Đối với người tiêu dùng, điều khiến họ quan tâm tới một mẫu xe ôtô ra mắt thị trường thì bên cạnh giá bán, mức tiêu thụ nhiên liệu cũng là một chỉ số quan trọng. Thông thường, mỗi mẫu xe mới ra mắt, nhà sản xuất đều công bố mức tiêu hao nhiên liệu gồm 3 chỉ số: trong đô thị, đường cao tốc và hỗn hợp.
Mức tiêu hao nhiên liệu thấp hay cao đều phụ thuộc vào thái độ lái của tài xế là chính, bên cạnh các công nghệ hỗ trợ
Tại Việt Nam, từ 1/1/2015 quy định mới áp dụng cho xe các xe ôtô dưới 7 chỗ ngồi (cả nhập và lắp) phải dán nhãn năng lượng. Tem năng lượng màu xanh lá cây thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe đã được cơ quan quản lý nhà nước (mà ở đây là Cục Đăng kiểm) tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận. Mới nhất, từ 1/1/2018, các xe từ 7 đến 9 chỗ ngồi cũng bắt đầu phải áp dụng quy định này.
Không chỉ người tiêu dùng mà các nhà sản xuất, phân phối ôtô thời gian gần đây cũng tích cực quảng bá mức tiêu hao nhiên liệu của một số dòng xe mới, thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Đã có nhiều kết quả công bố gây sửng sốt vì mức tiêu hao thấp hơn tới 1 nửa so với mức đo ghi trên nhãn năng lượng. Vậy thực tế các kết quả do những người lái trực tiếp tham dự và đo đếm của đơn vị tổ chức lái thử có chính xác không?
Bản thân người viết bài đã tham dự khá nhiều chương trình lái thử xe tiết kiệm nhiên liệu, gồm cả hãng xe Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Ban tổ chức đưa ra tiêu chí xe nào càng tiêu thụ ít nhiên liệu sẽ đoạt giải thưởng chung cuộc. Đôi khi vì giá trị giải thưởng cao nên rất nhiều thí sinh đã vận dụng tất cả khả năng của mình để có mức 'hao xăng, dầu' ít nhất. Vậy nên, có thể khẳng định, ngoài các thông số được đo đạc, kiểm nghiệm thực tế, kết quả tiêu hao nhiên liệu thấp hoàn toàn phụ thuộc vào 'thái độ' và 'cách thức lái' của tài xế.
Duy trì tốc độ ổn định là biện pháp giúp giảm tiêu hao nhiên liệu
Phương pháp được nhiều người áp dụng và cũng nhận được lời khuyên từ các chuyên gia đó là điều khiển chiếc xe chạy với lực truyền tải từ động cơ tới các bánh xe phù hợp nhất: số vòng tua ở mức thấp trong khi xe ở số cao và gia tốc thuận lợi, hạn chế tăng ga hay phanh đột ngột. Cách này giúp lượng nhiên liệu được bơm vừa đủ và không quá thừa thãi.
Để hỗ trợ cho tài xế có cách lái xe điều đạm và chuẩn chỉ như nói ở trên, hệ thống điều chỉnh tay ga tự động 'cruise control' ra đời và thường được áp dụng trên nhiều dòng xe cao cấp, ít thấy có ở dòng xe bình dân do sẽ đội chi phí lên.
Tại hành trình trải nghiệm 'Honda Fuel Challenge 2017' do Honda Việt Nam tổ chức mới đây với 9 chiếc Honda Civic 1.5 Turbo thế hệ thứ 10, chạy từ Hà Nội đến Cửa Hội, Nghệ An có chiều dài khoảng 450km, người viết đã trực tiếp thử nghiệm cả 2 cách chạy xe: duy trì tốc độ ổn định và bật cruise control. Kết quả khá ấn tượng so với con số trên dán nhãn năng lượng. Duy trì tốc độ ổ định, giữ vòng tua máy ở ngưỡng 1.200 v/p thì máy tính trên xe đưa ra kết quả khoảng 4,7 đến 5,0 lít/100km. Áp dụng chế độ cruise control, mức tiêu hao giảm còn từ 4,1 đến 4,2 lít/100km.
Trên bảng nhãn năng lượng dán ở xe Honda Civic thế hệ thứ 10, mức tiết kiệm nhất ngoài đô thị được hiểu là lái trong môi trường đường thoáng, ít phương tiện đan xen Khi kích hoạt chế độ cruise control trên Honda Civic 2017, tốc độ tối thiểu xe phải đạt được là 42km/h. Lúc này hệ thống máy tính trên xe tự động tính toán để xe duy trì được tốc độ này và ngưỡng vòng tua máy ổn định ở 1.200v/p. Khi đó, chế độ ECON (đánh giá điểm lái xe tiết kiệm cho tài xế bằng màu xanh trên tap-lô) trở nên thừa thãi và chỉ mang tính minh hoạ bởi cruise control khiến màu xanh lá (điểm tốt nhất) luôn hiển thị.
Nút bấm ECON trên Honda Civic 2017 tương tự các xe City hay CR-V, có tác dụng chấm điểm lái xe có tiết kiệm hay không
Cùng quãng đường trên 100km, khi áp dụng thường xuyên cruise control, mức tiêu hao đã giảm rõ rệt dựa trên cách tính trung bình Trip A đến B sẵn có trên màn hình xe Honda Civic 2017. Tuy nhiên, khi áp dụng chế độ này ở Việt Nam buộc người lái phải xử lý tính huống nhạy cảm hơn, phán đoán xe máy bất ngờ sang đường hay xe khác đổi làn không báo trước..v..v. Bởi nếu không quen với việc phán đoán, thao tác chuyển từ chân phải đang nhàn rỗi sang đạp phanh hoặc ga rất dễ nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, khi tăng tốc độ bằng phím (+) trên vô-lăng, vòng tua máy cũng tăng dần theo và giữ ổn định với tốc độ tương xứng (ví dụ xe đạt 1.700v/p khi tốc độ gần 80km/h), đồng nghĩa mức tiêu thụ nhiên liệu cũng sẽ tăng hơn so với mức vòng tua máy thấp nhất khi dùng cruise control.
Chế độ cruise control được kích hoạt ở phím bấm tiện ích trên Honda Civic 2017
Tốc độ cho phép kích hoạt cruise control từ 42km/h
Sau khi kích hoạt và duy trì tốc độ ở mức tối thiểu mà hệ thống chấp nhận, mức tiêu hao nhiên liệu đạt được chỉ còn 4,2l/100km. Chế độ cruise control sẽ mất khi lái xe đạp phanh. Ngoài ra, việc giữ tay lái ổn định, không đánh lái nhiều cũng giúp mức tiêu hao nhiên liệu giảm khi áp dụng đồng thời với cruise control.
Trên màn hình bệ trung tâm, thông số các quãng đường thử nghiệm cũng cho thấy 'thái độ lái' của tài xế quyết định tới mức tiêu hao nhiên liệu: lái bình thường theo mật độ giao thông với tốc độ không quá thấp nhận được mức tiêu hao trung bình 8,3l/100km, và lái điềm đạm, giữ chân ga và vòng tua máy thấp nhận được kết quả từ 4,7 đến 5,1l/100km