiêng mạnh sang một phía nào đó. Nhờ vào màn hình độ phân giải Full HD, các chi tiết đều hiển thị rõ nét, không bị rỗ dù cho các icon ấy đã được tuỳ biến theo sở thích của người dùng. Như vậy, với Zenfone 2, chúng ta sẽ có một màn hình thể hiện rõ nét, màu sắc chân thật, không nịnh mắt và góc nhìn đạt mức vừa phải, đủ dùng.
Ứng dụng
Ở thời điểm hiện tại, Asus Zenfone 2 sẽ chạy hệ điều hành Android 5.0 với giao diện phẳng hoàn toàn, một số ứng dụng do nhà sản xuất sẽ phẳng hoá toàn bộ, điều này giúp cho giao diện của Zenfone 2 trở nên đẹp như những chiếc smartphone Android cao cấp đang chạy hệ điều hành Android 5.0. Giao diện gốc của máy cũng có thể được thay thế bằng một số giao diện khác do Asus cung cấp trên kho ứng dụng riêng của họ và thật đáng tiếc vì nó sẽ không được “phẳng' cho lắm nhưng vẫn sẽ giúp bạn không bị nhàm chán bởi giao diện mặc định.
Không chỉ có phần cứng tốt, tôi còn phải thừa nhận rằng phần mềm của Asus Zenfone 2 cũng tốt không kém. Chúng ta sẽ có rất nhiều tiện ích khi sở hữu thiết bị này như chế độ tiện dụng giúp truy cập nhanh các ứng dụng cần thiết, hiển thị to rõ ngay ở màn hình chính. Nháy đúp màn hình để tắt, mở màn hình tuy không mới nhưng vẫn rất hữu ích vì thường xuyên phải dùng nó trong đời sống hàng ngày, ngoài ra thì còn nhiều phím tắt để truy cập nhanh các ứng dụng mà bạn sẽ sử dụng nhiều trong cuộc sống như camera, email, web...
Tổng kết
Tạm thời với phiên bản thử nghiệm của Asus Zenfone 2, chúng ta có thể hài lòng về những gì mà nó có thể mang lại. Cụ thể, Asus Zenfone 2 sẽ đem đến một cấu hình mạnh, phần mềm ổn định, màn hình có chất lượng hiển thị khá và camera ổn trong tầm giá. Tuy nhiên, nhược điểm của Zenfone 2 vẫn còn tồn đọng lại ở phần thiết kế. Thiết bị này sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều nếu như hãng giảm độ dày của nó xuống khoảng tầm 9 mm vì với mức 10,9 mm, cảm giác cầm Zenfone 2 rất thô và khó chịu. Tất nhiên, nếu so với những ưu điểm mà Zenfone 2 mang lại, chúng ta nên chấp nhận với nhược điểm đang có của nó. Vì dẫu sao thì đây cũng chỉ là một thiết bị tầm trung và nó sở hữu quá nhiều điểm gây ấn tượng.