Từ ngày 01/11/2016, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”; Chi phí mang thai hộ; quyền sử dụng vốn trong VAMC… nằm trong những chính sách, quy định mới đáng chú ý, có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Dừng xe khi thấy đèn vàng
Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/11/2016, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.
Quy định chi phí nhờ mang thai hộ
Thông tư số 32/2016 của Bộ Y tế quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 1/11.
Theo đó, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện. Đồng thời, chi trả chi phí liên quan đến y tế…
Quyền sử dụng vốn trong VAM
Theo Thông tư 134/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/11/2016, về quy chế quản lý tài chính của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), công ty được chủ động sử dụng vốn để phục vụ các hoạt động kinh doanh như: mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, VAMC cũng được dùng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty; sửa chữa, nâng cấp tài sản; đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của công ty. Thông tư 134 được áp dụng từ năm tài chính 2016 trở đi.
Điều kiện vay vốn khoa học công nghệ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thì phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 1/11/2016.
Cụ thể, tổ chức cá nhân phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, chịu trách nhiệm dân sự theo quy định; có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện dự án.
Thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay theo điều 7 thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan; Vào thời điểm đề nghị vay vốn, không có các khoản nợ đọng thuế, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra phải có vốn tự có tham gia thực hiện dự án tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư của dự án.
Nộp tiền đất khi bán nhà ở xã hội
Thông tư 139/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/11/2016, hướng dẫn về cách tính tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ.
Theo đó, tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội được quy định như sau: Đối với nhà ở xã hội là căn hộ, chung cư: tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x S x giá đất x hệ số phân bổ tiền sử dụng đất.
Trong đó: S là diện tích căn hộ, chung cư cần được xác định tiền sử dụng đất phải nộp; giá đất: xác định theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quy định tại bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm bán lại nhà ở xã hội; hệ số phân bố: xác định theo quy định tại điều 8 thông tư này.
Đối với nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề: nộp 100% tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất xác định theo giá đất quy định nêu trên x diện tích đất nhà ở xã hội.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11.
Phương Đoàn Thế (Tuoitrethudo)