Để có cái nhìn tổng quát về Đạo ảnh - Đạo đức, mình xin có loạt bài về vấn đề đạo đức trong ảnh.
Đàng sau danh vọng
Cách đây không lâu, trong giới nhiếp ảnh Việt Nam nổi lên một vụ việc gây nhiều phẫn nộ là việc một tay viết sách khoa học về chim, lặng lẽ lấy hình ảnh của rất nhiều nhiếp ảnh gia trên mạng cho vào sách mà không hề có tiền bản quyền, ghi danh hay thậm chí gọi điện xin ảnh. Và tác giả cuốn sách cũng chả buồn xin lỗi thành tâm với lời giải thích quanh co. Có lẽ việc sử dụng ảnh không xin phép là “chuyện thường ngày ở huyện' tại Việt Nam. Nhưng việc “ăn cắp' công sức người khác hay “độ' lại ảnh để đi thi để lấy danh vọng đã và đang xảy ra trên bình diện nhiếp ảnh toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Còn nhớ, vào khoảng tháng 1 năm 2016, hãng máy ảnh Nikon đã phải đau đầu khi trao giải cho Chay Yu Wei trong cuộc thi Nikon Award với hình ảnh chiếc máy bay được cắt ghép vào trong khung ảnh. Nhanh chóng thôi, vụ việc được phanh phui và trở thành đề tài đàm tiếu rất nóng trên mạng với rất nhiều ảnh chế vui nhộn. Sau đó, Yu Wei cũng đã đăng đàn với lời xin lỗi trên instagram của mình. May mắn thay, anh lời xin lỗi của anh nhận được tha thứ khá nhiều, và anh vẫn còn đam mê nhiếp ảnh, vẫn chụp ảnh. Nhưng sự nhiệp thì...hạ hồi sẽ biết.
Bức ảnh được trao giải của Yu Wei với phần ghép chiếc máy bay trên trang web của Nikon
Lời xin lỗi của Yu Wei được một số người chấp nhận.
jdarm880: Tôi tin vào cơ hôi làm lại lần nữa, chúng ta sống và học đến lúc chết
Một vài “cây đa, cây đề' trong làng nhiếp ảnh cũng không thoát khỏi những vụ lùm xùm, đơn cử như vụ của huyền thoại Steve McCurry với loạt bức ảnh được chỉnh sửa, xoá bớt chi tiết cũng tốn không ít giấy mực của các báo. Nhưng vụ việc đã dịu xuống ngay, khi mọi người nhận ra Steve McCurry chẳng nộp những bức ảnh đó cho báo chí để đưa tin. Như ông đã từng bộc bạch ông là người kể chuyện bằng hình ảnh (visual storyteller) chứ không phải phóng viên ảnh (photojounalist). Nhưng nếu tính bức ảnh theo câu nói “một bức ảnh trị giá ngàn lời nói' thì có lẽ, ảnh của Steve McCurry được liệt vào sách tiểu thuyết dựa trên câu chuyện có thật. Và có lẽ vì thế, Steve McCurry vẫn mãi là tượng đài nhiếp ảnh thế giới với cách kể chuyện ảnh tiểu thuyết của mình về các số phận.
Bức ảnh chụp các cậu bé đang chơi bóng đá ở Bangladesh của Steve McCurry được đưa ra công chúng
Bức ảnh gốc chưa chỉnh sửa do Steve McCurry chụp- còn nguyên cậu bé phía sau bên trái hình
Thêm bớt chi tiết trong ảnh để đi thi có thể coi là “trọng tội' về mặt đạo đức trong giới Nhiếp Ảnh. Nhưng có những điều nhỏ, rất nhỏ như tăng nhẹ độ tương phản cũng khiến một phóng viên ảnh mất việc như chơi. Adnan Hajj, một phóng viên ảnh tự do chuyên bán ảnh cho Reuters đã chụp một bức ảnh cột khói cao ngất tại Beirut, Lebanon và đã làm đậm lên để “làm quá sự thật' một chút. Sau đó, một bức ảnh máy chiến đấu khác của Adnan Hajj bị phát hiện có hiện tượng “clone' thêm tên lửa vào. Kết quả, Reuters dừng hợp tác, tháo toàn bộ 920 ảnh của anh xuống. Sự nghiệp “làm đậm” hình ảnh của anh chấm dứt hoàn toàn chứ không may mắn như hai Nhiếp Ảnh gia ở trên, vì anh là PHÓNG VIÊN ẢNH.
Bức ảnh gốc và đã bị chỉnh sửa bởi Adnan. Bức ảnh đã huỷ hoại sự nghiệp của anh
Photojournalist, phóng viên ảnh, một cụm từ dường như chỉ dùng để miêu tả những con người dấn thân, trung thực để mang những hình ảnh chính xác nhất tới bạn đọc. Thế nhưng, sự việc cắt ghép thêm ảnh những tưởng chỉ tồn tại trong giới nhiếp ảnh Nghệ Thuật để thi vị cuộc sống lại xảy với Brian Walski một phóng viên ảnh của Los Angeles Times. Anh bị sa thải vì đã đi quá xa trong việc chỉnh sửa bức ảnh mang tính thời sự báo chí. Brian đã vượt quá làn ranh đạo đức trong ảnh báo chí, cơ hội đã hết, dù cho hai bức ảnh anh ghép lại, tất cả đều rất ý nghĩa và rất đẹp. Sự uổng phí một tài năng vì đạo đức.
Hai bức ảnh gốc và bức ảnh được ghép lại bở Brian Wolski, tất cả đều đẹp, trừ đạo đức
Những tưởng vụ Photographygate của Adnan và Brian Wolski là hồi chuông gióng lên báo động về đạo đức trong giới phóng viên ảnh. Nhưng dường như danh vọng làm mờ mắt tất cả, những cú click chuột trên các phần mềm chỉnh sửa ảnh vẫn xảy ra trong giới phóng viên ảnh. Souvid Datta, một cựu sinh viên luật và chính trị hẳn hoi, công tác với hàng loạt các tạp chí lớn như NatGeo, TIME, New York Times… đoạt cả các giải thương danh giá như Pulitzer Center , Magnum under 30….lại đi vào vết xe đổ của các bậc đàn anh. Trong bộ ảnh “Bóng tối ở Kolkata” ghi lại hình ảnh các cô gái bán hoa và nạn bạo lực tình dục anh đã đăng một bức ảnh chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp đang thăng hoa của mình. Anh đã lấy hình ảnh của cố nhiếp ảnh gia Mary Ellen Mark chụp dự án về mại dâm tại Bombay năm 1978 cắt hình một nhân vật nữ trong đó và ghép vào ảnh của mình. Bên cạnh đó anh còn chú thích rất rõ ràng từng người trong ảnh như thật. Nhưng một bài báo trên Petapixel vào tháng 5 năm 2017 đã lật tẩy. Toàn bộ giải thưởng đã bị tước, toàn bộ ảnh đã bị rút như lời cảnh cáo về đạo đức phóng viên ảnh.
Bức ảnh đã chỉnh sửa của Souvid, với chú thích rất chi tiết rõ ràng về các thân phận trong ảnh -
Bức ảnh của Mary Ellen Mark chụp năm 1978 tại Bombay có nhân vật nữ góc trái bị lấy bởi Souvid
Hình ảnh phóng to để phân tích bức ảnh của Souvid
Scandal của Nhiếp ảnh gia người Iran
Tệ hại hơn, không có những cú click chuột để cắt ghép, những bức ảnh ghi lại chuyện có diễn ra, nhưng….không thật. Không thật một chút nào, nhưng câu chuyện này lại có thật. Ngày 8/1/2018, Ramin Talaie, một tay chuyên viết về nhiếp ảnh, phim, truyền thông đã đăng một câu chuyện nực cười.
Đạo diễn Mehrdad Oskouei lừng danh người Iran đã cất công khó nhọc xin giấy phép đặc biệt để được quay phim tại các cơ sở giáo dưỡng nữ tại nước hồi giáo này. Ông mất 6 tháng để quay nên bộ phim tài liệu Starless Dreams được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới và được đánh giá rất cao. Làm phim tài liệu, dĩ nhiên có chút ít sự sắp đặt để mạch chuyện được hay và dĩ nhiên là phải có quay phim. Sadegh Souri đã được Oskouei nhận để quay bộ phim này. Nhưng chỉ 3 ngày trước khi bấm máy, Oskouei đã nhận ra Souri không thể quay tốt phim này vì không có những kĩ năng cần thiết, nhưng ông vẫn cho cậu cựu sinh viên của mình làm nhiếp ảnh gia chụp hậu kì. Và thế là ngày Oskouei mang phim đi dự liên hoan phim thì câu cựu học trò cũng có cho riêng mình bộ ảnh essay với cái tên rất kêu: Chờ đợi án tử hình (Waiting for Capital Punishment). Mở đầu tập ảnh là hình cô gái che mặt với ghi chú là Masha đã giết cha mình khi cha bắt ép gả bán cô.
Nhưng người trong hình chẳng phải là Masha mà là Katereh, còn cô gái tên Masha thì không bị tội chết. Oskouei biết rõ và chỉ ra điều đó vì đó là những cảnh hoàn toàn nằm trong bộ phim của ông. Souri là kẻ đáng bị lên án kịch liệt. Vì vụ án phim Starless Dreams bị phát hiện vì nó được chiếu rộng rãi. Trước đó, Souri còn chụp hậu trường cho phim Fuel Smuggler (Kẻ buôn dầu lậu) của đạo diễn Mohammad-Amin Shahnavazi. Và Fuel Smuggler đến giờ vẫn chưa hoàn thành vì âm thanh của phim bị dính tiếng màn trập quá lớn của Souri. Và đến giờ, anh chàng láu cá này đã có bộ ảnh Fuel Smuggling (Buôn dầu lậu). Vì phim chưa hoàn thành, nên Souri vẫn lọt qua và bị phanh phui bởi Starless Dreams.
Chân dung kẻ láu cá Souri
Bức ảnh chụp Katereh mà Souri lại bịa một lời ghi chú dài ngoằn là Masha phạm tội giết cha mình, đang chờ án tử hình
Bên trái là bức ảnh trong bộ ảnh của Souri - bên phải là ảnh chụp màn hình từ phim Starless Dreams. Nó hoàn toàn giống nhau, vì nó là một
Bức ảnh bên trái trong bộ Fuel Smuggling - Bức ảnh bên phải trong phim Fuel Smuggler vẫn phải đang hậu kì phần âm thanh
Trên trang web chính thức của Unicef, bức ảnh của Sadegh Souri vẫn còn trưng bày y nguyên
Cậu chuyện ăn cắp câu chuyện của người khác đã đi quá xa về mặt đạo đức trong chụp ảnh. Còn đâu đó những cảnh nhiếp ảnh gia bàn bạc ý tưởng, dắt mẫu ra phố ông đồ bị chụp bởi những nhiếp ảnh gia khác, chỉ thiếu là có câu chuyện và “caption' diễn ra nhan nhản. Đâu đó vẫn còn những người tự cho mình là nhà báo, chụp ảnh “làm đậm' và đổi màu hình ảnh, bẻ dư luận sang hướng khác. Và còn nhiều, còn nhiều các tay máy phóng viên ảnh dùng chiếc máy ảnh trở thành các công cụ cho những mục đích ngoài sự thật.
Phần tiếp: Lằn ranh của chỉnh sửa ảnh
Nguồn: Medium - Ramin Talai