Trong tờ trình gửi Tổng cục Thuế đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp cục giai đoạn 2016 - 2020, ông Võ Thành Long - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “phó cục trưởng”. Bổ nhiệm người thân là việc đang được ông Long quyết liệt thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình.
Cụ thể, tháng 3.2015, ông bổ nhiệm vợ là bà Đỗ Thị Phương Ngọc (sinh năm 1970) làm Trưởng phòng Thanh tra số 1 - Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rất đúng quy trình, một tháng sau, ông ký tờ trình gửi Tổng cục thuế đề nghị bổ sung quy hoạch cho vợ giữ chức “phó cục trưởng”.
Cùng thời điểm này, em vợ ông Long (bà Đỗ Thị Phương Thúy) là kiểm tra thuế viên ở phòng Tuyên truyền hỗ trợ được anh rể quy hoạch phó trưởng phòng. Cọc chèo (đồng hao) với ông Long là ông Nguyễn Đăng Bình (chồng bà Thúy) cũng đã được bổ nhiệm giữ chức phó chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Côn Đảo. Ngoài ra, còn có nhiều người thân thích, họ hàng khác của ông Long - bà Ngọc hiện cũng đang làm việc tại Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và chi cục thuế TP Vũng Tàu.
Ông Long khẳng định, tất cả đều đúng quy trình.
Tại Bình Định, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Đảng đang làm rõ việc bổ nhiệm một số người thân của ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, vào các vị trí lãnh đạo. Cụ thể, vợ ông Toàn là bà Lê Thị Điển được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở GD-ĐT. Em ruột ông Toàn là bà Lê Thị Vinh Hương trước đây công tác ở Sở KH&CN được đưa vào quy hoạch làm Phó giám đốc sở này. Sau đó bà Hương được điều động, bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở LĐTB&XH. Em rể ông Toàn là ông Nguyễn Đức Toàn (chồng
bà Lê Thị Vinh Hương) từ cán bộ phường lên làm Trưởng phòng TN-MT TP Quy Nhơn. Chị ruột ông Toàn, dù không đủ tuổi giữ ghế vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo một cơ quan ngang Sở.
Cho đến giờ, ông Toàn khẳng định, tất cả đều đúng quy trình.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý đặc biệt chuyện công tác cán bộ.
“Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, Thủ tướng nói.
Chỉ đạo của Thủ tướng ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân, bởi chuyện cán bộ kiểu “cha truyền con nối” đang làm mất lòng tin của dân, bởi người tài luôn bị gạt ra ngoài nhường chỗ cho người nhà.
Gần đây, nguyên tắc “bổ nhiệm người nhà” đang có từ từ cấp thôn ấp trở lên, cấp huyện cấp tỉnh cho đến cấp trung ương càng không hiếm, nhưng “đúng quy trình” kiểu “anh bổ nhiệm con tôi thì tôi bổ nhiệm con anh”. Nghèo như xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, với hơn 31% hộ nghèo, lại có tới hơn 20 người là anh em, họ hàng với chủ tịch xã Lê Văn Thanh và bí thư xã Trương Văn An cùng làm lãnh đạo, cán bộ xã.
Trong đó, chủ tịch xã cũng là em rể của bí thư xã, có 12 chức danh quan trọng trong Đảng và chính quyền đều là “người nhà” với nhau. Họp giao ban, xưng hô toàn phải anh Ba, chú Bảy, bác Cả, cô Năm, cứ như họp gia đình. Báo chí lên tiếng, lãnh đạo xã Hạ Sơn nói, tất cả đều đúng quy trình.
Đó là chỗ nghèo, còn chỗ béo bở thì người nhà càng nhiều. Con trai ông Trịnh Xuân Thanh mới ra trường vài tháng đã làm sếp ở công ty bia lớn nhất phía Bắc. Con trai ông Vũ Huy Hoàng chưa đầy 30 tuổi cũng được bổ nhiệm làm sếp công ty bia lớn nhất phía Nam. Ai cũng biết, bia và nước giải khát là ngành hái ra tiền số 1 Việt Nam. Ông Thanh, ông Hoàng không bổ nhiệm con mình, mà có cán bộ khác “tự biết việc” và bổ nhiệm đúng quy trình.
Có một dạo ở Quảng Nam, “ông giám đốc 30 tuổi bị mất chim” Lê Phước Hoài Bảo luôn dính liền với cụm từ “con trai bí thư tỉnh ủy Lê Phước Thanh” như một mặc định: Nếu không phải con quan đầu tỉnh thì cỡ tuổi ông Bảo không thể làm quan lớn! Dĩ nhiên, dư luận là thế nhưng ông Bảo được bổ nhiệm đúng quy trình.
Câu chuyện hài về môt người dân đến một cơ quan liên hệ làm việc thì bảo vệ cơ quan cho biết, toàn bộ cán bộ đều nghỉ làm vì nhà có tang, hóa ra lại xuất phát từ thực tế cả nhà cùng làm cán bộ.
Cho nên, chỉ đạo “tìm người tài, không tìm người nhà” của người đứng đầu chính phủ hơn lúc nào hết phải được thực hiện quyết liệt. Nếu không, đến một lúc nào đó, các cuộc họp cơ quan sẽ biến thành họp gia đình. Mà chính quyền gia đình trị thì chắc chắn sẽ loạn.
Theo Dân Việt