Được biết đến như một bom tấn game hàng đầu thế giới với số lượng người chơi đạt tới con số hơn 125 triệu, Fortnite ngỡ như là một món quà tuyệt vời dành cho số đông các fan hâm mộ. Tuy nhiên, ẩn sau sự thành công và những kỷ lục ấy, tựa game này cũng còn vô số điều ngang trái. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng Fortnite là một thứ gì đó cực kỳ phiền phức, căng thẳng hơn thì cho rằng đó là nguồn gốc của rất nhiều mặt trái trong xã hội đấy.
Fortnite từng khởi kiện các cheaters, kể cả một đứa trẻ 14 tuổi
Tất nhiên, cheating luôn là một trong những vấn nạn với tất cả các tựa game, đặc biệt là trong những trò chơi bắn súng. Fortnite cũng không phải là ngoại lệ. Nhà phát hành Epic Games từng tỏ ra rất mạnh tay trong công cuộc chống lại cheater, bằng cách sẵn sàng khởi kiện họ ngay khi biết được sự việc.
Nhưng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Epic Games không tuân thủ quy tắc một cách quá chặt chẽ. Họ khởi kiện Caleb Rodgers, một đứa bé mới chỉ 14 tuổi. Nhưng cũng khó trách Epic Games. Trên kênh Youtube của Caleb, cậu bé còn làm hẳn một hướng dẫn về cách cheat sao cho hiệu quả nhất nhằm phổ biến vấn nạn này tới với cộng đồng game thủ. Bảo sao mà Epic Games chẳng nóng mắt. Tuy nhiên, chắc chắn là kiện một đứa bé 14 tuổi thì chẳng hay ho cũng như mang lại kết cục gì tốt đẹp dành cho Epic Games.
Australia cho rằng Fortnite khiến gia tăng khuynh hướng bạo lực ở trẻ em
Sự thành công của Fortnite đã kéo theo hàng nghìn đứa trẻ Australia theo dõi cũng như tham gia vào tựa game này. Và một số bậc cha mẹ, sau khi theo dõi con mình tranh tài với các game đấu Fortnite đã cảm thấy khá bất an khi hành vi của con cái họ sau đấy có biểu hiện hung hăng, nghiện game và thậm chí có trường hợp còn phải nhập viện vì không chịu rời khỏi bàn máy tính.
Một khách mời khi được phỏng vấn trên show truyền hình của Australia đã nói rằng: 'Những đứa trẻ chơi cùng nhau, nhưng chúng dường như đang tìm mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau'. Các bậc phụ huynh quan ngại rằng Fortnite là một tựa game bạo lực, mà ở đó súng, cuốc xẻng và bất kỳ đồ vật gì đều không phải là đồ chơi, mà được coi là công cụ để giết người và một ít đồ họa mang tính hoạt hình chẳng thể thay đổi nhiều lắm cho tư duy con em họ. Điều này có thể đúng, có thể gây tranh cãi, nhưng Fortnite thì vẫn đang kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường Australia.
Fortnite và nghi vấn dàn xếp với PUBG
Chắc chúng ta cũng biết, Epic Games từng dính vào một vụ kiện bản quyền với Bluehole - nhà sản xuất của PUBG. Và Bluehole có lý do để làm như vây, khi mà rõ ràng Epic Games đã lấy ý tưởng Battle Royale của họ và tạo nên siêu phẩm Fortnite. Chưa kể, mọi kỷ lục mà PUBG tạo ra đều bị phá vỡ bởi tựa game này. Tới cả bảng xếp hạng lợi nhuận, Fortnite cũng đang cho PUBG ngửi khói nữa là. Càng đáng nói hơn khi nếu như phần lớn doanh thu của PUBG tới từ tiền mua game thì Fortnite, lại hốt bạc khi mở bán các gói đồ cho game thủ.
Bluehole sau đó rút đơn kiện chỉ sau vài tháng, khi mà kết quả thậm chí còn chưa rõ ràng. Nhà phát hành này cũng chẳng lên tiếng bình luận hay giải thích gì về động thái trên. Và nhiều người nghi ngờ về một cú thỏa thuận ngầm về vấn đề này để sự việc có thể kết thúc một cách nhẹ nhàng và êm thấm.
Nhiều kẻ biến thái tận dụng Fortnite để tiếp cận trẻ em
Bất cứ ai đã từng sử dụng Internet đều có thể biết rằng đây không phải là một nơi an toàn. Có quá nhiều mối đe dọa rình rập trên mạng, thậm chí là cả những kẻ biến thái.
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra tội phạm vương quốc Anh, đã có nhiều báo cáo về trường hợp những kẻ biến thái, quấy rối tận dụng chức năng voice tron game của Fortnite để tiếp cận và cố gắng dụ dỗ những đứa trẻ. Một bà mẹ ở Anh thậm chí còn từng báo cảnh sát khi cho biết, bà nghe thấy một người đàn ông chơi cùng đang hỏi con trai 12 tuổi của mình những vấn đề liên quan tới tình dục.
Fortnite được đánh giá là phù hợp với những đứa trẻ trên 12 tuổi. Tuy nhiên, ai cũng biết là có rất nhiều đứa trẻ, thậm chí cả dưới 10 tuổi cũng đang phát cuồng với siêu phẩm này. Fortnite là nhà phát hành game, còn kiểm soát và trông trẻ ư, có lẽ đây là trách nhiệm của phụ huynh.
Theo GameK