Bến xe Mỹ Đình sẽ phải cắt hơn 500 chuyến xe/ ngày
Theo phương án mới nhất của Sở GTVT Hà Nội, việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh sẽ được thực hiện từ ngày 2-1-2017. Tất cả các bến xe đều có các tuyến bị điều chỉnh đi hoặc đến tùy theo cung đường, hướng tuyến. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Đây được xem là giải pháp khẩn cấp để thành phố Hà Nội giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ cho nhân dân đi lại trong dịp Tết một cách thuận lợi nhất”.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, có thể việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp, người dân nhưng thực hiện việc điều chuyển sẽ đảm bảo chung cho trật tự ATGT của thành phố Hà Nội, phục vụ người dân Thủ đô và người dân các tỉnh khi tham gia giao thông thuận lợi an toàn hơn.
Phương án điều chuyển tổng thể lần này đã được Sở GTVT phối hợp với CATP Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT nghiên cứu thực hiện. Hiện tại, Sở GTVT đã hoàn tất công tác chuẩn bị và phương án, trình UBND TP Hà Nội, báo cáo Bộ GTVT, thông báo đến UBND các tỉnh, thành phố có xe đến Hà Nội, đồng thời thông báo đến các Hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp vận tải các tỉnh, thành phố để cùng thực hiện.
Việc điều chuyển sẽ tập trung vào các tuyến ở các bến có nguy cơ ùn tắc, trong đó tập trung 3 bến chính gồm bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm. Bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm về cơ bản chỉ điều chuyển một số tuyến, còn lại giữ nguyên.
Mặc dù đã có phương án để “cắt tuyến” và đón các tuyến xe mới về bến theo quy hoạch luồng tuyến của Sở GTVT nhưng nhiều bến xe cũng khá “tâm tư” trước giờ G.
Đại diện bến xe Mỹ Đình cho hay, nếu thực hiện điều chuyển đúng như tinh thần của Sở GTVT Hà Nội vừa công bố, các tuyến xe đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ phải chuyển sang bến xe Nước Ngầm. Ước tính, số tuyến xe sẽ phải điều chuyển là hơn 500 chuyến/ngày. Trong đó, một số tuyến có số lượng xe chạy rất lớn như Nam Định, Thanh Hóa, nếu chuyển đi hết cùng một lúc sẽ gây một sự xáo trộn không nhỏ cho doanh nghiệp vận tải và người dân.
Ngoài ra, cũng theo đại diện bến xe Mỹ Đình, việc điều chuyển luồng tuyến lần này là rất lớn nên thực hiện theo từng giai đoạn; có thể giai đoạn 1 chuyển toàn bộ xe đang hoạt động tại bến đi Đắk Lắk, Nghệ An và các giai đoạn sau thực hiện điều chuyển các tuyến còn lại. “Như vậy vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi bến hoạt động cũng như bến có thời gian sắp xếp, ổn định lại, tiếp nhận các tuyến xe mới chuyển từ nơi khác về”, đại diện bến xe Mỹ Đình bày tỏ.
Tương tự, bến xe Yên Nghĩa hiện có hơn 500 chuyến xe/ngày. Sau đợt điều chỉnh này chỉ còn khoảng 300 chuyến. Trong khi đó, công suất bến có thể đáp ứng được khoảng 1.500 chuyến/ngày. Theo đại diện bến xe này, việc các xe điều chuyển đến và đi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp điểm đỗ, đón khách, bán vé cũng như ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải. “Việc giảm công suất sẽ khiến bến gặp khó khăn, tuy nhiên đây là chủ trương của Sở GTVT nên bến sẽ chấp hành nghiêm”, đại diện bến xe Yên Nghĩa bày tỏ.
Trong đợt điều chỉnh này, bến xe duy nhất sẽ tăng lượng xe hoạt động là bến xe Nước Ngầm. Theo đó, sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại, bến xe này sẽ tăng gấp đôi số xe so với hiện nay. Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho biết, bến này có thể đáp ứng được 1.100 xe/ngày, và với lượng 900 xe/ngày sau điều chỉnh, bến hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Tuy vậy, bến xe Nước Ngầm nằm lại tại vị trí ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc nên việc tăng tần suất bến lên gấp đôi so với hiện nay cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn nếu không được phân luồng, điều tiết hợp lý.
Ngân Tuyền (ANTĐ)