*6 người chết, 1 người bị thương khi tàu hỏa đâm ngang ô tô
Hậu quả của những vụ TNGT đường sắt thường vô cùng nghiêm trọng (Chiếc xe ô tô CRV đã bị tàu hỏa đâm nát, khiến 6 người chết và 1 người bị thương)
Tai nạn thảm khốc
Rạng sáng qua 24-10, chiếc xe ô tô 5 chỗ nhãn hiệu Honda CRV, BKS 30A-602.25 di chuyển trên đường thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội và đi qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Đúng lúc này, đoàn tàu SE2 chạy theo hướng Nam - Bắc lao tới, đâm vào hông xe ô tô, sau đó kéo lê 10m trên đường ray trước khi hất văng chiếc xe ra ngoài mặt đường quốc lộ 1A.
Trong số 7 người ngồi trên xe ô tô, 4 nạn nhân đã bị hất văng ra ngoài xe và tử vong tại chỗ. Ít phút sau, thêm một nạn nhân tiếp theo cũng tử vong trong khi cấp cứu ở bệnh viện do vết thương quá nặng. Hai nạn nhân còn lại bị thương nặng, đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để cấp cứu, đến chiều cùng ngày 1 người nữa cũng ngừng thở. Khung cảnh hiện trường vụ TNGT đã khiến cho những người can đảm nhất cũng phải rùng mình...
Đầu giờ chiều cùng ngày, tại Bệnh viện Việt Đức, nạn nhân Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn trong tình trạng hôn mê với những vết thương rất nặng.
Đôi mắt nhắm nghiền, xung quanh người anh là hàng loạt máy móc, thiết bị cấp cứu hỗ trợ. Đau đớn hơn cả có lẽ là gia đình 2 chị em nạn nhân Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1987) và Nguyễn Thị Mai (SN 1997) đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nỗi đau ập đến với các gia đình nạn nhân là quá lớn và khủng khiếp.
Không thể nhớ được bản thân đã từng khám nghiệm bao nhiêu vụ TNGT đường sắt, song Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Khám nghiệm, điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội khi chứng kiến hiện trường vụ tai nạn này đã không khỏi rùng mình.
Chỉ ít phút nhận được tin xảy ra tai nạn với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã tăng cường lực lượng điều tra, khám nghiệm xuống hiện trường phối hợp với CAH Thường Tín, VKSND cùng cấp để phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, cách đây chưa lâu, cũng trên đoạn đường sắt chạy qua địa bàn huyện Thường Tín đã xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Chiếc xe khách chở 21 người khi vượt qua đường sắt đoạn gần thị trấn Tía ở km 18+800 đã bị đoàn tàu SE8 chạy theo chiều Bắc - Nam đâm văng ra ngoài làm 9 người chết, nhiều người bị trọng thương.
Những đường ngang “tử thần”
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá như vậy, khi nói về những vụ TNGT đường sắt. Trong nhiều cuộc họp liên quan đến công tác đảm bảo ATGT đường sắt, chỉ huy Phòng CSGT thường nêu thực tế “nóng”, đó là vi phạm hành lang ATGT đường sắt, nhất là việc mở đường ngang dân sinh trái phép.
Còn nhiều vụ TNGT đường sắt khác cũng diễn ra và hầu hết đều có thiệt hại về người. Chỉ huy Phòng CSGT cũng cho biết, theo thông tin ban đầu, vị trí đường ngang xảy ra vụ tai nạn khiến 6 người chết và 1 người bị thương nặng nêu trên dù có đèn cảnh báo, gác chắn nhưng tại thời điểm xảy ra vụ việc không có người gác chắn. Khi đoàn tàu hỏa lao tới, tấm gác chắn không được hạ xuống.
“Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thường Tín có 175 đường ngang trong đó có tới 149 đường ngang được mở trái phép. Tại đường ngang nơi xảy ra vụ TNGT này, các doanh nghiệp đã thuê người gác chắn thời gian từ 7h sáng đến chiều tối. Vụ TNGT xảy ra trước thời điểm có người đến gác chắn đã gây ra hậu quả đau lòng” - Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 8, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 5 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài khoảng 160km. Ngoài những tuyến đường sắt từ trung tâm thành phố đến các ga, còn có tuyến đường sắt vành đai từ ga Văn Điển đến ga Bắc Hồng dài hơn 38km.
Đa số những đường ngang này là đường giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, dân cư sinh sống hai bên rất đông. Một số đường ngang mật độ phương tiện qua lại lớn, ý thức của nhiều người tham gia giao thông vẫn còn thấp, chưa kể tình trạng lấn chiếm lòng đường, vi phạm hành lang ATGT đường sắt diễn ra phổ biến.
Ngoài nguyên nhân đường ngang dân sinh mở trái phép, tràn lan như ma trận khiến công tác quản lý, đảm bảo ATGT gặp khó khăn, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và CATP Hà Nội đánh giá đó còn là do sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả và thường xuyên của các cấp chính quyền, các ngành, lực lượng.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi còn có tình trạng cắt phá hàng rào của đường gom, hay công tác cảnh giới tại một số đường ngang do địa phương hoặc doanh nghiệp ngoài ngành đường sắt phụ trách với thời gian cảnh giới không khép kín 24/24 giờ trong ngày, cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt và vụ TNGT vào sáng 24-10 là một ví dụ.
“Tai nạn có thể đến với bất cứ ai, phương tiện nào khi đi qua đường sắt trên những đường ngang này... nếu như các cơ quan chức năng và chính người tham gia giao thông không tự nhìn nhận tồn tại, bất cập và nỗ lực giải quyết, phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho bản thân ” - chỉ huy Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cảnh báo.
Lãnh đạo thành phố thăm hỏi lái xe Nguyễn Xuân Quý
13h ngày 24-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã đến Bệnh viện Việt Đức thăm, tặng quà hỗ trợ gia đình lái xe ô tô trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người, bị thương 1 người rạng sáng 24-10.
Lái xe là anh Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) được điều trị cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Xuân Quý, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã trao 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình và đề nghị các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức huy động mọi nguồn lực, tận tình cứu chữa anh Nguyễn Xuân Quý...
Hoàng Phong (ANTĐ)