Ôm cua bị hố nặng, hai thanh niên may mắn thoát chết và bài học được rút ra
Trong một buổi tối nọ tại đèo Tam Đảo, đã có hai thanh niên điều khiển xe Winner 150 trong lúc ôm cua đã không cẩn thận sau đó lao đầu thẳng vào cây rừng.
Nhưng cũng nhờ có cây rừng ngăn cản lại mà hai anh bạn này không bị rơi xuống vực sâu. Sự việc này diễn ra ở lúc đèo Tam Đảo vắng người nên may mắn là không xảy ra bất cứ một tai nạn nào. Để tiện theo dõi thì mình sẽ chèn một đoạn clip phía bên dưới:
Với đoạn clip này thì mình cũng đã phát hiện ra những lỗi nghiêm trọng của người điều khiển xe Winner 150. Chính những lỗi này là nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả bị hố cua như trên đoạn clip.
Không tập trung quan sát khi sắp vào cua
Trước khi vào cua, anh em nên tập trung tối đa về hướng trước mặt để có thể nhìn rõ được đoạn đường trong cua. Không những hạn chế tình trạng 'hố' cua mà còn có thể phát hiện được những chướng ngại vật nằm trên mặt đường để kịp thời tránh né.
Nhưng anh bạn Winner này có lẽ do có chở người ngồi sâu nên sự tập trung đã bị phân tán. Từ đó không thể quan sát được đoạn đường trước mặt dẫn đến bị hố cua.
Ôm cua với một tốc độ quá nhanh nhưng không đủ khả năng để kiểm soát
Khi đang chạy nhanh, quán tính của xe lúc đó rất mạnh và khó kiểm soát. Bởi vậy mà trước khi vào cua chúng ta nên thắng sâu để giảm tốc độ phù hợp với tầm kiểm soát của bản thân để dễ xử lí trong cua. Sau đó bẻ lái và nghiêng người sao cho chiếc xe đi theo đúng quỹ đạo mà bạn muốn.
Nếu không thể kiểm soát được chiếc xe bởi vì nó đang đi quá nhanh thì các bạn sẽ bị tình trạng như anh bạn lái Winner 150 trong đoạn clip. Dù đã cố gắng bẻ lái nhưng do quán tính lúc đó quá mạnh nên đã không thể kiểm soát được chiếc xe và bị hố cua.
Thật sự ôm cua là một kỹ thuật rất khó thực hiện, phải cần có người hướng dẫn chi tiết và thời gian trải nghiệm lâu dài thì mới thành thục được.
Vì vậy, nếu bạn chưa thật sự rành kỹ thuật ôm cua thì tốt nhất đừng nên ôm cua quá nhanh hoặc nghiêng người quá sâu. Làm vậy rất dễ gây ra nguy hiểm cho bạn và cả người đi đường.
Khi vào cua hoặc muốn giảm tốc, tốt nhất đừng bóp côn!
Thứ cấm kị nhất khi ôm cua đó chính là bóp hết côn vào để 'phê', một động tác hết sức nguy hiểm khi vào cua. Bởi vì khi âm côn thì toàn bộ sức kéo của động cơ cũng như độ ghì máy của nồi sẽ biến mất hoàn toàn và chiếc xe lúc này hoàn toàn trôi theo quán tính.
Vì quán tính lúc âm côn quá mạnh, nên dù có cố gắng bẻ tay lái cấp mấy đi nữa thì cũng không thể khiến chiếc xe đi theo ý mình. Từ đó dẫn đến hậu quả bị mất lái.
Đối với những anh em mới chạy xe côn tay, họ còn mắc phải một lỗi rất nghiêm trọng nữa đó chính là âm côn khi thắng ở tốc độ cao. Thao tác âm côn khi thắng xuất hiện từ những lúc thắng ở tốc độ thấp, sợ xe bị tắt máy nên người lái thường bóp chặt côn lại.
Tuy nhiên, khi thắng ở tốc độ cao thì việc bóp (âm côn) là một điều cực kì nguy hiểm. Do khi âm côn xe sẽ trôi theo quán tính và không có độ ghì của máy. Đòi hỏi hệ thống phanh phải làm việc nhiều hơn để kìm hãm chiếc xe.
Đổ đèo nhưng lại đi số quá cao
Nếu xem kĩ đoạn clip, thì anh em sẽ thấy chiếc Winner 150 trong đó bị trôi đi có quán tính rất mạnh. Đó là hậu quả của việc đi số quá cao khi đổ đèo.
Khi đang đổ đèo (hoặc dốc) bất kể dù là đường thẳng hay đường cua thì anh em nên vận hành chiếc ở những cấp số thấp như: 1,2,3 để lực máy có thể gì lại phần nào đó quán tính của chiếc xe. Đưa chiếc xe về cấp số thấp cũng giúp cho bạn dễ kiểm soát hơn khi quán tính của bánh sau được kiềm hãm.
Đi những cấp số cao hơn thì rất khó điều khiển xe khi đang ở trên dốc bởi vì không có lực máy can thiệp. Bánh sau dễ dàng bị trôi đi về đằng trước theo quán tính gần như giống với lúc âm côn
Ngoài những lưu ý trên, anh em còn có những ý kiến nào về sự việc này không? Nếu có thì hãy để lại bình luận phía dưới nhé! Tết sắp đến rồi, mình cũng khuyên anh em nên chú ý di chuyển cẩn thận một chút để có thể ăn một cái Tết thật vui vẻ và không xảy ra tai nạn gì.
Video : Lê Chung Vĩnh