Tại thời điểm hoàng kim, diện tích đế chế này lên tới gần 5 triệu cây số vuông, trải dài từ châu Âu, châu Á tới châu Phi với gần 100 triệu thần dân. Quân đội La Mã hùng mạnh, tinh nhuệ, được chỉ huy bởi các tướng lĩnh tài ba, biết tổ chức, giỏi chiến lược, chiến thuật. Sau hàng nghìn năm, đó vẫn là hình mẫu quân đội chính quy cho tới tận thời nay. Có thể nói, người La Mã đã sở hữu đội quân tinh nhuệ, thiện chiến bậc nhất trong lịch sử quân sự nhân loại.
Sự xuất hiện của máy bắn đá Catapult
Kế thừa văn minh Hy Lạp, La Mã là kết tinh của ứng dụng kỹ thuật trong thế giới cổ đại. Những vũ khí công phá như máy bắn đá Catapult, máy ném đá “Bò cạp”, búa máy… mang tới ưu thế siêu việt cho quân La Mã trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Họ tận dụng những vũ khí “tối tân” này để gây ra những hậu quả kinh hoàng cho đối phương.
Sự xuất hiện của máy bắn đá Catapult giúp quân đội La Mã chinh phạt khắp lục địa Á Âu. Ảnh dẫn theo vozforums.com
“Catapult” là tên gọi chung cho các loại vũ khí tầm xa, các loại nỏ, pháo không dùng thuốc súng từ thời cổ đại tới thời trung cổ. Catapult được sáng chế bởi các kỹ sư người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4 TCN. Đây là một loại nỏ lớn làm từ gỗ, sừng và dây da hoặc gân thú, cự ly sát thương 100 mét bất luận loại áo giáp gì nhưng chưa đủ lực để công phá thành trì. Đương nhiên, nó cũng chẳng so sánh nổi với loại nỏ Liên Châu của tướng quân Cao Lỗ nước Việt (cùng niên đại) vốn có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc.
Để khắc phục những nhược điểm này, các kỹ sư Macedonia tài ba dưới thời vua Philip II (cha của Alexander Đại đế) đã cải tiến nó theo hướng gia tăng cường lực bằng mô-men xoắn. Họ phát triển một dòng vũ khí dùng sự xoắn chặt của dây thừng tạo lực bật cho cánh tay đòn, chính là máy bắn đá Catapult. Máy này có bánh xe để di chuyển dễ dàng, sử dụng lực đàn hồi của những cánh cung hay dây xoắn để bắn đạn. Chính Alexander Đại đế đã tận dụng thành công tối đa loại vũ khí này.
Nâng cấp Catapult dưới thời La Mã
Sau khi nắm quyền làm chủ toàn Địa Trung Hải, La Mã đã có những cải tiến quan trọng đối với các vũ khí tầm xa của Hy Lạp. Đầu tiên là kích thước, họ chế tạo các máy bắn đá nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, tháo lắp và gọi là “Cheiroballistra”. Loại này dùng chủ yếu để tấn công bộ binh hoặc chiến thuyền, không dùng vào mục đích công thành.
Tiếp đến, họ chế tạo loại máy chuyên dùng để công thành gọi là “Onager”, hoạt động theo nguyên lý cơ học về lực đòn bẩy. Cấu tạo của máy bắn đá gồm các thành phần sau: sợi dây treo, cánh tay đòn và đối trọng nặng. Khi sợi treo và cánh tay đòn bật lên thẳng đứng, đoạn cuối sợi dây treo tung ra, đẩy viên đạn nặng tới 160kg về phía mục tiêu với sức mạnh khủng khiếp.
Được biết đến với cái tên ‘onager’, đã được sử dụng khi quân đội La Mã bao vây kẻ địch. Có một sợi dây ná, được gọi là ‘bọ cạp’, vì cú bắn từ loại vũ khí này này trông khá giống với sự chuyển động của một cái đuôi bọ cạp. Ảnh dẫn theo en.wikipedia.org
Vũ khí này được miêu tả bởi sử gia chiến trường Ammianus Marcellinus: “Khung của máy bắn đá làm bằng 2 súc gỗ sồi, ở giữa là 2 lỗ to để bó dây thừng căng và xoắn. Một cánh tay đòn được cắm vào giữa bó dây thừng, đầu cuối treo một cái giỏ… Khi tham chiến, một viên đạn, thường là chất dễ cháy nổ bọc ngoài bằng vữa (đá, vôi) sẽ nổ và cháy khi va chạm, được cho vào trong giỏ và cánh tay đòn được kéo xuống, chốt lại. Sau đó pháo trưởng bật chốt bằng búa và với một cú bật viên đạn được bắn về phía mục tiêu”.
Onager đòi hỏi 8 pháo thủ vận hành, là loại vũ khí công thành đáng sợ, mỗi khi xuất hiện thì chắc chắn sẽ có những đoạn tường thành sạt đổ trước uy lực của nó. Ngoài ra Onager cũng có thể dùng để ném những xác chết nhiễm bệnh hay cầu lửa vào thành nhằm phá hoại từ bên trong. Dù vậy, nó cũng không thông dụng bằng người anh em song sinh Catapult của mình. Loại vũ khí tầm xa này đã giúp đế chế La Mã chiếm hữu gần hết thế giới mà người phương Tây cổ đại khi ấy nhận thức được (tức các vùng đất ven Địa Trung Hải thuộc 3 châu Âu, Á, Phi).
Máy bắn đá và những trận đánh thời trung cổ
Tới thời trung cổ, Onager được cải tiến thành “Trebuchet”, có thể ném những tảng đá nặng tới 140kg đi xa khoảng 300m và phá hoại tất cả những gì trên đường bay của chúng. Thậm chí có nhiều Trebuchet khổng lồ còn được sử dụng để ném những tảng đá lớn nặng đến 1500kg.
Trong cuộc bao vây thành Acre năm 1191, vua Richard (Sư tử tâm) của Anh đã cho lắp ráp 2 cỗ máy bắn đá Trebuchet được đặt tên là “Máy bắn đá của Chúa” và “Hoại lân bang”. Những cỗ máy chết người ấy lập tức phá tan thành Acre, chấm dứt cuộc vây hãm dai dẳng hàng năm trời.
Những chiếc máy ném đá Trebuchet cỡ lớn có thể ném những tảng đá nặng tới 140 kg đi xa khoảng 300m. Ảnh dẫn theo vozforums.com
Năm 1268, quân đội Mông Cổ vây hãm Phàn Thành và Tương Dương nhiều năm nhưng không thể chiếm được. Dai dẳng mãi không thể chiến thắng, quân Mông Cổ đã phải mời đến 2 học giả người Ba Tư lắp ráp những cỗ Trebuchet dùng lực đối trọng để đánh thành. Ngay sau đó, những chiếc Trebuchet và đại quân Mông Cổ đã nhanh chóng biến Phàn Thành và Tương Dương thành đống gạch vụn, buộc quân Tống đang cố thủ phải đầu hàng.
Còn trong cuộc vây hãm lâu đài Stirling năm 1304, Edward Longshanks đã ra lệnh cho các kỹ sư của mình chế tạo một cỗ Trebuchet khổng lồ cho quân đội Anh, tên là “Sói chiến”. Cỗ máy hủy diệt này chuyên dùng để bắn những tảng đá nặng 1 tấn rưỡi, san thành bình địa tất cả những gì là mục tiêu của nó.
Catapult hay Trebuchet vẫn được sử dụng cho tới tận Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918). Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, chúng được dùng để ném lựu đạn qua vùng đất trống vào trong chiến hào của địch. Cuối cùng, những chiếc Catapult được thay thế bởi súng cối loại nhỏ, chính thức chấm dứt sứ mệnh của mình trong lịch sử chiến tranh.
Đạo Nhất
Giấc mơ kỳ lạ của hoàng đế La Mã và quyết định thay đổi lịch sử, chấm dứt cuộc bức hại 300 năm
Bí ẩn về căn bệnh khủng khiếp khiến cả Đế chế La Mã hùng mạnh bị diệt vong
Những cuộc bức hại đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại