Vì sao lại là cho người lười? Vì bạn chỉ cần up hết mọi hình ảnh của bạn lên Google Photos và không cần phải suy nghĩ về việc tạo album như thế nào, sắp xếp ra sao, đặt tên gì cho dễ nhớ, cũng chẳng phải rename file như cách mà chúng ta vẫn thường dùng để quản lý ảnh. Khi cần tìm một ảnh, bạn chỉ cần gõ vài từ khóa là ra: có thể tên của sự vật có trong ảnh, địa điểm chụp ảnh, sự kiện đang diễn ra trong ảnh, thậm chí tìm theo kiểu 'chuyến du lịch đến Mỹ năm 2016 của tôi' cũng được luôn. Google Photos đã mở ra một cấp độ mới của sự lười biếng mà vẫn gọn gàng và dễ sử dụng.
Để upload ảnh lên Google Photos, nếu bạn xài máy tính thì có thể up qua trình duyệt hoặc ứng dụng Backup & Sync, còn nếu bạn đang xài di động thì có app cho iOS và Android. App cho Android không có gì để nói, tự động sao lưu ngon lành, riêng app cho iOS buộc bạn phải chạy app lên thì mới upload ảnh được. Download app tại đây.
Và khi tìm kiếm, bạn có thể tìm bằng những nội dung sau (buộc phải sử dụng tiếng Anh, chưa hỗ trợ tiếng Việt):
Thời gian chụp ảnh. Ví dụ: 'photos jun 2016'
Địa điểm chụp ảnh. Ví dụ: 'Quy nhon', có thể dùng kết hợp với thời gian, như 'Quy nhon 2017' hoặc 'Washington D.C, jun 2016' để việc tìm kiếm được rõ ràng và có mức giới hạn tốt hơn
Vật thể có trong ảnh. Ví dụ: 'Beach' (bãi biển), 'family' (ảnh chụp gia đình), 'group photos' (chụp ảnh nhóm), 'planes' (ảnh nào có máy bay thì hiện ra hết), 'airport' (ảnh chụp tại phi trường sẽ tự xuất hiện), 'park' (ảnh chụp ở công viên) 'dog', 'cat', 'bird'... Cái này khó chịu ở chỗ bạn cần biết tiếng Anh, nếu không sẽ khó tìm kiếm
Tìm kiếm bằng gương mặt: Google Photos có thể nhận dạng các gương mặt giống nhau và tự nhóm thành 1 người, khi bạn cần tìm ảnh của bồ bạn thì sẽ dễ dàng hơn.
Tên album ảnh, nếu bạn có dùng chức năng album
Kết hợp giữa các từ khóa tìm kiếm nói trên cùng với nhau.
Khi bạn sử dụng một trong những phương thức tìm kiếm mà mình liệt kê ở trên, Google Photos sẽ đọc trước từ thông tin EXIF của ảnh, trong đó có tên camera, địa điểm chụp, thời gian chụp. Sau đó, nó áp dụng thêm các thuật toán trí tuệ nhân tạo để biết trong ảnh có gì mà không cần bạn phải chỉ định hay tag gì đó một cách cụ thể.
Đây chính là sức mạnh của machine learning, của hệ thống xử lý và nhận biết hình ảnh mà Google đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm qua. Lúc Google Photos mới ra mắt hệ thống tìm kiếm này chưa mạnh lắm, còn bây giờ nó đã cải tiến rất nhất và nhận diện cực kì chính xác. Nhờ hệ thống nhận diện đó, bạn có thể tìm lại tấm ảnh đã chụp cách đây mấy năm mà không cần nhớ chính xác bạn lưu nó trong album nào, chỉ cần nhớ mang máng vật thể có trong ảnh là đủ.
Tóm lại, qua đây mình muốn nói rằng các bạn hãy sử dụng chức năng tìm kiếm của Photos thật nhiều vào, khi đó bạn sẽ thấy được công cụ này mạnh ra sao và bạn có thể lười tới mức nào. Và đỡ cái nữa là khi bạn có thể ném hết hình của mình từ tất cả các thiết bị lên Google Photos thì bạn sẽ không còn phải lo chuyện mất hình ảnh nữa. Quá tuyệt vời.
Kết quả tìm kiếm cho từ 'Shrimp', có nghĩa là con tôm
Kết quả tìm kiếm cho từ 'Fish', có nghĩa là con cá
Kết quả tìm kiếm cho từ 'Da Nang', liệt kê các ảnh chụp tại Đà Nẵng hoặc có danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng