Mối nguy hiểm rình rập của xe ba bánh, bốn bánh tự dóng, tự chế xảy ra trong thời gian qua đã để lại hậu quả nặng nề. CATP Hà Nội đã có Kế hoạch 199 tăng cường xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó tập trung mạnh vào xử lý xe ba bánh, tự dóng, tự chế giả danh xe thương binh. Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội, từ ngày 30-6 tới đây, xe ba, bốn bánh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi.
Tràn ngập xe ba bánh giả danh xe thương binh
Qua ghi nhận thực tế, hiện trên đường phố tình trạng xe ba, bốn bánh tự dóng, tự chế vẫn hoạt động bất kể thời gian, tuyến đường. Theo Quyết định 06 của UBND TP Hà Nội hạn chế một số loại phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm nhằm phòng ngừa ùn tắc giao thông, thì xe ba bánh, bốn bánh tự dóng, tự chế lưu thông bát nháo khắp nơi.
Trong khung giờ cao điểm, những chiếc xe này chở vật liệu xây dựng, hàng hóa chất cao có ngọn len lỏi giữa dòng phương tiện đã trở thành nỗi ám ánh của người tham gia giao thông khác. Việc các lái xe này phóng vượt đèn đỏ, bất chấp yêu cầu dừng xe, chỉ đường của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) không phải chưa từng xảy ra.
Hiện nay, tổng số xe ba bánh đã đăng ký, được phép lưu hành trên địa bàn thành phố hiện nay chỉ có 30 phương tiện. Tất cả những xe này đều được đăng ký phục vụ cho hoạt động đi lại của thương binh, bệnh binh. Tuy nhiên, thực tế số lượng xe ba bánh, bốn bánh tự dóng, tự chế không đăng ký lớn hơn hàng trăm lần so với số liệu trên.
Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, tính đến giữa tháng 5-2018, Hà Nội có 4.367 trường hợp sử dụng xe ba, bốn bánh tự dóng (trong đó có 593 trường hợp thương binh; 88 trường hợp bệnh binh; 99 trường hợp người khuyết tật; 3.587 trường hợp khác).
Những phương tiện trên ngoài được đăng ký ở các tỉnh, thành khác đưa về Hà Nội sử dụng, thì còn lại phần lớn là xe ba bánh giả xe thương binh. Chủ yếu các phương tiện này dùng để chở vật liệu xây dựng cho các công trình nhỏ, lẻ, nhà dân; hoặc các vật dụng, đồ đạc cá nhân. Nhiều công trình xây dựng nằm sâu trong các ngõ, ngách, xe ô tô tải không vào được nên người dân phải thuê xe ba bánh tự dóng để giải quyết nhu cầu vận chuyển cũng như giảm thiểu chi phí.
Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu của người dân cao thì xuất hiện khá nhiều đối tượng giả danh thương binh điều khiển loại phương tiện này hoạt động trên đường phố. Thực tế cho thấy, hầu hết những lái xe này đều vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Có nhiều trường hợp còn gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua trao đổi, lực lượng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật để “bảo kê” cho các trường hợp sử dụng xe ba, bốn bánh tự dóng, tự chế để vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.
Thu hồi toàn bộ xe ba, bốn bánh không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn từ ngày 30-6-2018
Thu hồi là hợp lý và cần thiết
Với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), CATP Hà Nội đã liên tục xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm liên quan đến xe ba, bốn bánh tự dóng, tự chế giả danh xe thương binh. Thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho thấy, tính từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT đã xử lý 2.057 trường hợp.
Trước câu hỏi lý do vì sao hiện nay xử phạt mạnh, kiên quyết song vi phạm vẫn tái diễn và phổ biến, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho rằng hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự, nên từ đó đã dẫn đến tình trạng các phương tiện này sau khi cũ nát được tận dụng, cải tạo thành các loại xe ba, bốn bánh tự dóng, tự chế.
Với đề xuất lộ trình đến ngày 30-6-2018 thu hồi toàn bộ xe ba, bốn bánh không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Sở GTVT, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá là hợp lý và cần thiết.
Dù được đánh giá cao song nhiều người vẫn đặt câu hỏi về tính khả thi của đề xuất này. Đại diện Sở GTVT cũng đánh giá, để thực hiện được lộ trình này đòi hỏi các điều kiện, quy định pháp luật, như: Quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới ba bánh dùng cho thương binh, bệnh binh và người khuyết tật; Cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển số cho xe cơ giới ba bánh (đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành) dùng cho thương binh, bệnh binh và người khuyết tật); Chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe cơ giới ba bánh để kinh doanh vận chuyển hàng hóa kiếm sống, phải được đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với tâm tư, nguyện vọng của thương binh, người khuyết tật trên địa bàn thành phố.
“Lộ trình không thể thực hiện một sớm một chiều. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thương binh, người khuyết tật, vẫn đang được tiến hành”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Theo đó, CATP Hà Nội đã chủ động rà soát, xác định phân loại đối tượng (thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, trường hợp khác) và mục đích sử dụng xe ba bánh (để di chuyển, để trực tiếp kinh doanh vận chuyển hàng hóa, để cho thuê kinh doanh vận chuyển hàng hóa, mục đích khác).
CATP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức rà soát, xác định các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc mua sắm phương tiện để phục vụ đi lại; hỗ trợ việc làm và trợ cấp xã hội để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Về phía Sở LĐ-TB&XH cũng đang phối hợp với các sở, ngành của thành phố xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật có điều kiện đảm bảo cuộc sống, thay cho việc sử dụng xe ba, bốn bánh làm công cụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở GTVT và CATP Hà Nội tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có sử dụng xe ba bánh để kinh doanh vận chuyển hàng hóa; vận động thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hiện đang còn sở hữu, sử dụng xe ba bánh tự chế có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng xe ba bánh dành riêng cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật.
Nhiều kiến nghị, đề xuất cũng được Hà Nội đưa ra, như đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm; quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách tạo công ăn việc làm phù hợp cho những người thương binh, bệnh binh, khuyết tật, không sử dụng xe ba, bốn bánh tự dóng, tự chế mưu sinh.
Hoàng Phong (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/vi-su-an-toan-van-minh-tren-nhung-tuyen-duong-thu-do.html