Cảnh tỉnh người đứng đầu
Theo ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, mục đích đánh giá chủ tịch quận huyện, giám đốc sở, trưởng các ban ngành nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực thi nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển... cũng như khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức.
Ông Lê Anh, chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho rằng lâu nay TP đã triển khai chương trình người dân đánh giá cán bộ công chức, riêng vị trí chủ tịch UBND quận thì chưa triển khai. Lần này chủ tịch UBND phường, trưởng các phòng (thuộc UBND quận) sẽ đánh giá kết quả làm việc của chủ tịch UBND quận. Việc đánh giá kết quả làm việc của chủ tịch UBND quận là cách làm mới, cần triển khai một cách minh bạch và sòng phẳng. 'Tuy nhiên theo tôi, để việc triển khai công bằng thì cách thức đánh giá phải tiến hành bí mật, làm sao đừng để ông chủ tịch quận biết là cấp dưới đánh giá mình như thế nào. Bí mật thì các chủ tịch phường, trưởng các phòng mới dám 'xếp loại' cấp trên. Chứ đánh giá mà để cấp trên biết ai đánh giá mình thuộc loại nào thì có ông cấp dưới nào dám đánh giá' - ông Lê Anh góp ý.
Theo ông Đặng Công Ngữ, việc đánh giá sẽ được thực hiện 1 năm 1 lần. Trước hết, cá nhân chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc, trưởng các sở, ban ngành tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau đó, phó chủ tịch UBND quận huyện, phó giám đốc sở và trưởng các phòng chuyên môn, chủ tịch UBND các phường xã do chủ tịch UBND quận huyện quản lý sẽ đánh giá. Cuối cùng chủ tịch UBND TP sẽ có đánh giá về chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc các sở ngành.
Ông Huỳnh Năm, nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói: 'Việc thực hiện bộ tiêu chí này là rất tốt trong thời điểm hiện nay. Lâu nay người đứng đầu các quận huyện, sở ngành đánh giá cán bộ công chức, còn bây giờ có cách đánh giá chéo lại. Như vậy, đây là công cụ để quản lý người đứng đầu, qua đánh giá sẽ có cảnh tỉnh. Nếu anh làm chưa tốt thì phải rèn luyện hoặc có biện pháp, còn nếu tốt rồi thì cần phát huy thêm'. Ông Năm cũng cho rằng việc đánh giá này cần sự công tâm, thực chất, tránh sa vào hình thức.
Không phải ký tên, đóng dấu
Theo ông Võ Công Chánh - phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, việc đánh giá dựa trên thang điểm, trong đó điểm cộng dành cho người đứng đầu có những khen thưởng xuất sắc nổi trội về công tác chuyên môn, năng lực quản lý. Điểm trừ dành cho người không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu ban hành văn bản sai sót hoặc xảy ra các vấn đề có tính chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người khác.
Còn ông Trần Văn Trường, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết việc đánh giá này cần sát với thực tế vai trò của người đứng đầu. 'Tôi thấy trong bản đánh giá có nêu trường hợp bị điểm trừ nêu người đứng đầu để xảy ra khiếu nại đông người và vượt cấp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nơi nào có đền bù, giải tỏa thu hồi đất hầu như đều có khiếu nại. Đơn cử như huyện tôi, có nhà máy thép được TP cấp phép hoạt động. Hiện đang có vấn đề về môi trường, dân khiếu nại thì trách nhiệm thuộc về tôi hay về TP, tôi có bị trừ điểm không, nếu trừ thì hơi oan...'.
Việc đánh giá bảy chủ tịch UBND quận huyện và giám đốc, trưởng các sở, ban ngành của TP sẽ được thực hiện trên máy tính do Sở Nội vụ quản lý. Một phần mềm được kết nối để cấp dưới đánh giá cấp trên mà cấp trên không biết ai đánh giá mình đạt hay không đạt, không phải ký tên đóng dấu.
Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, chỉ có bộ phận ở trung tâm quản lý phần mềm ở Sở Nội vụ biết cụ thể cấp dưới nào đánh giá cấp trên. Trường hợp việc đánh giá thang điểm quá thấp hoặc có điều gì bất hợp lý sẽ đối chiếu lại với tình hình thực tế ở địa phương để đảm bảo tính công tâm.