Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley vừa đưa ra một giả thuyết “bom tấn” ngay đầu tuần này, đó là vào năm 2016, doanh số chiếc điện thoại thông minh đình đám sẽ lần đầu tiên sụt giảm sau gần một thập kỷ làm mưa làm gió trên thị trường công nghệ toàn cầu.
Theo đó, dựa vào các phân tích và đồ thị biểu diễn của Statista, có thể thấy rõ mảng smartphone của Apple đã có một bước nhảy vọt trong năm 2015, và nhìn lại cả chặng đường dài, rõ ràng iPhone đã đạt được một thành tựu quá đỗi nổi bật tính từ xuất phát điểm 1,4 triệu đơn vị sản phẩm tiêu thụ trong năm 2007.
Báo cáo doanh số sản phẩm iPhone toàn cầu qua các năm.
Có thể nói, thành công vượt trội của năm 2015 có được nhờ vào việc ra mắt hai phiên bản iPhone có tính đột phá hồi cuối năm 2014, đặc biệt với chiếc 6 Plus màn hình lớn “lịch sử”, xóa bỏ lợi thế cạnh tranh chủ đạo của đối thủ Samsung Galaxy. Có lẽ, nếu không nhờ bước tiến 'hợp thời' này, tốc độ tăng trưởng doanh số của Táo khuyết đã không thể kỳ vỹ đến thế.
Tuy nhiên, tin vui này cũng báo hiệu nhiều thách thức cho đội ngũ lãnh đạo và phát triển sản phẩm của Apple. Nhiều người cho rằng hai chiếc điện thoại 6 và 6 Plus đã khéo dùng “chiêu trò kích thước” để hút về lượng khách hàng khủng trong năm 2015, song hai người anh em kế nhiệm 6S và 6S Plus sẽ khó lòng thể hiện xuất sắc được như thế (đặc biệt cân nhắc tính tương đồng – nếu không muốn nói là chẳng có gì khác biệt – trong thiết kế của hai chiếc điện thoại, cùng những tính năng mới thì có mới song cũng không hề đột phá). Khả năng 2016 sẽ là năm đầu tiên chúng ta chứng kiến doanh số iPhone cả năm sụt giảm, mở màn cho giai đoạn thoái trào của chiếc điện thoại thông minh thành công nhất thế giới từ trước tới nay.
Có lẽ, đã đến lúc Apple cần có tầm nhìn rộng và sâu hơn. Một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và “chắc thắng” cho iPhone, hay những khoản đầu tư tốt hơn vào các nhóm sản phẩm - dịch vụ khác? Một câu hỏi không hề dễ trả lời cho ngài Tim Cook và các cộng sự.
Quỳnh Anh (Theo BI/ Thế Giới Trẻ)