Ngày nay, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc siêu xe (supercar) ở đâu đó vào cuối tuần. Thậm chí, những mẫu xe được gọi là hypercar (công suất trên 800 mã lực) ngày càng xuất hiện nhiều hơn như Pagani Huayra hay Bugatti Veyron.
Sắp tới đây, bạn phải làm quen với một khái niệm mới trong giới siêu xe, đó là “megacar” (xe có công suất trên 1 megawatt (1.340 mã lực)
1. Koenigsegg Agera RS Gryphon (1.360 mã lực)
Ra mắt lần đầu tiền tại triển lãm Geneva Motor Show 2017, Koenigsegg Agera RS Gryphon là siêu phẩm bespoke mang tính biểu tượng của hãng xe Thụy Điển. Xe được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Koenigsegg Agera RS.
Agera RS Gryphon là chiếc megacar xa hoa bậc nhất hiện nay khi được phủ sợi carbon và một số điểm nhấn bằng vàng 24 carat.
Siêu xe đến từ Thụy Điển được trang bị động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 5.0 lít, sản sinh công suất 1.360 mã lực. Với khối lượng chỉ khoảng 1.395 kg, Agera RS Gryphon gần đạt tới tỷ lệ 1:1 giữa sức mạnh và khối lượng, tỷ lệ lý tưởng của một chiếc siêu xe. Theo Koenigsegg, Agera RS Gryphon chỉ mất chưa tới 20 giây để tăng tốc 0-400 km/h, và mất chưa tới 10 giây để giảm tốc từ 400 xuống 0 km/h.
Ngoài sức mạnh, Agera RS Gryphon còn là chiếc megacar xa hoa bậc nhất hiện nay khi được phủ sợi carbon và một số điểm nhấn bằng vàng 24 carat cả bên trong lẫn bên ngoài. Cabin của Agera RS Gryphon cũng xa hoa không kém với những chất liệu như sợi carbon, da alcantara cao cấp, vàng và nhôm đen anodized.
2. Rimac Concept S (1.384 mã lực)
Rimac là một hãng chuyên chế tạo siêu xe cùng các hệ động lực cho xe điện tới từ Croatia. Họ cũng là nhà cung cấp linh kiện để Koenigsegg tạo ra siêu xe Regera đình đám. Tuy nhiên, phải đợi tới mẫu siêu xe điện Rimac Concept S, Rimac mới gây tiếng vang trong giới sản xuất siêu xe.
Sở hữu thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc Concept One trước đó, Concept S được trang bị bộ bodykit khí động học với thân xe mở rộng, bộ khuếch tán hầm hố và cánh lướt gió cỡ lớn ở phía sau. Với những thay đổi này, Concept S có lực hướng tâm lớn hơn 34% so với Concept One.
Rimac Concept S có thể cho 2 siêu xe hàng đầu hiện nay là Koenigsegg Regera và Bugatti Chiron ngửi khói bất cứ lúc nào.
Rimac Concept S được trang bị 4 động cơ điện sản sinh công suất tối đa lên tới 1.384 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 1.800 Nm. Sức mạnh này được điều khiển thông qua hệ dẫn động 4 bánh.
Với sức mạnh đó, Concept S có khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 2,5 giây, 0-200 km/h trong 5,6 giây và 0-300 km/h chỉ trong 13,1 giây. Với khả năng tăng tốc ấn tượng, Concept S có thể cho 2 siêu xe hàng đầu hiện nay là Koenigsegg Regera và Bugatti Chiron ngửi khói bất cứ lúc nào.
3. NextEV NIO EP9 (1.390 mã lực)
NextEV NIO EP9 là cái tên duy nhất trong danh sách này đến từ châu Á. Cuối năm ngoái, hãng xe điện Trung Quốc NextEV đã công bố mẫu siêu xe điện mới của họ kèm theo kỷ lục hoàn thành đường đua Nurburgring trong 7 phút 5,12 giây.
NIO EP9 có thiết kế mang phong cách đặc trưng của các siêu xe tốc độ: phần thân mỏng, các bánh xe lớn và thân xe thấp sát mặt đường cho hiệu năng khí động học tối ưu nhất.
Đặc biệt, EP9 có cấu trúc mở độc đáo với hai cánh cửa ăn liền một phần mui xe và mở lên phía trên khá đẹp mắt. Ngoài ra, khung sườn và khoang lái của EP9 được làm hoàn toàn bằng sợi carbon.
NIO EP9 được trang bị 4 hộp số độc lập và 4 động cơ điện hiệu suất cao. Nhờ vậy, NIO EP9 có thể sản sinh công suất tối đa 1.390 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.480 Nm.
NIO EP9 có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 2,7 giây, 0-200 km/h trong 7,1 giây, trước khi đạt vận tốc tối đa 313 km/h. Xe chỉ cần sạc trong 45 phút để đi hết quãng đường 427 km.
4. Bugatti Chiron (1.500 mã lực)
Tiếp nối sự thành công của “ông hoàng tốc độ” Veyron, Bugatti tiếp túc sản sinh ra cái tên Chiron. Thiết kế của Chiron được lấy cảm hứng từ mẫu concept Bugatti Vision Gran Turismo, với ngoại hình tròn trịa và tính khí động học tương tự như đàn anh Veyron.
Bugatti Chiron sở hữu khối động cơ W16 8.0 lít với 4 bộ tăng áp, sản sinh công suất lên tới 1.500 mã lực và mô men xoắn 1.600 Nm. Sức mạnh này được truyền tới cả bốn bánh thông qua một bộ ly hợp kép 7 cấp Riccardo. Nội thất Chiron được xây dựng bằng những vật liệu chất lượng cao, tinh khiết nhất như nhôm, titan, sợi carbon và da.
Siêu xe đến từ Pháp có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 2,5 giây, 0-200 km/h trong chưa đầy 6,5 giây và 0-300 km/h trong 13,6 giây. Khả năng giảm tốc của Chiron cũng rất ấn tượng, 100-0 km/h với khoảng cách chỉ 31,3 mét, 200-0 km/h trong 125 mét và 300-0 km/h trong khoảng cách 275 mét.
Bugatti Chiron được giới hạn vận tốc ở 380 km/h. Tuy nhiên, khi cắm chìa khóa thứ hai, tốc độ tối đa tăng lên 420 km/h. Sẽ có 500 chiếc Chiron được sản xuất với mức giá khởi điểm từ 2,9 triệu USD.
5. Koenigsegg Regera (1.500 mã lực)
Ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm Geneva Motor Show 2016, Koenigsegg Regera mang ngoại hình đặc trưng, không lẫn vào đâu được so với các siêu xe khác. Chiếc megacar này được tích hợp những công nghệ mới nhất, được xem như xu hướng mới của Koenigsegg.
Koenigsegg Regera có nhiều chi tiết trên thân vỏ cùng bộ vành “Tresex” được cấu tạo từ sợi carbon, nội thất bọc da cao cấp. Hệ thống pin nhiên liệu trên Regera khá nhẹ, tổng cộng chỉ nặng 90 kg. Nhờ vậy, Regera chỉ nặng 1.590 kg, trọng lượng khô 1.470 kg.
Koenigsegg Regera có thể tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 2,8 giây và chỉ cần 20 giây để đạt tốc độ 400 km/h.
Siêu phẩm Regera được trang bị hệ dẫn động plug-in hybrid, gồm động cơ tăng áp kép V8, dung tích 5.0 lít, cung cấp sức mạnh tối đa 1.100 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.280 Nm, kết hợp với một động cơ điện nâng tổng công suất của xe lên 1.500 mã lực. Nhờ đó, chiếc megacar này có thể tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 2,8 giây và chỉ cần 20 giây để đạt tốc độ 400 km/h.