Apple, hay các công ty công nghệ hiện cần những kim loại và vật chất hiếm được khai thác từ lòng đất để chế tạo các linh kiện cho sản phẩm của mình nhưng điều này sẽ thay đổi trong tương lai khi Apple hứa sẽ ngưng khai thác các vật chất từ lòng đất để làm iPhone, iPad, MacBook hay các sản phẩm phần cứng khác.
'Ngưng khai thác trái đất hoàn toàn' là thông điệp được Apple đưa ra trong báo cáo trách nhiệm với môi trường 2017 vừa qua. Thay vào đó, Apple sẽ dựa hoàn toàn vào các vật liệu tái chế như nhôm, đồng, thiếc hay vonfram. Nỗ lực của Apple đáng được ghi nhận bởi chính họ còn chưa biết họ sẽ làm điều đó như thế nào.
'Chúng tôi đang thực hiện một thứ rất hiếm khi nào chúng tôi làm, đó là đề ra mục tiêu trước khi chúng tôi biết phải làm gì với nó', phó chủ tịch phụ trách môi trường, chính sách, xã hội của Apple Lisa Jackson nói. 3 năm trước, có dưới 16% rác thải điện tử được tái chế theo báo cáo của Đại học Liên hợp quốc, đó không phải là ngoại lệ với Apple khi có rất ít các linh kiện bên trong iPhone được làm từ vật liệu tái chế. Thực trạng này sẽ thay đổi khi Apple sẽ kết hợp mua các kim loại tái chế chất lượng cao với những linh kiện lấy từ iPhone cũ để thể hiện rằng 'Apple là một công ty không nhất thiết phải khai thác trái đất cho mọi thứ mà chúng tôi cần'.
Khung đồng hồ và tai nghe AirPods được Apple ngâm trong dung dịch mô phỏng mồ hôi người để đảm bảo độ an toàn khi đeo trong thời gian dài cho người dùng.
Việc khai thác các loại vật chất từ trái đất có những tác động không chỉ tới môi trường mà còn về mặt lao động, cũng như chất thải ra nguồn nước địa phương. Tờ Washington Post năm ngoái mô tả trẻ em được nhìn thấy tại các mỏ khai thác coban ở Congo. Coban là một thành phần quan trọng để sản xuất pin lithium mà Apple hay Samsung đang sử dụng. Việc chuyển qua sử dụng vật liệu tái chế cũng giúp giảm sự phụ thuộc của Apple vào các nguồn tài nguyên khai thác từ các vùng xung đột.
So với các công ty khác, Apple đang cho thấy họ nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề giảm thiểu tác động tới môi trường. 'Những công ty khác đã cam kết sẽ sử dụng một lượng nhựa tái chế nhất định, nhưng với lời hứa sử dụng 100% vật liệu tái chế thì tôi chưa thấy công ty nào với quy mô như vậy cam kết cả', nhà phân tích Gary Cook thuộc Greenpeace cho biết.
Lisa Jackson cũng chia sẻ về vòng đời các sản phẩm của Apple. 'Tôi nghĩ độ bền của một sản phẩm là một cái rất quan trọng, nhiều người chọn sản phẩm Apple bởi vì họ biết nó bền'. Tuy nhiên, những nghiên cứu thì lại cho thấy vòng đời của các sản phẩm điện tử đang giảm rõ rệt. Vòng đời của một sản phẩm Apple trung bình rơi vào khoảng 3 năm, với một sản phẩm có giá khoảng 900 USD thì khoảng thời gian đó kém xa mong đợi của người dùng.
Một nỗ lực rõ ràng nhất của Apple về việc họ tăng tỉ lệ dùng vật liệu tái chế là khi họ giới thiệu con robot Liam. Con robot này sẽ tháo các linh kiện một chiếc iPhone, sau đó màn hình hay mạch logic có thể được bóc tách để tái sử dụng. Liam cũng sẽ giúp tách rời vonfram từ bộ phận rung Taptic Engine trong iPhone để tái sử dụng trên các công cụ cắt, lấy bạc từ mạch logic để ứng dụng trong tấm pin mặt trời...
Báo cáo này cũng cho thấy Apple đã mua đủ diện tích rừng, với số lượng gỗ để tạo ra bao bì sản phẩm và các giấy tờ tài liệu cho hai thị trường Trung Quốc và Mỹ. Năm 2015, Apple đã mua khoảng 14.569 ha rừng tại Mỹ và tới cuối năm nay, họ dự kiến sẽ mở rộng lên hơn 400 ngàn ha tại Trung Quốc.