Cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe hiện đã lên đến đỉnh điểm khi mới đây tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe đã phải tuyên bố từ chức, mở đường cho phó tổng thống vừa bị sa thải trở lại nắm quyền. Tâm điểm chính trị càng khiến thế giới đổ dồn con mắt tới đất nước nổi tiếng bởi lạm phát này, khi đồng tiền nội tệ lên tới con số tiền tỷ vẫn chỉ mua được vài quả trứng.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2014
Ở một khía cạnh khác, việc thay đổi người cầm quyền và tình trạng lạm phát cao ở Zimbabwe không hề cản trở, thậm chí lại là cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc xâm nhập thị trường khu vực Nam Phi, với bàn đạp ngay tại đất nước này.
Trở lại quá khứ, theo CNN, từ thập niên 1970, Trung Quốc đã có nhiều hỗ trợ cho ông Robert Mugabe và cho đến ngày ông này nắm quyền vào cuối thập niên 80 trở về sau, mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn duy trì. Sự điều hành yếu kém của chính phủ ông Robert Mugabe khiến kinh tế Zimbabwe ngày một đi xuống, một hình ảnh nói lên tất cả là hiện nay đồng nội tệ ZWL đã gần như chỉ là hàng...lưu niệm, tất cả mọi giao dịch đã chuyển qua đồng USD, Bảng Anh, Euro.
Sau cuộc gặp giữa tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2014, tiến trình đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này được đẩy mạnh thêm. Ngành năng lượng Zimbabwe được Trung Quốc rót vốn lên tới hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện. Nhiều lĩnh vực khác như y tế, quốc phòng, giáo dục cũng nhận được tài trợ. Trong cuộc khủng hoảng chính trị mới đây của Zimbabwe, tờ Global Times, phụ san của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nhấn mạnh chính phủ nước này dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không giảm bớt mức độ quan hệ gần gũi với Zimbabwe. Tất cả cho thấy Zimbabwe là 'nước cờ' quan trọng để Trung Quốc đặt ảnh hưởng ở vùng phía Nam Châu Phi.
Thị trường ôtô Zimbabwe lâu nay tồn tại chủ yếu là kinh doanh xe cũ. Trong ảnh là một chiếc Porsche Cayenne đời cũ còn nguyên biển số nước ngoài nhập về Zimbabwe
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Zimbabwe còn thấy rõ ở thị trường ôtô. Sự suy thoái kinh tế và lạm phát cao đã khiến thị trường ôtô ở nước này biến mất từ cách đây gần thập niên. Thị trường xe chỉ tồn tại mảng kinh doanh xe cũ, được mua đi bán lại hoặc nhập từ nước khác về. Đại diện hiếm hoi cho công nghiệp ôtô Zimbabwe là Willowvale Motor Industries (WMI) đã gần như kết thúc từ năm 2012, năm mà hợp đồng với Mazda hết hạn và không có một cam kết nào xuất hiện.
WMI đã sống lay lắt và chỉ 'tỉnh dậy' khi BAIC rót vốn vào và thành lập liên doanh mới mang tên BEIQI Zimbabwe. Sản phẩm mới nhất của liên doanh này đã ra mắt hồi tháng 3/2017 là chiếc bán tải Grand Tiger.
Mẫu bán tải Grand Tiger xuất xưởng chiếc đầu tiên hồi tháng 3/2017
Grand Tiger được trang bị một động cơ diesel dùng công nghệ Turbo 2.5l của Toyota, giúp xe đạt công suất lớn mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu thông qua hệ thống phun nhiên liệu thông minh điều khiển điện tử, cho phép nó đạt mức tiêu thụ 100 km hết khoảng 6 lít (công bố của nhà sản xuất). Bên trong Grand Tiger được trang bị màn hình cảm ứng 7-inch, tích hợp kết nối điện thoại di động, máy nghe nhạc đa phương tiện, giám sát áp suất lốp... Xe được trang bị hai túi khí, có hệ thống chống bó cứng phanh và hệ thống phân phối lực phanh điện tử.
Giá bán của Grand Tiger với phiên bản cabin kép chỉ từ 20.000 USD đến 32.000 USD, rẻ hơn so với giá 37.000 USD của Toyota Hilux bản cabin đơn và lên tới 45.000 USD nếu là cabin kép. Cùng dòng bán tải, nếu là xe của Isuzu có giá lên tới 49.000 USD và Nissan là 52.000 USD.
Mẫu xe bán tải này được cho là phù hợp với địa hình gồ ghề của Zimbabwe và cùng với nhiều thương hiệu xe Trung Quốc khác như GWM, Chery và Jinbei sẽ làm vực dậy thị trường ôtô nước này.
Cũng trong năm 2017, BEIQI Zimbabwe sẽ cho ra mắt thêm một mẫu xe chở khách cỡ nhỏ và một mẫu SUV. Sau 3 năm, dự kiến lượng tiêu thụ của liên doanh sẽ tăng từ 500 chiếc lên 1.500 chiếc mỗi năm. Công ty cũng cho biết sẽ bắt đầu xuất khẩu sang các nước Nam Phi khác vào năm 2018. Liên doanh dự kiến sẽ tạo ra 5.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp và tạo ra 1,3 triệu USD tiền thuế cho Zimbabwe năm 2017, và khi xuất khẩu trong tương lai cũng sẽ tạo ra ngoại tệ cần thiết.