Tháng 11/2014, Daimler đưa thương hiệu Maybach trở lại khi kết hợp cùng Mercedes-Benz S-Class. Đến tháng 4/2015, chiếc Mercedes-Maybach S600 chính thức trình làng.
Việc đưa thương hiệu Maybach kết duyên cùng với Mercedes-Benz dòng S tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Một mặt, họ cho rằng làm như vậy Daimler đã tầm thường hoá thương hiệu Maybach. Nhưng cũng không ít ý kiến đánh giá đó là một hành động hết sức khôn ngoan của ban lãnh đạo Daimler, để tránh không dẫm phải vết xe đổ của các bậc tiền bối. Làm như vậy, họ sẽ tăng được đáng kể doanh số bán xe và tăng nguồn thu để tiếp tục nuôi dưỡng thương hiệu Maybach.
Daimler lý giải rằng Mercedes-Maybach S600 vẫn cao cấp, hay nói cách khác, vẫn đẳng cấp hơn so với dòng S thông thường. Với những trang thiết bị tối tân nhất, hiện đại nhất, thiết kế, trang trí công phu nhất, và giá cũng đắt nhất trong các dòng xe của Mercedes Benz hiện nay, Daimler tự tin vẫn tiếp bước truyền thống của dòng xe Maybach huyền thoại.
Mercedes-Maybach S600
có giá bán gần 10 tỷ đồng ở Việt Nam.Đây cũng rất có thể là lí do dòng siêu sang Mercedes-Maybach S600 được các đại gia Việt Nam yêu chuộng. Trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, có 10 chiếc đã lên đường đến Việt Nam, theo báo cáo của Asia Briefing. Đây cũng là mẫu sedan đắt nhất mà Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) phân phối tại Việt Nam.
Đáng chú ý, theo MBV, số lượng khách hàng mua xe Maybach S600 chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Con số chủ xe tương lai ở 2 thành phố này là ngang ngửa nhau. Nếu chỉ tính riêng số tiền bán 50 chiếc Maybach S600 đầu tiên, MBV sẽ thu về 483,45 tỷ đồng.
Do những thành công vang dội ngay từ bước đầu này, MBV đã và đang xúc tiến chuẩn bị nhập 2 series cao cấp khác của dòng Mercedes-Maybach S về Việt Nam để phân phối, đó chính là Mercedes-Maybach Pullman (dòng limousine) và Mercedes-Maybach Guard (dòng xe chống đạn). Dù giá thành của 2 series xe này rất cao, có thể nói là còn cao hơn cả Mercedes-Maybach S600, nhưng Daimler và MBV vẫn tự tin rằng, sẽ vẫn có những khách hàng người Việt sẵn sàng chi tiền để sở hữu những chiếc xe siêu đẳng cấp này.
Lịch sử của thương hiệu Maybach
Cái tên Maybach lấy từ tên của một trong những kỹ sư động cơ đầu tiên của Đức, ông Wilhelm Maybach (1846-1929). Ông sinh ra tại Heilbronn (Đức), mồ côi cả cha lẫn mẹ khi lên 10. Wilhelm Maybach gặp Gottlieb Daimler vào năm 1865 tại Reutlingen (Đức), tại một trường học liên kết với nhà máy sản xuất máy móc dành cho trẻ mồ côi và vô gia cư.
Wilhelm Maybach gây được sự chú ý với người quản lý xưởng chế tạo, Gottlieb Daimler. Daimler chính là nhà sáng lập của Daimler-Motoren-Gesellschaft (DMG), một hãng mà sau này được sáp nhập và trở thành Daimler-Benz, và là tiền thân của thương hiệu xe Mercedes-Benz.
Mối quan hệ thân thiết giữa Maybach và Daimler được hình thành từ khao khát hình tượng người cha của Maybach, do ông bị mồ côi khi còn quá nhỏ. Ông ngưỡng mộ Daimler, còn Daimler nhận ra ở Maybach một nhà thiết kế tiềm năng. Đó chính là khởi đầu của một mối quan hệ đã mang tới vô số cải tiến trong ngành công nghiệp ôtô, như động cơ 4 thì vào năm 1876 và động cơ chạy tốc độ cao đầu tiên với xi-lanh thẳng đứng, chạy xăng với chế hòa khí phao.
Hai cha con nhà Maybach.
Đến năm 1885, Daimler và Maybach thành lập công ty chế tạo động cơ đốt trong và xe hơi. Họ đã chế tạo thành công một động cơ công suất 0,5 mã lực vào năm 1885.
Năm 1889, hai ông trình làng chiếc xe 4 bánh đầu tiên của mình tại Triển lãm Paris. Chiếc xe này có 4 bánh tương tự như bánh của xe đạp và hệ thống lái còn rất đơn giản với cần lái giống như cần lái của thuyền đánh cá.
Chính chiếc xe này đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô của Pháp những năm sau đó, và ngày nay được người Pháp coi là ngày khai sinh ra nền công nghiệp ôtô Pháp. Và họ ca tụng Maybach là “King of designers” - 'vị vua của những nhà thiết kế”.
Năm 1907, do những bất đồng chính kiến, Wilhelm Maybach tách ra thành lập công ty riêng. Maybach và con trai Karl dồn sự quan tâm tới loại khinh khí cầu du lịch sau vụ tai nạn vào năm 1908 của LZ4 Zeppelin, loại khinh khí cầu trang bị động cơ của Daimler.
Maybach Zeppelin DS 8 đời 1932 giống như một biểu tượng của những nguyên tắc mà từ đó những chiếc Maybach ra đời: tạo ra thứ tốt nhất từ những vật liệu tiên tiến nhất, xe của giá trị vĩnh cửu, được sản xuất với đẳng cấp cao nhất của sự hoàn hảo.
Type W1 - chiếc xe đầu tiên của Maybach.
Sau 10 năm, những thành công và sáng kiến trong thiết kế động cơ của nhà Maybach giúp những chiếc khinh khí cầu trở thành phương tiện bay chuyên chở hành khách thường xuyên vượt qua cả những chặng đường dài. 10 năm ấy cũng giúp Wilhelm và Karl Maybach nắm trong tay 40% số vốn của Zeppelin.
Hai cha con lại chuyển mối bận tâm sang ngành công nghiệp ôtô. Đó là lúc hãng Zeppelin Airship được đổi tên thành Maybach-Motorenbau GmbH và bắt đầu thiết kế xe hơi dựa trên bộ khung gầm của Mercedes-Benz.
Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, Maybach Type W3, một mẫu xe sang trọng với các tiêu chuẩn kỹ thuật cao xuất hiện và trình làng tại triển lãm Berlin năm 1921. Lúc này, trách nhiệm lớn trong thiết kế và điều hành công ty đã dồn lên vai Karl Maybach.
Năm 1929, mẫu xe đầu tiên trang bị động cơ 12 xi-lanh ra đời với tên gọi Maybach Type Zeppelin DS 8 chỉ một năm sau khi Maybach Zeppelin xuất hiện và nhanh chóng trở thành biểu tượng của xe hơi hạng sang. Xe có khả năng đạt tốc độ tối đa 150 km/h.
Cùng năm, Wilhelm Maybach qua đời, khi đã kịp chứng kiến những thành công đáng tự hào của người con trai. Đây cũng là thời kỳ vàng của Maybach-Motorenbau GmbH với những sản phẩm như Maybach DSH với động cơ 6 xi-lanh công suất 130 mã lực và tốc độ tối đa 140 km/h, Maybach SW35 và 38 với động cơ 3.5 và 3.8 công suất 140 mã lực và tốc độ tối đa 150 km/h, hay Maybach Zeppelin DS7 và DS8.
Nhưng không phải sức mạnh khiến những chiếc Maybach mới trở nên đặc biệt. Xe được lắp ráp thủ công với những loại vật liệu cao cấp và sang trọng bậc nhất. Maybach áp đặt những tiêu chuẩn cao nhất cho các mẫu xe, chính vì vậy, trong 20 năm từ 1921 cho đến 1941, Maybach chỉ sản xuất chưa đầy 2.000 chiếc.
Đến 1941, hãng thay đổi mục tiêu và bắt đầu sản xuất động cơ cho quân đội, hải quân và đường sắt. Phải đến năm 1996, logo 2 chữ M lồng vào nhau trong hình tam giác mới trở lại với người hâm mộ.