Thế hệ tương lai sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Shark Tank, khởi nghiệp cũng như sự chuyển mình trong giáo dục để đào tạo ra nhiều nhà khởi nghiệp tài năng hơn.
Ai cũng nói về Shark Tank, ai cũng muốn tham gia Shark Tank với ý tưởng của mình. Kể từ khi chương trình này bắt đầu xuất hiện vào năm 2009, nó đã trở thành một trong những chương trình hứa hẹn cơ hội cho rất nhiều người làm khởi nghiệp.
Thế rồi, trong tương lai, khi mà thế hệ Z dần thay thế những nhà khởi nghiệp, làm kinh doanh hiện tại, họ sẽ được thừa hưởng những kinh nghiệm từ Shark Tank để mở rộng cho trào lưu này hơn nữa.
Có thể đây là hình ảnh mà nhiều người vẫn liên tưởng về thế hệ Z, nhưng thực tế là lứa đầu đã hoàn tất đại học và bắt đầu đi làm rồi.
Nhiều người đánh giá rằng thế hệ Z sẽ là thế hệ của những nhà khởi nghiệp nhân tài, chính vì lý do đó cách thức giáo dục cho thế hệ này cũng cần được thay đổi để không đi vào lối mòn trong suy nghĩ như những thế hệ trước đây.
Và thực tế thì sự thay đổi này mang lại bước đột phá lớn trong giáo dục, đặc biệt là những trường về kinh doanh, các bài giảng phải thực tế hơn để rồi cung cấp cho sinh viên kiến thức mới đúc kết được từ Shark Tank.
Shark trên giảng đường
Có lẽ còn xa lạ với rất nhiều người, thế nhưng các trường Đại học trên thế giới, nhiều mô hình Shark Tank mini đã được thành lập. Những học sinh, sinh viên thế hệ Z không muốn ngồi trên làn sóng chuyển mình, họ muốn trực tiếp điều khiển nó và quyết định tương lai của chính mình. Những chương trình Shark mini như trên do không ai khác mà chính những sinh viên thế hệ Z thực hiện.
Lấy ví dụ như Daniel Newman, một sinh viên tại trường Đại học Nam California. Vừa học liền một lúc 2 bằng quản trị kinh doanh cùng bất động sản, Newman còn tổ chức chương trình với tên gọi TAMID Tank ngay trong trường để hỗ trợ bạn bè tìm được nguồn tài chính phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Daniel Newman, người đứng sau chương trình khởi nghiệp TAMID Tank dành cho sinh viên.
Chương trình nhanh chóng tới tai những nhà đầu tư tầm trung và 3 dự án trong chương trình này còn tham gia vào Shark Tank và đạt được những thành tựu nhất định.
Vì sao đây là một xu hướng tốt của tương lai?
Tất nhiên, những cải thiện tích cực lúc nào cũng tốt, thế nhưng nó còn cần khoảng thời gian dài nữa để xây dựng nên một bộ khung hoàn chỉnh, phù hợp cho giáo dục. Nếu đang có dự định mở trường giáo dục hay đào tạo về kinh doanh, những điều dưới đây có thể giúp bạn định hướng lại tư duy của mình.
1. Thế hệ Z ngày một quan tâm nhiều hơn vào khởi nghiệp, kinh doanh
Đừng nghĩ thế hệ Z là những em bé còn đang học tiểu học nữa, rất nhiều người đã có các sản phẩm khởi nghiệp của riêng mình. Trung bình có tới 80% người thuộc thế hệ Z mong muốn được tự làm chủ và tự làm việc cho chính mình. Trong số này có tới gần một nửa đã có những ý tưởng trong đầu, thứ họ cần là tư liệu, kinh nghiệm và tất nhiên là tiền để hiện thực hoá ước mơ.
Trong số những người muốn tự làm chủ nêu trên, 42% theo thống kê của Gallup muốn phát triển nên những sản phẩm thay đổi thế giới, giống như những gì Steve Jobs hay Bill Gates từng làm được.
2. Phụ huynh đang hướng những người thế hệ Z tới với khởi nghiệp nhiều hơn
Rất nhiều bậc phụ huynh của những người thế hệ Z đang trang bị cho con mình những kĩ năng để tự làm kinh doanh hay khởi nghiệp. Nếu không, họ cũng trang bị cho con cái mindset đủ để chúng có thể phát triển trên hành trình mang tên mình. Đây là khi mà lượng kiến thức từ trường học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cha mẹ có thể giúp phần nào nhưng những kiến thức chuyên môn vẫn phải được cung cấp từ bài giảng trên trường lớp.
3. Những người khởi nghiệp trong tương lai có ngã cũng không còn đau như trước nữa
Tất nhiên, thất bại trong khởi nghiệp bao giờ cũng là điều tồi tệ. Thế nhưng, vì thế hệ hiện tại đã thất bại quá nhiều, quá thậm tệ nên đó sẽ trở thành bài học cho thế hệ sau này. Chung quy lại, thế hệ Z không cần phải gặp những thất bại mà chúng ta giờ đây đang gặp phải nữa.
Hệ thống giáo dục có thể giúp họ học về những thất bại này, thông qua những case study hay thất bại thực tế từ đó họ có được cái nhìn về khởi nghiệp và biết rằng nó không dễ dàng chút nào trong thực tế.
Giống như anh chàng Newman ở phía trên, cậu nói: 'Là sinh viên, chúng em chẳng có gì để mất khi làm những dự án nhỏ và xin tài trợ. Nếu nó thành công, thật tuyệt vời. Thế nhưng, nếu nó có thất bại đó cũng trở thành kinh nghiệm để chắp cánh tốt hơn cho những sản phẩm khởi nghiệp tương lai'.
4. Những nhà tuyển dụng tương lai sẽ tìm được người làm tốt hơn
Tất nhiên, không phải ai cũng muốn và dám khởi nghiệp. Thế nhưng, một khi được đào tạo đúng, đủ... họ sẽ tự xác định được con đường cho bản thân mình. Lựa chọn giữa khởi nghiệp hay đi làm thuê để rồi theo đuổi đến cùng.
Thời điểm hiện tại thì sao? Các công ty quá khó để tuyển người, những startup cũng gặp vấn đề trong tuyển dụng người đồng hành. Lý do vì sao? Ai cũng muốn đi ra làm startup, ai cũng muốn làm chủ và rồi chẳng còn ai làm những công việc bình thường nữa.
Giáo dục tốt hơn về khởi nghiệp, giúp thế hệ sau này định hướng được con đường của riêng mình sẽ giúp cho công việc tuyển dụng tương lai thêm phần nhẹ gánh hơn.