Từ cánh rừng nhiệt đới Amazon cho đến những ngọn núi Thụy Sĩ, loài ong đang tạo ra loại mật lẫn cả chất độc. Neonicotinoids, loại độc thần kinh thường thấy trong thuốc trừ sâu được phát hiện trên khoảng ba phần tư mẫu mật ong ở nhiều châu lục, thông tin được một nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí Science.
Loài ong đang tạo ra loại mật lẫn cả chất độc neonicotinoids.
Nhà sinh vật học tại Đại học Neuchâtel (Thụy Sĩ), ông Edward Mitchell cho biết, sự suy giảm đáng kể của loài ong bắt nguồn từ nhiều yếu tố và thuốc trừ sâu là một trong số đó. Phát hiện cũng cũng cho thấy, khi môi trường gây áp lực lên việc thụ phấn sẽ ảnh hướng lớn tới chuỗi thức ăn.
Khoảng 30% số mẫu mật ong lấy bởi Tiến sĩ Mitchell và cộng sự có chứa một trong 5 loại neonicotinoids thường được dùng trong nông nghiệp bao gồm acetamiprid, clothianidin, imidacloprid, thiacloprid và thiamethoxam. 40% có chứa từ 2 đến 3 loại và 10% chứa 4 đến 5 loại. Bên cạnh đó, khoảng 34% số mẫu có nồng độ gây hại cho ong, khiến chúng giảm tỷ lệ sinh sản và mất phương hướng trong việc tìm đường về tổ sau khi tìm thấy mật hoa.
Nhà nghiên cứu Alexandre Aebi đang xem xét một tổ ong trong trang trại tại Thụy Sĩ.
Tiến sĩ Mitchell và cộng sự đã thực hiện cuộc thăm dò thông qua 300 bình đựng mật ong nguyên chất có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Đồng tác giả, nhà nghiên cứu Alexandre Aebi cho rằng, những nông dân nuôi ong đã không sử dụng nonicotinoids, rất có thể chất này được phát tán từ những vườn hoa lớn trong thành phố, nơi phun thuốc trừ sâu rộng rãi mà không được kiểm soát chặt chẽ như đối với rau quả.
Một số lọ trong 300 mẫu mật ong trên khắp thế giới được các nhà khoa học thu thập và nghiên cứu.
Tiến sĩ Mitchell cho biết, kết quả nghiên cứu đã hé lộ sự thật rằng, hầu hết mật đều có chứa chất độc. Ngay cả khi tổ của chúng được đặt tại những vùng hẻo lánh, nơi người nuôi ong không bao giờ dùng thuốc trừ sâu hay nguyên liệu phi hữu cơ. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp giúp loại bỏ thuốc trừ sâu, ông cho biết thêm.
Sau khi ban hành lệnh cấm đối với một số loại neonicotinoids vào năm 2013, Liên minh Châu Âu đang cân nhắc siết chặt hơn với một số lệnh cấm mới trong việc sử dụng chất này. Tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) thừa nhận tác hại của neonicotinoids và đã đưa ra dự thảo luật giúp giảm thiểu ảnh hưởng của chúng tới các loài động vật.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý