Công ty Auto K vừa chính thức giới thiệu ra thị trường Việt Nam hai mẫu xe M1nsk 125cc và 250cc. Đây có thể coi là sự trở lại sau hàng chục năm vắng bóng của thương hiệu xe máy Belarus trên “đất nước hình chữ S”.
Quá khứ gắn liền với tên gọi “huyền thoại”
Minsk xuất hiện tại Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng chỉ thực sự “thịnh hành” trong những năm 80, 90 bởi hình ảnh chiếc xe máy thồ hàng nặng nề tỏa về mọi vùng quê từ đồng bằng tới miền núi, đóng góp không nhỏ cho một giai đoạn chuyển tiếp của xã hội người Việt.
Khởi nguồn của Minsk cũng chính là tên thành phố thủ đô của Belarus. Tại đây, tháng 11/1945, nhà máy Minsk Moto thành lập và lúc đầu chủ yếu sản xuất xe đạp. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô đưa tài liệu và trang thiết bị của nhà máy DKW ở Đức về Moscow để sản xuất, và hình thành nên mẫu xe M1A.
Bắt đầu từ tháng 7 năm 1951, việc sản xuất M1A được chuyển từ Moscow đến Nhà máy xe đạp và xe máy Minsk (Minsk Moto-Velo Zavod) và đây chính là dấu mốc đầu tiên cho việc sản xuất xe máy 2 thì dung tích 125 phân khối tại Belarus.
M1A đã trở thành chiếc xe đáng tin cậy, không chỉ phục vụ thị trường Liên Bang mà còn xuất khẩu sang các cuốc gia khác. Đến thập niên 60 và 70, Minsk cũng tích cực tham gia các cuộc đua với các hãng tên tuổi. Hai cuộc đua Minsk-Pamir (1969) và Brest-Vladivostok (1971) đã trở thành cột mốc mang tính biểu tượng trong lịch sử thương hiệu Minsk. Tạo đà cho các mô hình mới được giới thiệu vào năm 1973 với mẫu Minsk MMVZ-3.111 trở thành “huyền thoại” ghi dấu ấn chất lượng xe của Liên Xô. Xe máy Minsk nhanh chóng trở nên phổ biến cả ở Liên Xô và các thị trường nước ngoài.
Minsk được bán tại 45 quốc gia, và tổng số sản xuất đến nay đã vượt quá 6,5 triệu chiếc. Ngày nay, nhiều hội nhóm thanh niên Việt Nam vẫn say xưa tìm và phục dựng những chiếc Minsk để thỏa mãn tin thần tự do mà xe Minsk đã truyền qua dặm dài năm tháng.
Độ tin cậy lớn và điều khiển đơn giản đã khiến Minsk trở thành một thương hiệu tên tuổi ở Việt Nam, thậm chí là biểu tượng cho cả một giai đoạn lịch sử. Ngày nay, cộng đồng chơi Minsk trong nước vẫn rất đông, đa số là người trẻ và họ đã góp phần viết tiếp những giá trị đáng tự hào của dòng xe huyền thoại trong lòng người Việt.
Ngày trở lại
Năm 2007, Motovelo, công ty nắm quyền nhà máy Minsk chính thức tách khỏi chính phủ trở thành hãng độc lập, sản xuất xe máy, xe chạy trên tuyết... Kể từ đây, một cuộc thay đổi lớn về hình ảnh Minsk bắt đầu. Năm 2010, Motovelo công bố logo và thương hiệu mới M1NSK, với logo này, một loạt các dòng xe mới ra đời, mà nổi bật là hai mẫu xe D4 125 và X250.
Ngoài ra, hệ thống tên mã của xe cũng đã được giới thiệu cùng với các tiêu chuẩn thế giới hiện tại và cũng dễ hiểu hơn, gồm chữ cái đầu thể hiện mã dòng xe, các con số tiếp theo thể hiện loại động cơ, dung tích…
Ngày nay, người Belarus có thể tự hào nhà máy sở hữu với một chu kỳ sản xuất đầy đủ và một trung tâm R & D được trang bị hiện đại. Năm 2014, М1NSK đã nhận được giải thưởng Thương hiệu Nhân dân do chính phủ Belarus trao tặng.
Trở lại Việt Nam sau hàng chục năm vắng bóng và chỉ được nhớ tới với tên gọi “min khờ” cùng hình ảnh làn khói 2 thì mù mịt phía đuôi, hai chiếc М1NSK đem theo những giá trị mới của thời đại. М1NSK D4 125 thuộc dòng naked bike hướng tới sự bền bỉ và М1NSK X250 thuộc dành Enduro dành cho những khách hàng thích khám phá, chơi thể thao.
М1NSK D4 125 được coi là sự chuyển tiếp trong quá khứ của dòng xe MMVZ-3.115 vốn quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt thời bao cấp. Dòng xe này thiết kế đậm dáng Classic, không quá phô trương mà thiên về sự bền bỉ, kinh tế.
D4 125 được thiết kế để thích nghi với mọi hoàn cảnh vận hành mà không đòi hỏi chủ xe phải đầu tư quá nhiều tiền. Phần đầu xe, bình xăng và cụm máy bên dưới chính là những điểm quan sát dễ đập vào mắt người nhìn. Đầu xe sử dụng đèn pha, 2 đồng hồ lớn; bình xăng to 12 lít; cụm máy đứng mạ crom. Thiết kế tổng thể của D4 125 hài hòa và thân thiện, đúng chất cổ điển. Hai bên hông bình xăng được vát dẹp vào một ít để khi chạy người lái có thể ép 2 đùi đỡ mỏi.
Thiết kế phần đuôi xe cũng khá 'hiền lành' nhưng bù lại cực kỳ tiện lợi với cụm tay xách kim loại dễ chằng đồ. Cụm đèn xi-nhan của D4 125 loại rời đơn giản nhưng gọn gàng.
Hãng xe Belarus trang bị cho dòng xe D4 động cơ 125cc, làm mát bằng gió, giúp tạo công suất cực đại 10.5 mã lực. Theo thử nghiệm của nhà sản xuất, М1NSK D4 125 không tiêu tốn quá 2,5 lít xăng/100km ở đường hỗn hợp. Cùng với bình xăng 12 lít, quãng đường cho phép đi tối đa sau khi đổ đầy vào khoảng 480 km. Về mặt an toàn, М1NSK D4 125 sử dụng phuộc ống lồng và phanh đĩa ở cụm bánh trước, phía sau là thụt lò xo đôi và phanh tang trống. Trọng lượng khô của xe chỉ khoảng 112 kg, hoàn toàn dễ bê dắt đối với thể trạng người Việt.
Ở mẫu xe thứ hai là М1NSK X250 gần như rất lạ lẫm không chỉ với người Việt mà ngay cả ở Belarus. Sau khi trở lại thị trường bằng 2 mẫu xe TRX 300i (thuộc dòng enduro-touring) và R250 (sportbike), М1NSK tiếp tục theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình. Năm 2014, dòng cào cào Enduro X200 ra mắt với động cơ 200cc, trọng lượng xe nhẹ, máy khỏe ngay lập tức được đón nhận bởi lứa khách hàng thanh niên.
Sự thành công của М1NSK X200 đã tạo đà để hãng xe Belarus nâng cấu hình động cơ lên cao hơn nữa để thỏa mãn nhu cầu về một chiếc xe địa hình không quá nặng mà phải mạnh mẽ. Đó chính là lý do ra đời dòng X250 vào năm 2016.
Điểm nhấn trên М1NSK X250 là phần yên xe, các tấm ốp nhựa thân xe, hệ thống ống xả khí, mặt nạ chóa đèn pha, cụm đèn xi-nhan đều được thiết kế gọn gàng.
М1NSK X250 2018 trang bị động cơ xy-lanh đơn, 4 thì, làm mát bằng gió, dung tích 225cc đi cùng cụm côn tay 5 số. X250 2018 sử dụng cặp vành nan 21 inch ở trước và 18 inch ở sau, và cả hai cụm bánh đều trang bị phanh đĩa. Trọng lượng khô của xe là 123 kg cùng bình nhiên liệu chứa 10 lít xăng đủ để cho những hành trình khám phá địa hình.
Đặc biệt với М1NSK X250, trang bị tiêu chuẩn đã có sẵn các phụ kiện như bảo vệ tay côn và tay phanh, tấm chắn bảo vệ động cơ, ổ cắm USB sạc điện thoại, màn hình LCD trên bảng đồng hồ hiển thị điện tử.
Tất cả các xe M1NSK bán ra tại Việt Nam do Auto K phân phối đều được bảo hành 2 năm hoặc 20.000 km (tùy điều kiện nào đến trước).
Bảng giá xe
PV (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/m1nsk-huyen-thoai-tro-lai-viet-nam-voi-d4-125-va-x250-moi-gia-tu-52-trieu-dong.html