(Ảnh: Facebook)
Mới đây một bài viết có chủ để 'Hậu vận và đèn giao thông' được Facebook-er Nguyen Dang Ninh chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến quan tâm, bình luận của cộng đồng mạng. Trong đoạn chia sẻ này, tác giả phân tích kỹ đặc điểm của những người vượt đèn đèn đỏ và khẳng định người vượt đèn đỏ là người thất bại trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh của những người vượt đèn đỏ. Vì chiếc đèn đèn đỏ xuất hiện ở khắp các ngã ba, ngã tư này mà chúng ta có rất nhiều điều để suy ngẫm. Vượt đèn đỏ không chỉ để đi nhanh vài giây mà nó còn gây ra nhiều nguy hiểm cũng như sự khó chịu cho những người đi đúng luật:
'Chắc các bạn không xa lạ gì với những cảnh cố tình vượt đèn đỏ. Chuyện này xảy ra ở mọi ngã tư trong thành phố. Những người cố tình vượt đèn đỏ đó có thể là bất cứ ai, một anh thanh niên, một chị sồn sồn, một cô gái trẻ hay một lão già đầu bạc. Những người cố tình vượt đèn đỏ đó thường không bao giờ bị cảnh sát giao thông phạt. Họ đủ khôn ngoan để chỉ vi phạm khi không có bóng công an.
Vượt lên trên đoàn người đang kiên nhẫn chờ đèn xanh, họ luồn lách, tăng ga, họ đạp phanh, đánh lái, họ khéo léo đi xuyên qua dòng xe cộ và thoát ra an toàn. Nhiều khi họ phải phanh lại giữa ngã tư vì xe đông quá, đứng trơ khấc giữa dòng người vừa né họ ra một cách khó chịu, vừa ném cho họ cái nhìn giận dữ hay khinh bỉ.'
(Ảnh minh họa)
Vượt đèn đỏ hẳn nhiên là vi phạm pháp luật, phải xử phạt, bởi nó không chỉ gây nguy hiểm cho chính người vi phạm mà còn cho những người xung quanh. Luật đã quy định rõ ràng như vậy nhưng đâu phải ai cũng chấp hành. Sự thiếu nghiêm túc của việc tuân thủ pháp luật có mặt mọi nơi, mọi chỗ trong đời sống chúng ta, thông dụng đến mức nhiều người cho đó là chuyện hoàn toàn bình thường, có thể xuề xòa cho qua. Tác giả chia sẻ ngay chính câu chuyện mà mình đã từng gặp phải khi nhắc nhở một người trẻ
vượt đèn đỏ. Trong xã hội, chắc cũng không nhiều người được như tác giả, nhiệt tâm nhắc nhở người đi đường như vậy bởi đa số sẽ suy nghĩ, đó không phải việc của mình, tại sao phải quan tâm chuyện bao đồng.
'Tôi đã nhiều lần cố gắng nhìn vào mắt những người cố tình vượt đèn đỏ này để cảm nhận suy nghĩ của họ. Tiếc thay, chưa lần nào tôi thành công. Họ luôn lẩn tránh ánh mắt của những người nhìn thẳng vào họ. Có lẽ họ thừa hiểu những gì họ vừa làm là sai trái.
Một lần tôi cố gắng bắt kịp một chị đưa con đi học, chị ta vừa cố tình vượt đèn đỏ và làm chiếc xe ô tô đi đúng đèn phải phanh gấp. Tôi nói với chị ta: 'Cháu ơi, cháu thương lấy đứa bé. Cháu vượt đèn đỏ như thế nhỡ làm sao lại khổ nó ra.' Chị ta quay sang lườm tôi, vừa tăng ga vọt đi vừa văng lại câu nói không chủ ngữ: 'Hãm'.'
Theo tác giả phân tích, những người vượt đèn đỏ có thể thành công khi may mắn không bị CSGT xử phạt nhưng họ không bao giờ có thể thành công trong cuộc sống:
'Những người cố tình vượt đèn đỏ ấy tuy hiếm khi bị phạt bởi CSGT nhưng thực ra họ đang phải chịu một hình phạt lớn hơn nhiều đó là: Họ luôn là những người không bao giờ có thể thành đạt trong cuộc sống.
Nếu bạn là người thường xuyên cố tình vượt đèn đỏ tôi cá là bạn không may mắn, mọi dự định tốt đẹp của bạn thường tan vỡ. Nếu là học sinh, bạn luôn học kém và hạnh kiểm xấu, nếu là viên chức, bạn luôn bị sếp mắng mỏ và không tin tưởng, nếu là người buôn bán, bạn thường xuyên thua lỗ, nếu là doanh nhân, bạn sẽ phá sản nay mai. Công việc của bạn nếu không bấp bênh thì gia đình của bạn sóng gió lủng củng. Tóm lại trong cuộc sống bạn sẽ luôn xúi quẩy.'
Quan điểm nghe có vẻ không liên quan và mang nặng quan điểm cá nhân nhưng được tác giả lý giải rất cụ thể bằng những lập luận ngắn gọn, chắc chắn. Nếu quan sát kỹ những người hay vượt đèn đỏ trên đường, có thể bạn sẽ phát hiện ra họ có các đặc điểm chung từ diện mạo bên ngoài đến tư duy bên trong.
'Bạn không tin ư? Hãy nhìn những người vượt đèn đỏ. Phải chăng họ là những doanh nhân thành đạt? Phải chăng họ là những người hạnh phúc? Phải chăng họ là những người giàu có?
Không! những người đó luôn giống nhau: đen đúa, bẩn bẩn, cau có và nhàu nát. Trên mặt họ không bao giờ có một nụ cười. Tại sao những người vượt đèn đỏ luôn là người thất bại? Bởi vì:
1 - Thiếu kiên nhẫn
Khi bạn không đủ kiên nhẫn chờ đèn 30 giây thì bạn không thể đủ kiên nhẫn để theo đuổi bất cứ dự án tốt đẹp nào mà bạn ấp ủ. Bạn sẽ luôn bỏ cuộc giữa chừng. Sự thiếu kiên nhẫn luôn đi kèm với tính vội vàng hấp tấp và nóng vội. Bạn sẽ quay ngoắt sang việc khác khi hơi gặp khó khăn. Sự thành công không bao giờ đến với những người thiếu kiên nhẫn.
2 - Thiếu tôn trọng những người xung quanh
Bạn sẵn sàng tước đoạt trắng trợn quyền lợi của những người đang lưu thông đúng đèn. Bắt họ phải nhường đường cho bạn vì bạn hiểu rằng không ai muốn đâm vào bạn cả. Với tư duy chèn ép người khác để mưu lợi nhỏ xíu cho mình, thử hỏi bạn sẽ thành công kiểu gì trong cuộc sống?
3 -Sẵn sàng phạm luật.
Khi không có bóng CSGT là bạn tăng ga vượt đèn. Tư duy này sẽ làm bạn coi thường mọi luật lệ. Hôm nay bạn phá vỡ luật giao thông, ngày mai bạn sẽ phá vỡ luật hôn nhân gia đình, ngày kia bạn có thể phá vỡ luật hình sự. Và sớm hay muộn bạn sẽ phải trả giá.
4 -Thiếu tư duy sáng suốt
Bạn cố tình vượt đèn để tiết kiệm 30 giây nhưng bạn có thể sẽ nằm dưới gầm xe tải. Mạng sống của bạn chỉ đáng giá 30 giây thôi sao. Nếu bạn không tư duy được điều đơn giản này thì bạn mong gì thành công trong cuộc sống.
Một người với 4 đức tính trên liệu có thể là người thành đạt và may mắn. Nếu bạn muốn cải thiện tương lai của mình hãy dừng ngay việc vượt đèn đỏ. Tin tôi đi, vận may sẽ đến với bạn.'
Bài viết này nhận được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với quan điểm về sự liên quan giữa hành động vượt đèn đỏ và sự thành công trong cuộc sống.
Nguyễn Cao Minh chia sẻ lại bài viết với lời nhắn nhủ: 'Đừng có bao giờ vượt đèn đỏ các bạn tôi nhé. Để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người. Cuộc sống dù tất bật nhưng phải dừng trước đèn đỏ. Thà phải chậm một phút còn hơn phải chậm một đời.'
Nickname Ori Ole kể lại một trải nghiệm 'bất đắc dĩ phải vi phạm luật giao thông' khiến bản thân phải suy nghĩ: 'Bữa trước cháu ra Hà Nội, bắt xe ôm đi một đoạn ngắn, cháu hỏi: 'Mũ bảo hiểm đâu chú ạ?'. Chú xe ôm trả lời: 'Cần gì đội mũ, ngoài này tống ba, vượt đèn đỏ, không đội mũ bây giờ là bình thường'. Thế là bất đắc dĩ cháu đành ngồi lên xe, cúi gằm mặt vì có cảm giác rất là xấu hổ.'
Từ lâu truyền thông đã tuyên truyền câu khẩu hiệu 'nhanh một giây, chậm cả đời' để nhấn mạnh vào sự nguy hiểm của việc vượt đèn đỏ nhưng dường như mọi người đều bỏ qua lời cảnh báo rõ ràng này: 'Lạ nhất là người ta có thể bỏ cả tiếng đồng hồ để xem 1 vụ tai nạn, nhưng lại luôn vội vã vượt đèn đỏ kể cả đèn còn 5 giây.' - Facebook Hoàng Thu Vân viết.
Thực tế, hành vi vượt đèn đỏ không hiếm nhưng biện pháp để giải quyết triệt để nó lại không phải là đơn giản. Một tài khoản có tên Nguyễn Huy Hoàng bình luận: 'Em thấy vượt đèn đỏ với xe máy ô tô trộn vào nhau là đặc sản của Hà Nội rồi nhiều lúc ức chế mà chả biết làm thế nào. Chứng tỏ rất coi thường luật khi tham gia giao thông.'
Chính tác giả Nguyen Dang Ninh cũng phải chia sẻ bên dưới bài viết của mình rằng: 'Tớ không hiểu các bậc phụ huynh sẽ giáo dục con kiểu gì khi cứ phăm phăm đèo chúng nó vượt đèn đỏ. Nếu sau này nó bị tai nạn các vị đó có thấy phần trách nhiệm của mình ở đó không?'
Ngày 1/8 vừa qua là thời điểm áp dụng nghị định về tăng mức phạt các hành vi vi phạm luật giao thông. Theo một thống kê mới được công bố gần đây, cả nước có gần 76.000 trường hợp vi phạm luật giao thông trên cả nước bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý, trong đó có 986 trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông, nghĩa là trung bình 1 giờ trong ngày, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt được 2 người. Con số này chắc chắn là không đủ so với những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến hàng ngày, ngày
giờ.
Có thể thấy rằng, yếu tố luật chỉ là điều kiện cần cho trật tự an toàn giao thông. Muốn để những hình ảnh xấu như vượt đèn đỏ dần biến mất khỏi xã hội, quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính những người tham gia giao thông mỗi ngày.
Theo VnTinnhanh