Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt sốt xuất huyết nhất nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, sốt xuất huyết thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt phát ban, virus, viêm mũi họng…
Vậy, cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết? Phương pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho trẻ như thế nào?
Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó sang đốt người lành và mang bệnh.
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.
Sốt xuất huyết do muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. (Ảnh minh họa)
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Thể nhẹ:
Sốt cao đột ngột trên 38o[/sup]C, kéo dài trong 2 - 7 ngày.
Khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán.
Đau mỏi cơ, khớp.
Đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban.
Không kèm theo ho, sổ mũi, tiêu chảy.
Trẻ sơ sinh thường bỏ bú, quấy khóc. ..
Các nốt ban (nốt xuất huyết) thường xuất hiện sau sốt 3 ngày, mọc ở cánh tay, cẳng chân, thân mình, nhỏ như vết muỗi đốt, hình tròn, không ngứa, và không hề biến mất khi căng da hay ấn tay vào da.
Trẻ bị sốt xuất huyết mọc ban ở cánh tay, chân, thân mình…(Ảnh minh họa)
Lưu ý: Trẻ từ 4-5 tuổi, những ngày đầu sốt phát ban nên dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt nhiễm trùng.
Thể nặng:
Sốt cao đột ngột trên 38o[/sup]C.
Đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhãn cầu.
Xuất huyết ngoài da.
Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng…
Chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen...
Các bà mẹ phải nhớ ngày khởi phát sốt của con, các dấu hiệu của con để báo bác sĩ và tập trung các trẻ có dấu hiệu đã kể ở trên để sớm nhận ra bệnh sốt xuất huyết. Hãy đưa trẻ đến khám bệnh hàng ngày và bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu khác thường như: Lừ đừ, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu nhiều, tay chân mát lạnh. Chẩn đoán sớm, đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời thì điều trị sốt xuất huyết sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Nguyên nhân
Do vi rút Dengue.
Do muỗi vằn là nguồn lây bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh có thể gây thành dịch lớn.
Nếu phát hiện muộn dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Chế độ chăm sóc
Cho mặc quần áo thoáng, màu sáng để thoát nước.
Thức ăn: cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ.
Nước uống: cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường. Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây: nước cam, nước chanh, hay Oresol 1 gói pha 1 lít nước chín uống dần.
Vitamin: trẻ cần cung cấp thêm các vitamin nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Cho trẻ uống nhiều nước, hoa quả, ăn thức ăn dễ tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
Các thuốc được dùng
Thuốc hạ nhiệt: paracetamol: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg), ngày: 2-3 lần.
Ưu tiên bù dịch bằng đường uống (oresol).
Truyền dịch theo chỉ định của bác sỹ.
Các thuốc cấm chỉ định
Không dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em (aspirin gây phù não và tăng độ acid gây xuất huyết tiêu hóa).
Không dùng kháng viêm không steroid (làm cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết không cầm được).
Phương pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Đậy kín các chum, lu chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng.
Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy.
Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần/ 1 lần.
Thu gom đồ phế thải quanh nhà, lật úp các vật thải có chứa nước.
Cho trẻ mặc áo quần dài tay.
Cho trẻ nằm màn mỗi khi đi ngủ để phòng tránh muỗi đốt. (Ảnh minh họa)
Khi ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày).
Diệt muỗi bằng hóa chất như phun thuốc, tẩm màn, tháp hương muỗi, dung bình xịt diệt muỗi, bôi kem chống muỗi chích….
Bổ sung đầy đủ thực phẩm, dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Lời kết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền qua muỗi thường gặp nhất ở người. Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong vì vậy cần thận trọng, tránh nhầm lẫn với các bệnh sốt phát ban
Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng và trở thành dịch tại 100 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để nước lưu cữu trong lu, chum, chậu, nằm ngủ bằng màn, mặc quần áo dài ….để tránh bị muỗi đốt. Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cập nhật: 24/10/2016
Tổng hợp