Đây là những thông tin vừa được ông Tuấn Hà, CEO Vianalink chia sẻ trong buổi họp báo về Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2016 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Theo những số liệu được tổng hợp, tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang chi một nguồn ngân sách làm quảng cáo rất lớn với con số lên đến hàng tỷ đô la. Mặc dù doanh thu từ quảng cáo trực tuyến từ năm 2015 đến đầu năm nay cũng đang tăng trưởng nhanh chóng nhưng số tiền dành cho quảng cáo online (trực tuyến) lại chỉ chiếm con số ít và hầu hết đang chảy về túi của các doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, số liệu tính đến hết năm 2015 cho thấy, tại Việt Nam, Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD); Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD). Còn lại, các công ty quảng cáo của Việt Nam như Admicro, Adtima, Cốc Cốc... chỉ chiếm tỉ lệ doanh thu khá nhỏ trong 'miếng bánh' này với tổng số khoảng 1.900 tỷ. Doanh số trên cho thấy cán cân chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng theo số liệu từ ông Tuấn Hà, Facebook đang trở thành thế lực quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại thị trường Việt với 400.000 tài khoản bán hàng, trong đó có hơn 100.000 tài khoản quảng cáo. Điều đáng nói là Facebook vừa cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có thể tối ưu hóa các công cụ để có thể làm quảng cáo dễ dàng hơn rất nhiều từ mạng xã hội này.
Ở vị trí thứ 2, Google đã tiếp cận tới 93,3% người dùng mạng Internet Việt Nam, với 3,9 tỷ pageview/tháng, trở thành đối tác của hơn 200 tờ báo và khoảng 50.000 website tại Việt Nam.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt NamTrong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam như Admicro, Adtima, Cốc Cốc dù có độ phủ rộng nhưng lại lép vế hơn hẳn về doanh thu. Admicro, một trong những doanh nghiệp “đối đầu” với các ông lớn Google, Facebook cũng có khoảng 31 triệu user, tiếp cận tới hơn 90% người dùng Internet và là đối tác của hơn 150 website có thương hiệu tại Việt Nam. Hay như Cốc Cốc có tới 18,3 triệu khách hàng tiềm năng và công bố trên hệ thống có khoảng 50 triệu người cài đặt. Thế nhưng, tất cả chỉ gói gọn trong số doanh thu kể trên.
Một điểm đáng lưu ý nữa mà các chuyên gia nhận định là tại Việt Nam, tiếp thị trực tuyến vẫn chưa theo kịp và chưa hỗ trợ tốt cho thương mại điện tử. Số liệu do Bộ Công Thương cung cấp cho thấy doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4 tỷ USD thì phần chi cho tiếp thị trực tuyến chỉ đạt 320 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng), nghĩa là tỉ lệ chưa bằng 1/10.
Số liệu thống kê chi tiết về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 cho thấy, có tới 53% doanh nghiệp chỉ chi dưới 10 triệu đồng cho tiếp thị trực tuyến và chỉ một số ít doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho mảng tiếp thị này.Thêm đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể vào một số ít các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới khiến cho thị phần của các doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước khá nhỏ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể kỳ vọng bởi thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh. Ông Tuấn Hà cũng dẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành Adtima nhận định rằng thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam tăng trưởng nhanh, chạm mốc 100%/năm, tức là doanh thu năm nay (2016) có thể lên đến 14.000 tỷ đồng. Con số quảng cáo trực tuyến trên di động trong năm nay sẽ tăng trưởng tới hơn 200% chứng tỏ việc dịch chuyển từ màn hình máy tính sang mobile sẽ diễn ra rất mạnh.
Theo: ICTnews