Lần cuối bạn nhớ được số điện thoại của một người bạn là bao giờ? Thế lần cuối bạn lấy điện thoại ra và Google một thông tin vặt vãnh nào đó là bao giờ? Chắc chắn là bạn thực hiện hoạt động thứ 2 nhiều hơn hẳn so với việc nhớ số điện thoại đúng không – nhưng sự tiện lợi này lại có một tác hại khá nghiêm trọng.
Một nghiên cứu mới cho biết sự phụ thuộc của bộ não vào smartphone có thể đang gióng lên một hồi chuông báo động về quá trình tư duy để giải quyết vấn đề, tìm kiếm thông tin trong trí nhớ và hoạt động học tập.
Các nhà nghiên cứu gọi xu hướng sử dụng internet (và đặc biệt là những chiếc smartphone đa dụng) như một công cụ hỗ trợ trí nhớ là “chối bỏ nhận thức”. Và theo họ thói quen này thực sự đang thay đổi cách thức hoạt động của bộ não: Trong khi chúng ta có thể nghĩ về ký ức như một thứ chỉ xảy ra trong đầu mình, thì càng ngày nó càng diễn ra với sự trợ giúp của các thiết bị bên ngoài.
Các tác giả của báo cáo được đăng trên Tạp chí Memory muốn xem mức độ mọi người tìm đến máy tính hoặc smartphone khi bị hỏi ở các chủ đề khác nhau có cao hay không.
Vì thế họ chia các tình nguyện viên thành 2 nhóm – một nhóm được yêu cầu sử dụng Google và nhóm còn lại thì không – và hỏi họ các câu hỏi khó về thể thao, văn hóa đại chúng, lịch sử. Tiếp đó, họ đặt các câu hỏi dễ hơn nhiều, cho cả 2 nhóm lựa chọn sử dụng internet nếu họ muốn.
Mặc dù nhóm câu hỏi thứ 2 đòi hỏi ít kiến thức hơn, những người trước đó đã dùng Google vẫn tiếp tục nhờ đến sự trợ giúp của bộ máy tìm kiếm này nhiều hơn hẳn so với những người trước đó chỉ sử dụng trí nhớ của mình.
Những người chuyên dùng Google cũng dành ít thời gian để lục lọi trong trí nhớ của mình hơn trước khi nhờ đến internet – và gần 1/3 trong số họ còn không buồn cố gắng trả lời một câu hỏi đơn giản nào nhờ vào trí nhớ.
Kết quả này cho thấy thói quen “chối bỏ nhận thức” của chúng ta tăng lên sau mỗi lần sử dụng. Trước đây chúng ta có thể cố gắng tự mình nhớ lại điều gì đó, bây giờ thì không. Khi bao nhiêu thông tin đều nằm sẵn trên smartphone và các thiết bị khác, chúng ta dần trở nên phụ thuộc vào chúng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên theo trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Storm thì điều này không hẳn là không tốt: Internet rõ ràng là toàn diện hơn, và trong nhiều trường hợp, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với trí nhớ của con người.
Sẽ rất hữu ích nếu có được kho kiến thức sẵn trong tay – và ta không phải lưu giữ mọi thông tin lặt vặt trong não bộ nữa. Storm cũng cho rằng Internet cũng rất có lợi cho người già vì khả năng nhận thức ở những người này đã bắt đầu suy giảm.
“Rõ ràng việc dựa vào internet cũng có nhiều lợi ích, đặc biệt là tầm bao phủ và độ chuyên sâu của thông tin mà nó mang lại, nhưng cũng có những điều bất cập. Chẳng hạn như khả năng và trí tuệ cũng như trí sáng tạo của chúng ta dựa trên sự tổng hợp các kiến thức nội tại ở mức độ nào? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời”.
Storm muốn có thêm nhiều nghiên cứu về cách thức con người kiểm soát mối quan hệ với internet để tận dụng được những lợi ích trong khi giảm thiểu các tác hại tiềm ẩn.
Tốt hơn hết là, lần sau khi có ai đó hỏi bạn một câu hỏi mà bạn không chắc là mình có thể trả lời được hay không, hãy nghĩ thật kỹ trước khi rút chiếc điện thoại của mình ra.
Theo: CafeBiz
Nguồn: Thế giới di động