Trong vài năm trở lại đây, các sản phẩm công nghệ đến từ Trung Quốc như điện thoại thông minh và laptop ngày càng được đánh giá cao về chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh trên các thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ. Chứng kiến sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện, có vẻ như các nhà sản xuất xe sẽ không bỏ qua cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường và khẳng định được sự tiến bộ về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm của mình.
Điển hình trong số đó là thương hiệu Aiways, có trụ sở chính đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc. Cách đây không lâu, Aiways vừa chính thức ra mắt một mẫu SUV chạy điện hoàn toàn mới mang tên U5 dành cho thị trường Pháp. Mẫu SUV chạy điện Aiways U5 được sản xuất tại nhà máy của hãng tại Giang Tây, sau đó được vận chuyển sang châu Âu và phân phối thông qua các nhà phân phối đối tác. Bằng chiến lược này, Aiways đã cắt giảm được khá nhiều chi phí, qua đó giảm giá thành cho xe. Cụ thể, giá xe Aiways U5 tại Pháp chỉ ở mức 39.000 EUR, tương đương khoảng 1,05 tỷ đồng.
SUV điện Aiways U5
Ông Alexander Klose, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh thị trường nước ngoài của Aiways cho biết sự trỗi dậy của các sản phẩm công nghệ đến từ Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã thuyết phục khách hàng quốc tế rằng 'vẫn có sản phẩm chất lượng tốt xuất xứ từ Trung Quốc'. 'Chúng tôi vẫn phải đối mặt với một vài thử thách, nhưng nhìn chung, có thể nói rằng mọi chuyển vẫn khả quan, khách hàng vẫn đón nhận sản phẩm của hãng một cách tích cực.' Ông Klose chia sẻ với Nikkei Asia.
Không chỉ có Aiways, nhiều thương hiệu xe ô tô điện Trung Quốc khác cũng đang nhắm đến việc xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường nước ngoài, sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ từ Châu Âu hay Nhật Bản về cả chất lượng lẫn giá thành sản phẩm.
BYD, nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc hiện đang được đầu tư bởi tỷ phú Warren Buffett của Mỹ hiện cũng đang nhắm đến thị trường Na Uy. Vào hồi tháng 6 vừa qua, BYD đã xuất khẩu 100 chiếc xe điện đầu tiên theo chuẩn Châu Âu vào thị trường Na Uy và dự kiến sẽ phân phối thêm 1.500 xe vào cuối năm nay. Tương tự như Aiways, BYD đang tận dụng lợi thế việc khách hàng Châu Âu đang ngày càng tin dùng sản phẩm công nghệ của Trung Quốc nhằm giới thiệu các sản phẩm của mình.
100 chiếc SUV BYD Tang chuẩn bị xuất đi Na Uy
'Chúng tôi sẽ không mắc lại sai lầm của các thương hiệu Trung Quốc khác cách đây 10 năm tại thị trường châu Âu. Họ từng dùng chiến lược ra mắt nhiều sản phẩm giá rẻ một cách vội vàng mà không hoàn toàn để ý đến chất lượng. Phần đông khách hàng chưa từng biết đến thương hiệu BYD cho đến thời hiện tại, vì vậy điều quan trọng lúc này là ưu tiên chất lượng thay vì số lượng.' Đại diện của BYD chia sẻ với Nikkei Asia.
Một thương hiệu ô tô điện khởi nghiệp khác cũng đang nhắm đến thị trường Châu Âu là Nio, Được biết, Nio đã có mặt tại Mỹ và dự định sẽ bán xe ô tô điện vào Na Uy từ tháng 9 tới đây. Ông Le Tu, giám đốc Sino Auto Insights tại Bắc Kinh chia sẻ: 'Hầu hết các thương hiệu xe Trung Quốc đều nhắm đến Na Uy là do thị trường này có luật nhập khẩu thân thiện nhất tại Châu Âu. Đây cũng là thị trường khuyến khích và trợ cấp cao nhất cho người dân dùng xe điện.' Hiện tại Na Uy là quốc gia đầu tiên mà xe ô tô điện chiếm hơn 50% doanh số toàn thị trường.
Ngoài Na Uy, Aiways cũng dự định xâm nhập vào thị trường Ý khi hãng xe Trung Quốc đã tìm được đối tác tại thị trường này vào tháng 6 vừa qua. Ý hiện đang là thị trường xe điện lớn thứ 6 tại Châu Âu, sau các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch.
Một công nhân đang lắp ráp SUV điện Aiways U5
Theo thống kế của FactSet, Châu Âu và Nhật Bản là hai thị trường xe điện lớn với nhu cầu khách hàng khá cao, nhưng các thương hiệu xe nội địa là chưa có nhiều sản phẩm xe này. Trong năm ngoái, đã có 23.800 xe điện Trung Quốc được bán ra tại thị trường Châu Âu, tăng đến 1.290% so với năm ngoái. Gần một nửa trong số đó là doanh số bán ra trong quý IV năm 2020. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng xe điện Trung Quốc bán ra tại Châu Âu đạt gần 13.000 xe.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm mạnh của các nhà sản xuất xe ô tô điện Trung Quốc chính là ý tưởng xe điện thông minh. Khác với xe động cơ đốt trong truyền thống, xe ô tô điện có kết cấu và quy trình sản xuất đơn giản hơn, vì vậy các nhà sản xuất xe có cơ hội đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại như tính năng tự động lái, ứng dụng thông minh như ở nhà, cùng các tiện ích hữu dụng khác. Điều này khiến xe ô tô điện trở thành một phần của cuộc sống thành thị và được khách hàng ưa dùng.
Tương tự như Châu Âu, Nhật Bản cũng là miền đất hứa với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc do các hãng xe Nhật Bản vẫn thiếu sản phẩm xe điện. Mitsubishi hứa hẹn sẽ ra mắt xe điện trong 2 năm tới, trong khi đó Daihatsu và Suzuki vẫn đang khá dè dặt với mảng xe điện hoàn toàn mới do sản phẩm chủ đạo của hãng là mảng xe thương mại, vốn bất lợi về phạm vi hoạt động và thời gian sạc nếu chuyển sang xe điện.
Tuy nhiên, trong vài năm tất, tất cả các nhà sản xuất xe sẽ bị buộc phải ra mắt thêm nhiều mẫu xe điện do quy định khí thải sẽ ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt là tại Châu Âu và Nhật Bản. Đến thời điểm đó, cánh cửa cơ hội cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ khép lại. Dù vậy, ông Klose vẫn khá lạc quan về tương lai của xe điện Trung Quốc: 'Nhu cầu xe điện hiện tại rất cao, và tôi nghĩ rằng nguồn cung cho nhu cầu là không đủ. Chúng tôi đang lướt sóng, và cơn sóng này sẽ còn kéo dài trong vài năm tới.'