Năm 1979, James B.DeLuca trở thành sinh viên trường đại học General Motors Insitute of Technology (sau này đổi tên thành Kettering Univiersity chuyên đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư, toán học và kinh doanh). Ông tốt nghiệp Cử nhân Kỹ thuật Điện vào năm 1984. Năm 1987, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Sản xuất cũng tại trường đại học này.
Sau khi ra trường, James B.DeLuca làm việc tại các nhà máy sản xuất của GM với các vị trí quản lý then chốt. Đến tháng 6/2000 ông được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc nhà máy lắp ráp Fort Wayne. Ở vị trí này, ông chịu trách nhiệm quản lý 2.900 công nhân với hoạt động chính là sản xuất các dòng xe bán tải và đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả chi phí với quy mô ngân sách 365 triệu USD.
Năm 2004, James B.DeLuca chuyển sang làm Giám đốc sản xuất, phụ trách hoạt động dập khuôn, tạo hình sản phẩm, quản ký 12.600 công nhân chịu trách nhiệm về an toàn, chất lượng và hiệu quả chi phí với phạm vi ngân sách đã tăng lên tới 1,8 tỷ USD.
Tháng 1/2008, James B.DeLuca được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch quản lý chất lượng quốc tế của General Motors. Các quốc gia thuộc phạm vi phụ trách của ông bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, ASEAN, Ấn Độ, Nga, Trung Đông, Ai Cập và châu Phi.
Đến tháng 1/2013 ông vẫn giữ vị trí Phó Chủ tịch như trước nhưng chuyển sang phụ trách sản xuất thay vì quản lý chất lượng.
Từ tháng 2/2014, James B.DeLuca trở thành Phó Chủ tịch điều hành của GM, phụ trách toàn cầu trong các lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật sản xuất và quan hệ với người lao động cho đến tháng 6/2016. Với vai trò này, ông đã dẫn dắt đội ngũ 200.000 nhân viên, 172 nhà máy sản xuất tại 40 quốc gia thuộc 4 châu lục trên thế giới.
Trong 37 năm làm việc tại GM, James B.DeLuca am hiểu từng chi tiết trong quy trình sản xuất một chiếc ô tô, từ khâu nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật công nghệ, sản xuất, lắp ráp đến bảo trì xe cũng như có kinh nghiệm dày dặn trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ông còn có hiểu biết sâu rộng về thị trường ô tô thế giới nói chung và thị trường ô tô tại Đông Nam Á nói riêng.
Trước khi về VinFast, thu nhập 1 tháng của James B.DeLuca gấp đôi thu nhập 1 năm VinGroup trả cho HĐQT
Trong những năm James B.DeLuca làm việc với cương vị lãnh đạo của General Motors, các báo cáo của tập đoàn này đều cho thấy rằng ông thường xuyên nằm trong top những người được trả mức lương cao nhất của tập đoàn.
Tuy các báo cáo General Motors đều không công khai số lương cụ thể của từng thành viên trong Ban Lãnh đạo tập đoàn này nhận được, bao gồm cả của ông DeLuca nhưng có thể dễ dàng dựa vào mức lương công bố của những người đồng cấp EVP để biết được số lương mà DeLuca nhận được hàng năm.
Cụ thể, năm 2015, Chuck Stevens (EVP giám đốc tài chính hay CFO) có tổng thu nhập 8,1 triệu USD/năm, Mark Reuss (EVP phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu, mua hàng và chuỗi cung ứng) có tổng thu nhập 10,2 triệu USD/năm và Craig Glidden (EVP phụ trách về mặt luật pháp hay CLO) có tổng thu nhập 8,4 triệu USD/năm. Chủ tịch tập đoàn là ông Daniel Ammann có mức thu nhập 11,8 triệu USD năm 2015.
Năm 2016, Mark Reuss có tổng thu nhập 8,3 triệu USD/năm, Chuck Stevens có tổng thu nhập 7,5 triệu USD/năm và chủ tịch tập đoàn ông Daniel Ammann có thu nhập 10,2 triệu USD/năm. (Mức lương này chưa kể thu nhập từ cổ phiếu và những khoản phụ thêm khác).
Từ những số liệu nêu trên, có thể ước tính được rằng ông James B.DeLuca có thể đã được General Motors trả tới 7 triệu USD – 10 triệu USD/năm trước khi về tập đoàn Vingroup. Con số này tương đương với 160 tỷ đồng – 227 tỷ VNĐ/năm hay 13 tỷ đồng – 19 tỷ VNĐ/tháng.
Trong khi đó, vào năm 2015, một thông báo từ Vingroup đã xác nhận tập đoàn này đã chi ra 5,5 tỷ đồng trong cả năm 2015 để trả lương cho Hội đồng quản trị gồm 10 người. Như vậy, thu nhập của cả Hội đồng Quản trị Vingroup vào năm 2015 chỉ bằng 1/2 thu nhập của James B.DeLuca trong 1 tháng trong cùng năm đó.
Câu hỏi đằng sau việc Vingroup có thể chiêu mộ James B.DeLuca?
Câu chuyện Vingroup chiêu mộ được James B.DeLuca vào vị trí Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast hẳn không thể đánh giá bằng việc tập đoàn này đã trả cho ông với mức lương bao nhiêu.
James B.DeLuca từng chia sẻ: 'Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô khi dự kiến đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450.000 - 500.000 xe và tăng lên 800.000 – 900.000 xe vào năm 2025. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực gia nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Do đó, tôi và các cộng sự tại VinFast sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra là cho ra đời sản phẩm ô tô vào tháng 9/2019'.
Có thể, thứ thuyết phục được ông James B.DeLuca chính là niềm tin về việc ngành sản xuất ô tô Việt Nam có thể đi đến đâu, vươn xa được đến đâu và đạt được những thành quả nào trong tương lai.
Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)