“Tôi đã tự nối liền những sợi dây thần kinh bị cắt đứt”, Dr. Strange tuyên bố trong một mẩu truyện có trong số phát hành vào tháng 7/1976 bởi Marvel Team-Up. “Những dây thần kinh đã được tái hợp nhất và quá trình lành cũng đã bắt đầu”, ông tiếp tục với vẻ tự hào. Những hào quang đó ngay lập tức mê hoặc cậu bé Canavero. 40 năm kể từ thời điểm đó, cậu nhóc 9 tuổi ngày nào giờ đã trở thành một trong những vị bác sĩ được nhắc đến nhiều nhất bởi kế hoạch thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà giải phẫu thần kinh người Ý cho rằng mình chưa từng đọc được gì về vấn đề đang muốn thực hiện và các bài báo cho rằng truyện tranh chính là nguồn cảm hứng cho ca phẫu thuật sắp tới là hoàn toàn sai sự thật. Mặt khác, Canavero không ngần ngại khi được so sánh với các nhân vật hư cấu, ông thậm chí còn khuyến khích mọi người tiếp tục như vậy. Trong email trả lời phỏng vấn từ tạp chí NewScientist, Canavero ngoài việc bác bỏ các thông tin liên quan đến truyện siêu anh hùng còn gửi một bức ảnh chụp màn hình về cảnh nối tuỷ sống cắt ra từ bộ phim Dr. Strange (2016). Canavero nói ông chính là nguồn cảm hứng cho cảnh quay đó. “Tôi có quan hệ tốt với Hollywood và tôi có thể nói cho bạn biết một sự thật rằng cảnh phim đó bước ra từ cuốn sách của tôi”.
Từ năm 2013, Canavero đã hình thành ý tưởng về kỹ thuật cấy ghép đầu hay nói đúng hơn là ghép cơ thể, xem nó như một giải pháp khả thi dành cho những ai đang gặp các vấn đề liên quan đến thoái hoá cơ và thần kinh. Trước tuyên bố của Canavero, cộng đồng khoa học, đặc biệt là ở phương Tây từ thái độ hoài nghi và phản đối giờ đây đã chuyển sang việc đặt ra những câu hỏi về động cơ và uy tín trong khoa học của ông. Hai năm trước, Canavero đồng ý thành lập một nhóm để tiến hành ca phẫu thuật ở Trung Quốc, hợp tác làm việc cùng với Xiao-Ping Ren, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thuộc Đại học Y khoa Harbin, người từng tham gia vào ca cấy ghép tay đầu tiên được thực hiện vào năm 1999.
Tại thời điểm bài viết này đang được thực hiện, Canaverotuyên bố một số giấy tờ chứng minh tính khả thi của ca cấy ghép đầu người sẽ sớm được công bố, hứa hẹn về một cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành vào cuối năm nay và “thay đồi toàn bộ cuộc chơi” về lĩnh vực này ngay tại Trung Quốc. Nhóm các chuyên gia ở Trung Quốc hiện đã sẵn sàng và các thử nghiệm lâm sàng cũng đã được thực hiện thành công. Phần lớn những gì đã diễn ra trong giai đoạn nghiên cứu sẽ không được công bố nhưng những thông tin sẽ trình bày sắp tới đủ để chứng minh Trung Quốc đang đứng đâu trong lĩnh vực này, ông cho biết. Thời gian chính xác diễn ra ca phẫu thuật chỉ được xác định khi các nhà khoa học tìm thấy người hiến xác phù hợp, cả về chiều cao, ngoại hình,...
Canavero gọi kỹ thuật mà ông đề xuất thực hiện là ghép đầu mạo hiểm (head anastomosis venture) hoặc HEAVEN. Ca giải phẫu này sẽ được tiến hành bằng cách làm lạnh cơ thể người hiến thân và phần đầu của người nhận để làm chậm lại quá trình chết của các mô. Đầu người nhận cơ thể mới sẽ được tách ra và gắn vào cơ thể người hiến. Polyethylene glycol (PEG) sẽ giúp kết dính các sợi thần kinh bằng cách kích thích các chất béo trong những tế bào liền kề ghép lại với nhau. Ngoài ra, các điện cực được cấy ghép cũng đóng vài trò tăng cường các kết nối thần kinh. Kế hoạch là như vậy. Canavero tỏ ra không đồng tình với tư duy y học ngày nay cho rằng mọi vận động bên dưới cổ đều phụ thuộc chủ yếu vào các bó sợi thần kinh dài trong tủy sống.
Lấy cảm hứng từ các nghiên cứu được thực hiện từ nửa đầu thế kỷ 20, ông tin rằng một người sau khi trải qua phẫu thuật cấy ghép đầu có thể hồi phục khả năng di chuyển gần như trọn vẹn thậm chí khi các dây thần kinh bị cắt đứt nhờ sự tái tạo của các sợi thần kinh ngắn - một phần trong mạng lưới liên kết giữa các tế bào có trong tuỷ sống gọi là propriospinal neurons. Bạn có thể hình dung hoạt động của các liên kết này tương tự như việc một đội cứu hoả đang chuyền nhau những xô nước khi đường nước đã bị sự cố. C-Yoon Kim thuộc Đại học Konkuk ở Seoul, Hàn Quốc, là thành viên của nhóm dẫn dắt bởi Canavero đã tiến hành các thí nghiệm trên động vật và sử dụng PEG để kích thích tái hình thành các dây cột sống bị cắt. Trong một bài báo xuất bản năm 2016 , Kim cho biết, 5 trong số 8 con chuột bị cắt tuỷ sống và được điều trị bằng PEG đã hồi phục sau 4 tuần.
Năm nay, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ren ở Trung Quốc cũng đã báo cáo thực hiện một thí nghiệm tương tự, với 5 trong tổng số 9 con chuột được điều trị bằng PEG đã “lấy lại được khả năng vận động độc lập với hai chức năng cơ bản”. Trong một thử nghiệm được công bố vào năm 2016, nhóm của Kim cho biết nhờ sự trợ giúp của PEG, một con chó bị cắt 90% tuỷ sống ở cổ đã lấy lại được 90% chức năng vận động chỉ trong 3 tuần. Tuy nhiên, các nhà phê bình lúc bấy giờ cho rằng nghiên cứu đã diễn ra mà không có sự kiểm soát và cũng không có dữ liệu chứng minh mức độ thiệt hại tuỷ sống của chó.
Trên tạp chí Surgery, Ren và Canavero cũng xuất bản một bài viết trong đó cho biết họ đã thực hiện thành công kỹ thuật cấy ghép đầu trên khỉ. “Không có khác biệt lớn giữa động vật và con người, về các chức năng cơ bản. sinh lý và khả năng phục hồi”, ông Kim giải thích. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công tỏng một phương pháp thực hiện trên con người trong tương lai gần”. Nhiều nhà khoa học từ chối đưa ra bình luận về các thử nghiệm của Canavero, đa phần vì họ nghi ngờ thông tin từ những gì được công bố trên các tạp chí. Trong khi đó, hầu hết những người đưa ra nhận xét đều chp rằng ghép đầu người là điều không thể thực hiện được. “Theo tôi biết thì không có cách nào từng được công bố cho phép nối liền tuỷ sống. Về mặt lý thuyết là có thể nhưng vô cùng khó khăn và phải đối mặt với các rủi ro lớn từ các biến chứng sau phẫu thuật như rò rỉ và bị hệ miễn dịch từ chối”, José Oberholzer, giám đốc trung tâm cấy ghép Charles O. Stickler thuộc Đại học Virginia, nhận định.
Canavero bác bỏ những chỉ trích và cho rằng những người đưa ra lời nhận xét tiêu cực có tầm nhìn quá hạn hẹp để có thể thấu hiểu những gì mà ông có thể nhìn thấy. 'Lịch sử khoa học có đầy những người bị coi là điên khùng và sau đó lại đi chứng minh quan điểm của họ,' ông nói. 'Các học giả luôn tìm cách vùi dập tôi, họ cố gắng ngăn tôi lại, vu khống tôi, nhưng họ thất bại. Điều đó không thành vấn đề. Tôi là người
học nhu thuật (ju-jitsu) và tư tưởng của tôi là chờ cho đối phương tiếp cận và lợi dụng đà của hắn để quật hắn xuống đất”.
Canavero hiện 52 tuổi và ông không muốn chia sẻ gì về những năm đầu đời, nhưng vài chi tiết được tiết lộ có thể giúp giải thích vì sao ông luôn tự xác định mình như một gã dị biệt. Canavero lớn lên ở một khu phố nghèo ở Turin trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc thường xuyên bị bắt nạt được ông cho là vì sự thông minh sáng dạ của mình khiến chúng bạn ghen ghét. “Tôi là một kẻ cô độc và không theo khuôn khổ”, ông tự nhận xét mình. “Tôi tin rằng những gì đã trải qua vào thời thơ ấu có liên quan đến điều đó”. Khi được hỏi về điều gì thôi thúc ông thực hiện ý tưởng dường như điên rồ là ghép đầu người, Canavero không đề cập đến mong muốn giúp đỡ bệnh nhân. “Mục đích là để hiểu bản chất của ý thức và trả lời câu hỏi cơ bản nhất về những gì xảy ra khi chúng ta chết. Tôi tin rằng ý thức không phải được tạo ra từ nào mà đơn giản chỉ là một bộ lọc”.
Canavero nghĩ tâm trí và cơ thể là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt nhau và những trải nghiệm thời khắc cận tử được cho là ủng hộ cho quan điểm này. “Ý tưởng của tôi là tạo ra trải nghiệm cận kề cái chết”, ông nói. “Khi bạn tách đầu hoặc não ra khỏi cơ thể, bộ não lạnh lẽo lúc bấy giờ hoàn toàn không còn các hoạt động điện, máu cũng không lưu thông và bắt đầu rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Bệnh nhân sẽ cho chúng tôi biết về những trải nghiệm trong thời khắc cận tử của họ và khi đó chúng ta sẽ biết rằng mọi thứ không thể được tạo ra bởi một bộ não sắp chết. Điều đó sẽ giúp chúng ta thay đổi lại cách nhìn nhận mình, từ đó khởi đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có. Đó là mục tiêu cuối cùng và là mục tiêu thật sự. Tất nhiên, vẫn còn một mục đích khác đó là kéo dài sự sống”. Ngoài ghép đầu người, Canavero còn cho biết ông sẽ tiếp tục thành lập một nhóm nghiên cứu khác hướng đến việc cấy ghép nội tạng, dự kiến bắt đầu trong vòng 3 năm tới.
Nguồn: NewScientist