Nếu là tín đồ công nghệ, hẳn bạn đều đã biết hoặc nghe đến 3 cái tên đình đám: OnePlus, Oppo và Vivo. Mỗi thương hiệu có một đặc trưng sản phẩm riêng và chiến lược phát triển khác nhau. Nhưng, có một điểm chung lớn giữa 3 thương hiệu này mà có thể bạn chưa biết!?
Sự thật sẽ khiến nhiều bạn hoàn toàn bất ngờ: Cả 3 thương hiệu này hiện nay đều là công ty con, trực thuộc sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc có quy mô cực lớn, được biết đến trên thị trường với cái tên BBK Electronics.
Dù cho người dùng thiết bị đầu cuối còn cảm thấy xa lạ, nhưng đây đích thực là một 'tay chơi lão làng' trong ngành công nghiệp trò chơi và điện tử tiêu dùng với hơn 3 thập niên phát triển. Khởi thủy của BBK Electronics là làm 'nhái' lại các hệ thống giải trí game của Nintendo, cùng nhiều sản phẩm khác.
Quay trở lại câu chuyện, trong khi Vivo và Oppo do BBK sở hữu hoàn toàn, thì OnePlus cũng có thể xem như là chung một nhà, vì vốn được biết đến là thương hiệu con của Oppo.
Không chỉ dừng lại ở 3 'con gà đẻ trứng vàng' này, BBK sắp tới còn định tung ra một thương hiệu mới toanh với cái tên dễ thương - IMOO, nhắm vào mảng điện thoại phục vụ mục đích học tập dành cho trẻ em. Dĩ nhiên, kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành sản xuất thiết bị chơi game và đồ chơi của BBK, sẽ cực kỳ phù hợp cho dự án có tính đặc thù này.
Ngoài hệ thống nhà máy sản xuất của riêng công ty mẹ trải rộng trên 10 héc ta với hơn 17.000 công nhân, phải nói rằng BBK Electronics có hệ thống quản trị doanh nghiệp rất hiệu quả. Nhờ đó mới có thể cùng lúc điều phối hoạt động chung của cả 3 công ty điện thoại di động và dự án mới vừa kể trên.
Trong số ba thương hiệu con, Oppo có quy mô lớn nhất và sản xuất nhiều sản phẩm phong phú, không chỉ là điện thoại di động. Hiện nay, Oppo còn đang chế tạo các hệ thống giải trí nghe nhìn gia đình, như: Máy chiếu phim cỡ nhỏ và dàn âm thanh Hi-Fi. Ngoài ra, họ còn sản xuất cả đĩa DVD, Blu-ray, máy nghe nhạc.
Đối với lĩnh vực smartphone, Oppo tuy đình đám bấy lâu nhưng chỉ mới gia nhập thị trường vào năm 2008 - thời điểm mà iPhone làm mưa làm gió, khiến nhiều công ty sản xuất thiết bị điện tử nhận ra mỏ vàng của tương lai.
Kinh nghiệm và chiến lược đúng đắn đã giúp Oppo chỉ mất có hơn 5 năm để trở thành công ty có lợi nhuận tốt thứ hai trên toàn thị trường Trung Quốc. Và giờ đây được xếp trong số ít các nhà sản xuất smartphone hàng đầu, cùng với những cái tên đình đám khác như ZTE, Huawei, hay Xiaomi.
Thương hiệu con của Oppo là OnePlus cũng thu được thành công rực rỡ kể từ khi ra mắt năm 2013, bởi cựu giám đốc Oppo là Peter Lau. Trải qua 4 đời sản phẩm đều có thiết kế, cấu hình và mức giá ấn tượng, được mệnh danh là 'Kẻ hủy diệt smartphone', hiện nay OnePlus đã xuất hiện tại 16 quốc gia và tạo ra doanh thu hơn 300 triệu USD.
Dù có hơi lép vế hơn so với 2 'đàn anh' trên bình diện truyền thông, nhưng Vivo vẫn là một cái tên đáng gờm trong ngành di động, khi nhanh chóng trở thành một trong 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, chiếm 2.7% thị phần toàn cầu.
Chỉ mới thành lập vào năm 2009, nhưng Vivo đã có nhiều thành tựu ấn tượng như cho ra đời chiếc smartphone Vivo X1 mỏng nhất thế giới (năm 2012). Đó còn là smartphone đầu tiên trên thế giới tích hợp chip âm thanh Hi-Fi. Hay sau đó vào 2013, họ lại giới thiệu Vivo Xplay3s - chiếc smartphone màn hình 2K đầu tiên trên thế giới.
Có thể nói, giữa một thị trường cạnh tranh khốc liệt với quá nhiều 'tay chơi có máu mặt', BBK Electronics là một điển hình thành công hiếm có, khi mà cả 3 thương hiệu con của họ là Oppo, OnePlus và Vivo đều phát triển thành công suốt gần một thập niên qua.
Cả 3 thương hiệu này hiện tại đều có sản phẩm tại Việt Nam, Oppo thì đã quá quen thuộc, Vivo bắt đầu 'phủ sóng' mạnh mẽ, OnePlus cũng đã xuất hiện ít nhiều ở thị trường hàng xách tay và trên các mặt báo.
Thông tin này có làm bạn bất ngờ không? Hãy cùng bình luận trao đổi nhé!