Vốn từng rất quan trọng
Gander thật ra là một trong những điểm hàng không quan trọng nhất nhì thế giới. Từ đây, nhóm phi công người Anh gồm Alcock và Brown đã bắt đầu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên kéo dài 16 tiếng. Nơi đây còn chứng kiến nhiều sự kiện vĩ đại khác trong ngành hàng không. Các hãng bay lớn nhất ngày nay, ví dụ như Pan Am và BOAC (tiền thân của hãng bay British) đều phải chọn Gander làm trạm dừng trong các hành trình bay khi xưa. Ước tính Gander đã từng đón tiếp 13,000 máy bay mỗi năm với khoảng 250,000 hành khách.
Tại sao sân bay này lại quan trọng đến thế? Câu trả lời chính là nhờ vào việc vị trí của nằm giữa Châu Âu và Bắc Mỹ.Sân bay Gander thường được chọn là điểm dừng tiếp nhiên liệu cho các máy bay động cơ tiền phản lực, trong bối cảnh mà máy bay chưa thể đi xa được như hiện tại nếu không dừng tiếp nhiên liệu giữa chừng. Đây cũng là nơi đã giám sát việc di chuyển của các máy bay thuộc phe Đồng minh đến Châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Ngoài ra, Gander còn đóng vai trò như một “chủ nhà” tiếp đón các máy bay từ Liên bang Xô Viết bị cấm hạ cánh ở đất Mỹ.
Gần đây nhất, khi vụ khủng bố xảy ra vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001 (cách đây 20 năm), các máy bay trên đường vào không phận Mỹ buộc phải chuyển hướng đến những nơi khác để bảo đảm an toàn. Đã có 38 máy bay trong số đó phải hạ cánh khẩn xuống Gander với số hành khách lên đến 7,000 người.
Lãng quên theo thời gian
Động cơ phản lực đã tạo ra cuộc cách mạng hoá trong ngành hàng không thương mại. Thế là, việc dừng trạm tiếp nhiên liệu bỗng như là “dư thừa” và không còn cần thiết trong chặng bay, Gander từ đó cũng bắt đầu bị bỏ quên. Tuy nhiên vào nửa cuối thế kỷ 20, vẫn còn một số hãng bay của Đông Đức, hãng hàng không Cuba, Tiệp Khắc, Liên Xô,... đến Gander và dùng nơi này như một căn cứ Cộng sản Châu Âu. Đến khi Bức tường Berlin bị sụp đổ, Gander đã chính thức bị quên lãng và rất ít người còn biết đến nó.
Sự kiện khủng bố ngày 11 Tháng Chín
Ông Claude Elliott, thị trưởng của thị trấn Gander nhớ lại ngày hôm ấy, một buổi sáng cũng như mọi ngày, ánh nắng hôm đó rất đẹp. Chỉ trong vài giờ sau, thế giới đã bị rung chuyển bới cuộc tấn công khủng bố kinh khủng ở Mỹ. Giao thông hàng không trên toàn cầu bị tê liệt, tất cả máy bay tiến vào không phận Mỹ đều bị huỷ bỏ. Ông Kevin Tuerff, người đã có mặt trên chuyến bay của Air France trong hành trình từ Paris đến New York hồi tưởng lại: “Ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra, phi công đã thông báo qua hệ thống liên lạc nội bộ, đầu tiên là bằng tiếng Pháp, sau đó đến tiếng Anh, về cuộc khủng bố mới xảy ra và quyết định chuyển hướng hạ cánh ở Gander. Tôi chẳng biết mình đang ở đâu, tôi không thể phân biệt nổi sự khác biệt giữa Newfoundland với Greenland hay Iceland.”
Năm 2001, thời điểm mà không có vị khách nào trên máy bay có điện thoại với tính năng kết nối internet như hiện nay, thậm chí nhiều người còn chẳng có điện thoại. Do đó, chẳng ai có thể liên lạc với người thân, cũng như chẳng có cách nào để biết được thế giới ngoài kia đang xảy ra chuyện gì. Hành khách cứ ngồi đó, bất động suốt hàng giờ đồng hồ khi các nhà chức trách đang tìm cách xác định tình hình và đưa ra hướng giải quyết. Những thông tin họ biết được chỉ qua những tin đồn nghe được từ các tiếp viên và phi công.
Tiếp viên và thị trưởng Claude Elliot đã phải làm dịu bầu không khí bằng việc cung cấp đồ ăn, thức uống và cả chỗ ở miễn phí cho hành khách. Trên một số máy bay, nhóm tiếp viên đã phải cố gắng tạo ra bầu không khí vui nhộn và phát rượu miễn phí để hành khách đỡ hoảng sợ.
Cuối cùng, họ được rời khỏi máy bay, từng người đi xuống đường băng và chẳng hề biết mình đang được đưa đến đây. “Chúng tôi đã quá kiệt sức, nhưng sau khi vượt qua khâu kiểm tra an ninh, cứ như chúng tôi đang bước vào một buổi tiệc bất ngờ. Hàng trăm người đang đợi sẵn với rất nhiều thức ăn bày sẵn trên bàn. Bạn có thể tưởng tượng được không? Ở nơi đó mọi người chỉ đơn giản muốn mời bạn thức ăn và đồ uống, chỉ vậy mà thôi.”
Sự hiếu khách của người dân Gander
Ông Tuerff là một trong số hàng nghìn hành khách đã được cư dân Gander chào đón với vòng tay rộng mở. Người dân mời họ vào nhà, cho họ quần áo, chỗ nghỉ ngơi và chăm sóc chu đáo. “Tất cả chỉ xuất phát từ tấm lòng từ bi. Chúng tôi chỉ là những người lạ đến từ hàng chục quốc gia, có khả năng là những tên khủng bố trà trộn. Họ không cần phải cho chúng tôi vào nhà, nhưng họ đã làm vậy. Cả thị trấn chỉ có 10,000 dân mà đã chào đón đến 7,000 vị khách, đồng nghĩ gần như tất cả mọi người ở đây đều đang giúp đỡ chúng tôi. Chính sự thân thiện, hiếu khách của người dân là điểm đã khiến cho vùng Newfoundland trở nên độc đáo và đẹp đến thế”.
Ông Tuerff về sau cũng đã vài lần quay trở lại thăm thị trấn Gander nhưng không lần nào phải ở khách sạn. Ông cho biết mình luôn được một người dân mời đến ở, người mà ông đã vô tình quen biết trong sự cố hồi năm 2001. “Về cơ bản, họ xem tôi như con trai mình” – ông nói. Trong chuyến thăm gần đây, Tuerff đã gặp một gia đình tị nạn đến từ Syria đang được cộng đồng Gander tiếp nhận. Điều này đã giúp ông nhận thấy sự bao dung, thân thiện của người dân vẫn còn nguyên vẹn sau dường ấy năm.
Câu chuyện ấm lòng của người dân Gander đã được dựng thành một vở nhạc kịch với tựa đề là Come From Away, sẽ được phát sóng trên nền tảng chiếu phim trực tuyến Apple TV+. Nhiều người kỳ vọng vào sự thành công của vở kịch sẽ giúp Gander đến được với người xem trên thế giới và giúp nơi này được xuất hiện trên bản đồ du lịch. Hy vọng, địa danh này sẽ được nhiều người có đến tham quan và tự mình khám phá hòn đảo xinh đẹp, diệu kỳ này.
Tham khảo CNN
máy baymỹkhủng bố11-9gander