Liệu Clearlove7 có tiếp tục “chơi” Evelynn? Bảng A không chỉ có EDward Gaming – Hạt giống số một của LPL mà còn có cả đội tuyển được yêu thích nhất thế giới và cũng là đương kim vô địch – SK Telecom T1. Cứ như chưa đủ thú vị vì bề dày lịch sử cạnh tranh giữa EDG và SKT, ahq lại tiếp tục được “bốc” vào bảng đấu này. Tuy rằng còn một đội thứ tư nữa nhưng mà khả năng cao là hai đội đi tiếp của bảng này sẽ không có tên của ahq hay đội thứ tư nào đó. Vấn đề chính ở đây là liệu ai sẽ giành vé đầu tiên, SKT hay là EDG? Liệu đội tuyển số một Trung Quốc có bao giờ trả nổi mối thù ở CKTG với người Hàn và bỏ được cái dớp “khôn nhà dại chợ” hay không? Hay là ahq sẽ đột nhiên tạo được phép màu và giành quyền đi tiếp? Hoặc giả dụ như chuyện cổ tích xảy ra khi đội thứ tư tham gia vào bảng A và giành được quyền vào tứ kết?
EDward Gaming – EDG
EDG tham dự bảng A với tư cách là đội tuyển vô địch LPL và đồng thời là đội tuyển LMHT mạnh nhất Trung Quốc. Khu vực LPL là một khu vực nổi tiếng với lối đánh hổ báo từ những cấp độ đầu tiên. Sau khi lật kèo trước Royal Never Give Up trong trận chung kết LPL mùa hè 2017 và nẫng tay trên chức vô địch của Uzi (một lần nữa) thì EDG đã được đánh giá vô cùng cao ở CKTG năm nay, họ có đủ tư cách để tự tin rằng mình sẽ tiến xa. Nhưng rốt cuộc, EDG lại đụng mặt kẻ thù truyền kiếp là SKT T1, những người luôn ngáng đường họ kể từ khi hai đội gặp gỡ ở MSI 2015. Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh cách thi đấu của Chen “Mouse” Yu-Hao và Ming “Clearlove7” Kai – người đi rừng kì cựu nhưng lại có phong độ vô cùng thất thường. Đường trên và rừng luôn bị coi là điểm yếu của EDG. Nhưng may thay, SKT cũng có một mắt xích được đánh giá không quá cao ở thời điểm này là Han “Peanut” Wang-ho, cậu ta thường xuyên bị “lạc trôi” khi thi đấu và không biết mình phải làm gì kể từ giai đoạn đầu mùa hè. Vậy nên có lẽ khi Peanut ra trận, bộ đôi rừng và đường trên của EDG sẽ có thể tạm thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, nếu Kang “Blank” Sun-gu xuất hiện thì tốt nhất họ nên thi đấu cẩn thận và dè chừng.
CKTG năm ngoái Mouse thi đấu không được tốt cho lắm! Về phần còn lại của bản đồ là đường giữa và đường dưới thì kèo đấu cũng tương tự. Có lẽ Lee “Scout” Ye-chan sẽ kém Lee “Faker” Sang-hyeok không chỉ một chút nhưng cố gắng cầm hòa thì chắc cũng không khó khăn gì. Đường dưới có lẽ là tâm điểm của sự chú ý, với kèo đấu giữa Tian “meiko” Ye và Hu “iBoy”Xianzhao cùng Bae “Bang” Jun-sik và Lee “Wolf” Jae-wan. Tỷ lệ của nó chắc là 50/50 hoặc 49/51 như đường trên, mà cũng phụ thuộc vào người đi rừng của SKT T1 là ai nữa. Nếu không tính người đi rừng thì phong độ của bộ đôi Bang-Wolf đang không quá cao, ít nhất là khi so sánh với giải mùa Xuân. Đặc biệt là Bang, tần suất mắc sai lầm của cậu ta trong giai đoạn gần đây là khá thường xuyên – một trong những nguyên nhân chính của việc SKT sụp đổ trong giai đoạn giữa giải LCK mùa Hè 2017 và để tuột mất chức vô địch.
Liệu Bang có trở lại với phong độ cao nhất tại CKTG hay không? Nhưng không có nghĩa là người hâm mộ của EDG nên mừng vội. Tới đầu tháng 10 vòng bảng mới diễn ra và trong thời gian từ giờ đến lúc đó, có lẽ hai nhà vô địch thế giới này đã tìm lại được phong độ rồi. Không thì “lạc đà gầy vẫn hơn ngựa béo“, dù sao họ cũng từng vô địch 2 lần, chớ nên coi thường. Ngoài ra xạ thủ của EDG là iBoy cũng là một tân binh nên việc bị ngợp ở sân khấu lớn và mắc sai lầm là không thể tránh khỏi. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là EDG luôn có dấu hiệu “khôn nhà dại chợ” mỗi khi tới CKTG. Hãy cùng chờ xem liệu năm nay họ có thay đổi được điều đó không nhé!
Nhân tố bí ẩn: iBoy và Scout
Mong rằng Scout sẽ thi đấu tốt ở CKTG lần này Hai carry chính của EDG chính là mấu chốt của đội hình đại diện chủ nhà. Scout cần phải thi đấu với phong độ rất cao nếu mà muốn “cân” được Faker và giúp đội mình giành được vé đi tiếp. Nếu Scout thi đấu “phập phù” thì chắc là EDG sẽ có khả năng cao là “nằm sấp” trước cả đội thứ 4 chưa được quyết định cũng nên! Một nhân tố khác là iBoy, cậu bé này là một tân binh mới toanh, vừa mới thi đấu chuyên nghiệp được 22 trận thì đã tham dự CKTG. Tất nhiên, có sự dìu dắt từ người đầy kinh nghiệm như Meiko thì cũng bớt lo. Nhưng biết đâu được, liệu lúc đối mặt với Bang-Wolf cùng sức ép từ chiến thuật mà SKT áp đặt thì tâm lý của tân binh này lại không chịu nổi thì sao? Vậy nên, thử thách đối với iBoy là vô cùng lớn.
SKTelecom T1 – SKT
Có lẽ không phải giải thích nhiều về SKT, 3 chức vô địch thế giới là đủ để giới thiệu rồi. Cũng như năm ngoái, SKT đã gặp phải rắc rối trong giai đoạn cuối giải mùa Hè. Tuy nhiên lần này nó dễ thấy hơn, nếu như năm ngoái ta còn không phân biệt nổi là do lỗi của tuyển thủ hay chiến thuật thì sang đến năm nay, mọi thứ đã vô cùng rõ ràng. Đầu tiên là sự lạc lối trong khu rừng của Peanut, người từng một thời được đánh giá là thần rừng của tương lai. Hiện giờ cậu ta đang không biết phải đánh ra sao cho hợp với đồng đội và cũng gặp đôi chút vất vả trong việc thích ứng với meta game. Trong nhiều trận đấu mà Peanut ra quân, người ta đều nhận thấy sự lúng túng và không biết mình phải làm gì của “hạt đậu nhỏ“. Kết quả là một trong hai trường hợp, Faker hoặc Bang hay Huni bất ngờ lên đồng gánh đội và cứu luôn người đi rừng. À còn khả năng Peanut gặp may và gank thành công từ sớm nữa. Trường hợp còn lại là Peanut sẽ thành một mắt xích vô cùng yếu, khả năng đóng góp hạn chế, thậm chí đôi khi còn tạo ra gánh nặng cho đồng đội. Điểm yếu thứ hai là Bang cùng Wolf, suốt từ giai đoạn cuối giải MSI 2017 tới giờ thì phong độ của cả hai đều không đạt được mức 100%. Những lần tiếc phép bổ trợ dẫn tới lên bảng tương đối ngớ ngẩn, đi thẳng vào bụi mà không có mắt, phản ứng chậm dẫn tới dính hiệu ứng khống chế,….lỗi của Bang lần này không hề ít. Còn Wolf thì vẫn như thường lệ, dính hiệu ứng khống chế, lang thang đi cắm mắt một mình và bị bắt lẻ và cuối cùng là kiểm soát tầm nhìn kém, dĩ nhiên đây là vấn đề cố hữu nhưng thời gian trước nó đã được sửa phần nào rồi, không hiểu sao giai đoạn mùa Hè này lại quay lại nhiều lần. Có lẽ là do sự rời đi của Bengi chăng? Điểm cuối cùng là những sai lầm về mặt chiến thuật. Đây là một điều vô cùng hiếm thấy với một tập thể có đội ngũ huấn luyện viên “xịn” như SKT T1. Nhưng con người mà, có phải ai lúc nào cũng hoàn hảo đâu. Tuy nhiên Kk0ma đã gặp vấn đề vào đúng lúc quan trọng nhất: trận quyết định tranh chức vô địch LCK mùa Hè. Quá coi nhẹ Khan, đánh giá khả năng của Huni cùng Blank quá cao. Dẫn tới việc cấm chọn kiểu bị động thiên về phòng thủ và bị các mũi khoan hạng nặng của Longzhu phá tan tành. Nhưng chắc chắn là trong tương lai gần thì ta sẽ không thấy nó xảy ra thêm một lần nữa. Với nhiều sai lầm như vậy thì quá hợp lý cho SKT khi để họ gặp một đội cũng bấp bênh không kém là EDG – một đội có thành tích quốc tế cũng gần tương tự như TSM. Clearlove7 – Người đi rừng của EDG thi thoảng vẫn hay “cosplay” tướng tủ Evelynn vào lúc quan trọng, nhất là ở CKTG. Chắc hẳn ai cũng nhớ trận đấu giữa EDG và đội tuyển Wildcard INTZ, Lee Sin của Revolta đã đá tan tành đội hình có cả Deft, Pawn, Clearlove.Tất nhiên năm nay đội hình của EDG không còn như trước, nhưng chắc chắn họ cũng không mạnh như đội hình năm ngoái khi mà trận tranh chức vô địch LPL mùa Hè 2017 là một trận đấu đầy sai lầm của cả hai bên, cảm giác như EDG thắng do RNG mắc nhiều sai lầm hơn vậy.
Liệu kk0ma có tiếp tục tạo ra phép màu ở CKTG năm nay? Do đó, EDG sẽ là một đối thủ cũng tạm gọi là xứng tầm với SKT ở CKTG sắp tới. Về phần ahq thì từ trước đến giờ họ luôn có thành tích không tốt lắm ở CKTG, thậm chí là còn kém khi mà năm ngoái gần như đội sổ và bị loại sớm. Westdoor không phải là một người có phong độ ổn định, chắc hẳn ai cũng nhớ việc ahq năm ngoái được An gánh bằng Jinx ra sao còn Westdoor khi đó đa phần là làm tròn vai của mình. Với danh tiếng là một đội top 3 của LMS nhưng cảm giác như ahq vẫn luôn thiếu hụt về mặt chiến thuật và sự gắn kết. Đã từ rất lâu rồi kể từ lần gần nhất họ giành chức vô địch LMS. Với tất cả những lý do trên, ahq sẽ là kèo dưới hoàn toàn và là một đối thủ dễ dàng đối với SKT. Tuy nhiên đó là nếu SKT T1 thi đấu với phong độ ổn định và không mắc những sai lầm khó chấp nhận!
Nhân tố bí ẩn: Peanut và Bang – Wolf
Trái lại với suy nghĩ của nhiều người, Huni không phải là mắt xích yếu của SKT mà chính là Peanut cùng bộ đôi đường dưới. Đúng, là cậu ta không chịu được áp lực và dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý nhưng dạo gần đây thì điều này đã được khắc phục, trận chung kết LCK mùa Hè mới đây chính là minh chứng. Khác với Huni, Peanut là nhân tố bất ổn nhất của SKT. Đến cả Blank ngày trước cũng chưa chật vật đến mức vậy, nếu theo dõi trong năm 2016 thì ta thấy cách đi rừng của Blank đã càng ngày càng được hoàn thiện hơn khi mà mùa giải đi đến hồi kết. Còn với Peanut thì từ cuối mùa xuân tới giờ cậu ta vẫn gặp khá nhiều vấn đề và không thể tìm được lối đi cho chính bản thân mình. Tất nhiên sự so sánh này hơi khập khiễng vì Blankcòn có Bengi dạy dỗ chỉ bảo trong một thời gian rất dai, còn Peanut lại không được như vậy. Nhưng dù sao sự dậm chân tại chỗ của Peanut vẫn là khó chấp nhận. Đối với trường hợp của Bang và Wolf thì không phải là do meta không phù hợp hay là họ gặp vấn đề về tâm lý mà có lẽ lý do chính là chưa luyện tập đủ hoặc là sự mệt mỏi sau nhiều năm thi đấu với áp lực căng thẳng. Khác với Peanut, chỉ cần luyện tập đủ lâu và cố gắng là bộ đôi này sẽ có thể tìm lại phong độ như cũ và lại tiếp tục thống trị khu vực đường dưới tại CKTG năm nay.
ahq e-Sports Club (ahq)
Có lẽ điều làm người ta để ý là cách viết tên của đội tuyển này, khá là khác người và ấn tượng. Bản thân tôi còn thấy khó chịu khi phải viết như vậy cơ. Giống như cái tên của họ thì sự nghiệp của ahq cũng vô cùng ấn tượng và khác người. Khu vực LMS đã, đang và sẽ luôn là một trong những nơi sản sinh ra nhiều đội tuyển đột biến và gây ấn tượng nhất. Tiêu biểu là Taipei Assassins – Những nhà vô địch CKTG mùa hai hay Flash Wolves, kẻ thí thần luôn gây rắc rối cho những nhà vô địch là SKT T1. Khác với hai đội kia, ahq mặc dù là một trong những đội hàng đầu của LMS nhưng danh tiếng của họ lại không có gì đặc biệt. Toàn là những thất bại tại giải quốc tế và phụ lòng mong chờ của người hâm mộ cũng như giới chuyên gia. Thành tích tốt nhất của họ là vào được tứ kết, năm đó cũng là năm mà đội hình ahq mạnh nhất. Nhưng đáng tiếc là họ lại gặp…SKT cũng trong thời kỳ mạnh nhất. Kết quả thì khỏi phải nghĩ. Chiến thuật của ahq thường là nhờ vào sức mạnh của đường trên Chen “Ziv” Yi hoặc Liu “Westdoor” Shu-Wei hay Wong “Chawy” Xing ở đường giữa. Nhưng năm ngoái ta thấy sự nổi lên của xạ thủ Chou “An” Chun-An với con bài Jinx, anh chàng này đã từng bắn tan đội hình của CLG với Doublelift hay cả C9 với Sneaky – tất nhiên là cũng chỉ được mộ vài trận thôi. Bài toán của ahq hiện giờ khá là khó giải vì Ziv giờ không được mạnh như trước còn hai người đi đường giữa thì mỗi người đều có một điểm yếu khá là…khó đỡ. Westdoorphối hợp ổn, kỹ năng tốt nhưng phong độ lại không ổn định. Chawy – anh chàng tới từ Singapore, thì ngược lại nhưng lại không thể phối hợp tốt với đồng đội. Khả năng cao là năm nay họ sẽ lại tiếp tục “trăm sự nhờ An“.
Đội hình ở CKTG năm ngoái của ahq. Đường dưới chắc là khu vực mạnh nhất của ahq trong năm nay, họ ổn định và không thua kém so với những người đồng nghiệp chút nào cả. Tuy nhiên vẫn khó nói về khả năng của họ khi gặp Bang – Wolf hay Meiko – iBoy lắm. ahq nhìn như kiểu học sinh kém toàn diện vậy, nhưng mà đây là so với hai đối thủ cùng bảng còn với người khác thì vẫn khá là…đáng nể. Tuy nhiên, LMS vẫn luôn là một khu vực đầy bất ngờ và nổi tiếng với các pha lật kèo nên chúng ta hãy cùng chờ xem.
Nhân tố bí ẩn: Ziv và Chawy/Westdoor
Bảng A là một bảng đấu với rất nhiều người đi đường giữa mạnh mẽ như Faker, Scout. Cả hai đều là những học trò xuất sắc do kk0ma dạy dỗ. Có lẽ chỉ có Westdoor là đủ sức để đương cự với Faker hay Scout. Chawynhư một người im hơi lặng tiếng vậy, mặc dù anh chàng này cực nổi ở GPL nhưng qua tới ahq thì dấu ấn của Chawy vẫn chưa có nhiều. Tuy nhiên cả hai người đi dường giữa của ahq đều rất mạnh mẽ và có kỹ năng vô cùng tốt nên chắc chắn là chúng ta sẽ được xem những pha xử lý vô cùng mãn nhãn.
Ziv là người đi đường trên có chất lượng ở khu vực LMS. Với Ziv thì anh chàng này là một trong hai thành viên hiếm hoi thi đấu ổn định của ahq. Kỹ năng của Ziv rất tốt nhưng Huni hay Mouse vẫn là những đối thủ khá là khó nhằn. Khả năng Ziv thắng có lẽ là 50/50. Nếu được sự trợ giúp từ Mountain – người đi rừng của ahq thì sẽ lên tầm 60-40. Nhưng mà Ziv gọi người thì chắc chắn hai người kia cũng sẽ gọi trợ giúp. Nhìn chung, ta vẫn khó mà biết được mèo nào sẽ cắn mỉu nào. Hãy cùng hi vọng ahq sẽ tạo ra được phép màu
Tổng kết và cảm nhận của người viết
Cả SKT và EDG đều có rất nhiều thứ phải chứng minh với khán giả cùng người hâm mộ. Họ phải bảo vệ được danh dự của mình, mà thực ra EDG là tìm lại danh dự mới đúng. SKT sẽ là bảo vệ danh dự (và danh hiệu nữa). Còn ahq, họ sẽ là “con ruồi” bị lọt vào giữa trận đánh nhau của “cặp trâu bò” là SKT cùng EDG. Có lẽ đội thứ tư sắp xuất hiện cũng sẽ có số phận tương tự. Với cá nhân tôi thì SKT là người cầm chắc chiếc vé tham dự tứ kết trong bảng đấu này còn ba đội còn lại sẽ tranh nốt vé cuối. Tuy nhiên CKTG mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra, chúng ta hãy cùng chờ xem nhé! Theo lienminh360