Theo số liệu vừa công bố từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng doanh số bán xe máy năm 2016 của 5 thành viên VAMM đạt hơn 3,12 triệu xe, tăng 9,5% so với mức bán ra 2,85 triệu xe năm 2015. Trong đó, lượng xe bán ra trong 6 tháng cuối năm 2016 đạt gần 1,7 triệu, tăng gần 20% so với lượng xe bán ra 6 tháng đầu năm.
Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp doanh số xe máy bán ra tăng so với năm trước đó, kể từ khi doanh số toàn thị trường chạm đáy 2014. Kết quả này cho thấy sự tăng trưởng của thị trường xe máy Việt Nam, trong bối cảnh quy mô xe máy toàn thị trường ngày càng vượt xa quy hoạch của Bộ Công Thương và Chính phủ.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2020, Bộ Công Thương ước tính lượng xe máy lưu thông toàn thị trường đến năm 2015 sẽ đạt 31 triệu xe và tăng lên 33 triệu xe vào 2020. Trong đó tăng bình quân hàng năm từ 2010-2020 sẽ đạt từ 1,8 đến 2,2 triệu xe mỗi năm.
Đến năm 2013, quy hoạch này đã được điều chỉnh khi lượng xe máy lưu thông đến 2020 theo quy hoạch mới tăng lên 36 triệu xe máy, tăng 3 triệu so với tính toán của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thực tế lượng xe máy bán ra trong những năm gần đây chưa năm nào thấp như ngưỡng dự báo của Bộ Công Thương, trong khi con số quy hoạch đến 2020 đã bị phá vỡ từ cách đây 3 năm. Theo số liệu mới nhất, lượng xe lưu thông toàn thị trường đã đạt hơn 45 triệu xe, vượt 25%.
Doanh số bán xe máy theo số liệu từ VAMM đã tăng trở lại sau khi chạm đáy vào năm 2014. (Đơn vị: Triệu xe)
Việt Nam được đánh giá là thị trường đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ xe máy (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia), và trở thành tâm điểm của hàng loạt hãng xe máy lớn trên thế giới 'đổ tiền' để đầu tư các nhà máy sản xuất.
Có mặt cách đây 20 năm, Honda - đơn vị sản xuất xe máy chiếm thị phần hơn 70% đã đầu tư 530 triệu USD vào 4 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy sản xuất chính với tổng công suất 2,5 triệu xe mỗi năm. Theo tính toán, đơn vị này bán ra gần 20 triệu xe kể từ khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam.
Tương tự, Piaggio hay Yamaha đều xem Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng. Piaggio đã sớm đặt bản doanh và coi Việt Nam là trung tâm sản xuất trong khu vực.
Tuy nhiên, đến đầu 2013 khi lượng xe máy lưu thông toàn thị trường vượt qua con số quy hoạch của Chính phủ đến 2020 cùng doanh số bán ra sụt giảm, nhiều chuyên gia đã đưa ra cái nhìn không mấy lạc quan về thị trường xe máy trong nước. Thậm chí, một số ý kiến còn đánh giá thị trường xe máy Việt đã bắt đầu đi vào giai đoạn 'bão hòa' và thoái trào.
Đối mặt với thực tế này, các hãng xe bắt đầu xoay chiều, thay vì chú trọng vào giá thành, các hãng đưa ra nhiều mẫu mã thời trang, dòng xe ga phù hợp với người châu Á với mức giá cao hơn.
Với thu nhập bình quân ngày càng cao, việc sở hữu mỗi người một xe máy trong các gia đình không còn xa lạ, thậm chí một người có thể sử dụng nhiều loại xe khác nhau cho từng mục đích.
Theo báo cáo của VAMM, số lượng xe tung ra thị trường của các hãng cũng có sự thay đổi đáng kể trong 3 năm gần đây. Nếu như năm 2014, Honda Việt Nam đưa ra thị trường 9 dòng xe, trong đó có 3 dòng xe số và 6 dòng xe ga thì đến 2016, số dòng xe đưa ra thị trường tăng lên 14, với nhiều dòng xe đắt tiền hơn, riêng dòng xe SH đưa ra hai loại 125i và 150i.
Tương tự, Piaggio, Suzuki, SYM hay Yamaha Việt Nam cũng gia tăng sản xuất từ 2 đến 4 dòng xe chỉ trong 3 năm gần đây. Phân khúc giá trọng tâm cũng nâng lên từ 30 đến 40 triệu đồng để bắt kịp với thị hiếu và thu nhập của người tiêu dùng.
Ngoài ra, một số dòng xe thể thao mới xuất hiện trong danh sách sản xuất những năm gần đây cũng cho thấy việc các hãng xe bắt đầu chú trọng hơn vào thị trường ngách đối với những người 'chơi' môtô hiện tại.
Trong danh sách những dòng xe của năm 2016, nếu như Honda có sự xuất hiện của MSX 125cc thì Yamaha cũng đưa ra nhiều dòng xe cùng loại như FZ150i, YZF-R3 321cc hay TFX 150i.
Đây cũng được đánh giá là một phân khúc tiềm năng khi phần lớn các dòng xe môtô thể thao, phân khối lớn hiện nay đều là hàng nhập khẩu.
Từ khoá:
honda,
tiêu thụ,
xe máy,
yamaha