Người xưa coi văn chương là một hành vi sáng tạo rất thiêng liêng. Văn là để chuyên chở Đạo Đức. Nó như kim chỉ nam chỉ đạo những con chữ sinh thành dưới ngọn bút lông. Vì thế, văn chương là cái Chí, là quan niệm nghiêm túc về cuộc sống. Tài năng nhà thơ nhà văn có khả năng định hướng cho cả một cộng đồng đi vào cái Đẹp của Đạo đức cao cả. Chúng ta hãy chiêm nghiệm điều đó qua Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyên Du (Ảnh: internet)
Vì tài năng nhà thơ nhà văn có thể định hướng cho cả một cộng đồng đi vào cái Đẹp của Đạo đức cao cả, cho nên, Văn thời đó có ít người làm. Và hiển nhiên, số độc giả của nó cũng không nhiều… Vậy nên các cụ ngày xưa đối với văn chương có một thái độ nhìn nhận thưởng thức rất khác với chúng ta hôm nay.
Truyện Kiều ngày xưa cũng được bình như vậy. Chỉ riêng các bài vịnh Kiều thể hiện quan điểm riêng của các cụ đã là một khối lượng không nhỏ.
Tôi có cái may mắn trong những năm chiến tranh nằm nghe ông mình là một nhà nho bình Kiều, ngâm Kiều, vui buồn cùng với cuộc đời Kiều… Đó là những ký ức khó quên. Nó cho tôi những cảm xúc, những cảm nhận về áng Kiều bất hủ này luôn luôn mới mẻ.
Chị em Thúy Kiều, Thúy Vân ( ảnh minh họa)
Sau này, học Kiều ở phổ thông, ở đại học và đọc rất nhiều các bài viết, các công trình nghiên cứu của những học giả nổi tiếng, tôi vẫn không sao quên được cảm giác mới nguyên của lời ông ngoại tôi giảng nói, khóc cười với Kiều và có lẽ với chính đời ông.
Từ thời tiểu học, chúng ta đã được học các câu thơ ngắn nói về các mùa, các cảnh thiên nhiên. Chẳng hạn, câu thơ tả mùa xuân:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Mộng Liên đã từng viết “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy… Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở đằng sau quyển Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm một khúc Đoạn trường để than khóc người xưa”.
Chu Mạnh Trinh viết “Cho hay danh sĩ với giai nhân/ cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ.. “.
Chúng ta đặt kiểu kể chuyện của Nguyễn Du vào truyền thống tự sự phương Đông, đề cao “cảm vật” hơn là “mô phỏng” như nghệ thuật tự sự phương Tây. “Vật trong hoạt động nghệ thuật không phải là đối tượng hàng đầu để mô phỏng mà chỉ là nhân tố kích thích dẫn phát tình cảm, là đối tượng hàng đầu mà chỉ người có tình cảm mới dùng thơ để biểu hiện”.
Vì sao mà tài tình bạc mệnh?
Mở đầu tác phẩm, Đại thi hào viết:
Trăm năm trong cõi người ta.
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Có cõi âm phủ, cõi ma, cõi Tiên, cõi Phật thì cũng có một cõi nữa mà cuộc nhân sinh của chúng ta chứng kiến muôn vàn hỷ nộ, ái ố. Đó là cõi Người. Khi Nguyễn Du dùng đôi mắt Mê mờ của thế gian để nhìn cái cõi ấy thì đồng thời trí huệ nhà Phật cũng cho Người cảm nhận về những cõi khác. Nó không giống cõi người này. Đặc trưng của cõi Người là định luật hà khắc: Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Vì nhìn cái chữ Tài trong cách nhìn hiện đại nên rất nhiều người cho rằng Nguyễn Du ban đầu có cảm hứng về nó nhưng ngòi bút hiện thực của ông đã đẩy ông rời khỏi ý định ban đầu.
Xin trích ra đây một đoạn viết của Nguyễn Đức Dân trong bài “Truyện Kiều từ góc nhìn so sánh”: “Trên thực tế, tư tưởng “tài mệnh tương đố” là tư tưởng xuyên suốt Kim Vân Kiều truyện. Và chữ tài ở đây là tài tình, tài sắc, tài hoa của kiếp hồng nhan, chứ không phải là tài thao lược võ bị của đấng nam nhi. Vả lại, thời phong kiến, tài văn thường được trọng hơn tài võ. Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện đã nói: “Quốc gia bao giờ cũng vẫn trọng văn khinh võ”. Ngay từ Hồi 1, Thuý Kiều đã làm khúc Bạc mệnh oán, trong đó có câu: “Gương bạc mệnh bao giờ cũng thế/ Kiếp hồng nhan hồ dễ tránh đâu?”
Khi thăm mả Đạm Tiên, Kiều than Đạm Tiên là “Kiếp hồng nhan bạc mệnh”, lại khấn:
“Em đây với chị cảm nhau vì chữ tài sắc”.
Hồi 2: Thuý Kiều nghĩ về Kim Trọng và tự nhủ mình là “phúc bạc kém duyên”. Lúc mơ thấy Đạm Tiên thì Đạm Tiên lại khen “tài hoa” của Kiều và Kiều cũng tự nhận với Đạm Tiên là mình có tiếng “tài tình”, rồi làm 10 bài thơ trong đó 2 bài đầu có tên là Tiếc cho tài và Thương bạc mệnh.
Hồi 3: Kim Trọng khen Thuý Kiều có tài đáng “phải đúc nhà vàng” mới xứng. Còn Kiều thì đáp lại là hồi xưa có người thầy tướng đoán cho mình rằng: “Thiếp nhất đại tài tình thiên thu bạc mệnh” (“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa” – Nguyễn Du). Rồi lại bảo: “Trời xanh vốn hay ghen ghét (…). Nhất là ghen sắc thì lại quá tệ!” (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen – Nguyễn Du).
Hồi 4, 5: Kiều tự giác đem số bạc mệnh của mình ra để thuyết phục cha mẹ cho mình bán thân chuộc cha.
Hồi 6: Trong một bài thơ của Kiều cũng có chữ “Hồng nhan bạc mệnh”.
Hồi cuối cùng: Trong 10 bài thơ tặng Kim Trọng, Kiều lại nhắc đến kiếp bạc mệnh: “Tự cam bạc mệnh nhân”. Như thế cũng đủ thấy tư tưởng “tài tình mệnh bạc” là tư tưởng xuyên suốt của Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Du chỉ tiếp thu lại mà thôi.”
Nên chăng thế nhân chuyển từ Tài Tình sang cảnh giới Từ Bi?
Người ta thường hay so sánh Kiều với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân theo quan điểm hơn thua. Thực ra, Nguyễn Du rất tôn trọng tư tưởng của một tác phẩm mà ông gọi là “cảo thơm”. Tài năng của họ Nguyễn là đã sáng tạo một kiệt tác văn chương mang đậm tính dân tộc Việt chứ không phải là một bản dịch. Đặc biệt là giá trị nghệ thuật thi ca dưới hình thức ngôn ngữ dân tộc chứ không phải chỉ ở nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết.
Nổi bật nhất ở nàng Kiều là khả năng âm nhạc của nàng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã dùng những câu thơ vẽ các giai điệu âm thanh thật kỳ diệu ứng với những biến cố quan trọng nhất́ trong đời Kiều.
Phật Gia cho rằng con người Khổ để rồi Mê và tạo nghiệp là do chữ Tình rất đặc định của thế giới con Người. Yêu thương, giận hờn; hỷ nộ, ái ố; được mất, danh lợi… con người quay quắt với chữ Tình. Phải khai phóng con người, giải thoát thế giới đầy chấp trước Mê mờ truớc hết bằng việc thay thế Tài Tình sang cảnh giới của Từ Bi..
Thế giới Tình cho ta càng thấy càng “đau đớn lòng”.
Nhưng muốn mô tả, chứng kiến và cảm nhận sâu sắc nhất về nó thì phải: Trải qua một cuộc bể dâu. Khi xã hội còn thịnh trị, mặt tích cực của chữ Tình duy hộ loài Người, cho con người những Thiện niệm, Tâm lành. Nhưng khi xã hội đã biến cải “vũng nên đồi” với bao phen “thay đổi sơn hà” như Nguyễn thì ta thấm thía mặt trái của chữ Tình.
Đọc Nguyễn Du, ta luôn thấy những mâu thuẫn, những thấp thỏm ngay trong những đoạn thơ không có bóng dáng của những xung đột trực tiếp giữa người với người; giữa những nhân cách phẩm giá và những phường thập ác bất xá… Chẳng hạn một cảnh xuân, một đêm hò hẹn, một giấc chiêm bao…
Trong bài: “Lời thì thầm của Nguyễn Du với chúng ta“, một học giả rất có uy tín về “Kiều học” là Nguyễn Thạch Giang đã “rẽ cương” theo một hướng khác: “Ta quen nhìn từng quãng đời Kiều nên chỉ thấy cuộc đời và triết lý Kiều có nhiều mâu thuẫn. Trong đoạn kết, Nguyễn Du viết:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
Đó là thuyết định mệnh. Con người hoàn toàn nằm trong bàn tay tạo hóa, cho sao được vậy. Nhưng lại có cả Nghiệp:
“Đã mang lấy Nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Đoạn kết “Đoạn trường tân thanh” chúng ta phải hiểu rằng: “Thế mới biết, người đời thường cho rằng: “muôn sự tại trời…” là không đúng.
Con người tự tạo ra Nghiệp, chứ không ai khác, nghĩa là chính mình là tác giả của đời mình, tự tâm ta cả, có lẽ đời này ta khổ, là do đã tạo nhiều nghiệp ở đời trước.
Thiện căn ở tại lòng ta, phúc họa đạo trời, cội nguồn cũng ở trong lòng mà ra cả. Đó là lời dạy của Phật:
Mỗi chúng ta là một vị Phật sắp thành. Phải trở về với chính ta, không cầu một cái gì ngoài ta.
Như vậy, khi viết “Đoạn trường tân thanh“, Nguyễn Du muốn trao gửi cho hậu thế sự tu học, tâm đắc của mình: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Thực tâm theo Phật, bản thân ta được bảo vệ an toàn trong mọi hoàn cảnh.”
(Còn nữa)
La Vinh – Hà Phương