Cũng đã 4 ngày, kể từ khi bản mở rộng The Rise of the Rajas được phát hành cho tựa game nổi tiếng Age of Empires II (HD Edition). Sau một vài ngày trải nghiệm thử, mình cũng có đôi chút cảm nhận và một đoạn video ngắn để chia sẻ cho những ai chưa được đắm mình vào cuộc chiến của các vị anh hùng Đông Nam Á cổ đại nhé!
Đầu tiên, là về lối chơi. Cảm nhận ban đầu khi bạn bước chân vào các chiến dịch của phần này có lẽ là 'khó' và 'tốn nhiều thời gian' hơn so với các bản mở rộng trước đây. Nếu chơi một màn chiến dịch trọn vẹn ở chế độ dễ nhất (Standard) cũng có thể phải mất đến hơn 2 tiếng (hoặc cũng có thể do mình gà nên lâu tí thôi).
Phần giới thiệu về Lê Lợi trong màn đầu của game
Riêng về phần chiến dịch 'Le Loi', cốt truyện diễn tả lại khá chân thực quá trình chiến đấu gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh đô hộ. Trong đó, cũng bao gồm câu chuyện Lê Lai cứu chúa hay thậm chí cả yếu tố thần thoại Cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm và thanh gươm báu nữa.
Một đạo quân bắn cung Đại Việt với chiếc nón lá thân quen
Và cả những cánh đồng lúa nước quen thuộc cũng được xuất hiện trong chiến dịch này
Các tập của chiến dịch Lê Lợi mà mình đã vượt qua
Câu chuyện Lê Lai cứu chúa được mô tả chân thật trong tập 2 của chiến dịch mà mình sẽ trải nghiệm thử qua đoạn video ngắn phía dưới
Và đây là một đoạn video trải nghiệm tập 2 - The Mountain Siege - kể về câu chuyện nổi tiếng Lê Lai cứu chúa (tuy nhiên do cái mic bị vấn đề nên các bạn thông cảm về âm thanh, bên cạnh đó vì áp lực thời gian nên mình xin phép được sử dụng đôi chút cheat-code nhé)
Lưu ý: chỉnh chất lượng lên 720p48 để xem tốt hơn
Bên cạnh đó, quân đội Đại Việt cũng có thể chơi được trong các chế độ đấu cổ điển (như Death Match chẳng hạn).
Quân đội Đại Việt cũng xuất hiện trong các chế độ đấu thông thường
Tóm lại, cảm nhận riêng của mình về bản mở rộng lần này là phần chiến dịch khá hấp dẫn, tuy nhiên chỉ tính riêng về Việt Nam thì có đôi nét chưa đúng, vì lối kiến trúc có vẻ giống người Chăm hơn (có lẽ do cả 4 dân tộc họ lấy chung 1 kiểu như Nhật Bản và Trung Quốc trước đây) và thật sự là chẳng hiểu sao cái cánh cửa Ngọ Môn (kinh thành Huế - Triều đại Nguyễn) lại có mặt ở câu chuyện của khởi nghĩa Lam Sơn trước khi được xây đến cả 400 năm (??!).
Ngọ Môn (Kinh thành Huế) xuất hiện trong câu chuyện của nghĩa quân Lam Sơn trước khi nó được xây đến... 400 năm??? Có gì nhầm lẫn chăng??
Trăm người nghìn ý, có thể các bạn sẽ có những thành kiến khác mình nên tự trải nghiệm mới là hay nhất. Bạn hoàn toàn có thể mua ngay tại Steam cùng với nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn nhân dịp phát hành bản mở rộng này.
Hiển Đạt Chu | TECHRUM.VN