Viền màn hình mỏng
Một xu hướng mà chúng ta có thể thấy rất rõ trong năm nay đó là gần như hãng nào cũng làm máy tính viền màn hình mỏng. Dell trước giờ có XPS 13 viền mỏng bá đạo từ trước giờ, nay có thêm bản 2 trong 1. Samsung đã tung ra chiếc Notebook 9 với viền mỏng giống như thế hệ trước. Asus làm mới dòng ZenBook với chiếc ZenBook 3 Deluxe và đương nhiên cũng có viền mỏng, tương tự cho chiếc AsusPRO B9440 dành cho doanh nghiệp. Toshiba Portege XW20 cũng gia nhập cuộc chơi, trong khi Lenovo thì làm mới nguyên dòng ThinkPad X cũng bằng viền mỏng. HP thì có Spectre x360 mới 15' viền mỏng.
Đây là đợt 'xâm lược' chưa từng có của laptop viền mỏng. Nó cho thấy các nhà sản xuất giờ đã đủ trình độ, kinh nghiệm để tích hợp màn hình viền mỏng lên thiết bị của họ, nó cũng cho thấy panel loại này đã đủ rẻ để xuất hiện đại trà chứ không còn là một thứ cực kì đắt đỏ như nhiều năm về trước (không có chiếc laptop viền mỏng nào ra mắt ở CES 2017 mà có giá quá cao).
Xu hướng này thật tuyệt vì nó vừa giúp cho máy trở nên sexy hơn, đẹp mắt hơn và thoát khỏi các thiết kế truyền thống, vừa giúp thu gọn kích thước sản phẩm xuống. Bằng chứng là những máy 14' viền mỏng chỉ nhỏ bằng máy 13' mà thôi, tương tự máy 13' thì chỉ nhỏ như 12'. Viền mỏng không chỉ là một thứ làm ra cho vui, cho đẹp mà thật sự đem lại tác dụng tích cực cho trải nghiệm sử dụng của người dùng.
Cách đây ít hôm mình có dự báo là viền mỏng sẽ là xu hướng của smartphone năm nay. Đáng ra mình phải mở rộng nó thành xu hướng của PC luôn thì sẽ chính xác hơn, nhưng thật sự là mình không nghĩ các hãng PC chuyển mình nhanh chóng và có khả năng ứng dụng màn hình viền mỏng nhanh như vậy. Xin chúc mừng thị trường PC, bạn đã thoát ra được khỏi cái bóng viền màn hình dày cộp tồn tại qua nhiều chục năm rồi.
Thiết kế riêng
Không chỉ làm mới viền màn hình, các hãng PC năm nay còn chăm chút cho thiết kế laptop. Còn nhớ những năm trước, khi đọc tới tin tức về laptop thì mình rất chán vì gần như biết chắc máy đó sẽ chỉ là một cái hình chữ nhật màu đen bình thường. Chỉ có một số ít trở nên khác biệt, ví dụ như Dell với dòng XPS hay Asus với những chiếc ZenBook.
Ở CES năm nay thì sao? Mỗi hãng đều cố gắng làm cho máy của họ mang đặc điểm riêng so với phần còn lại của thị trường, không chỉ với các thiết bị đắt tiền mà ngay cả tầm trung cũng thế. Asus với thiết kế mỏng thuôn về phía trước và nhôm nguyên khối, Dell với kiểu máy đen vuốt nhọn dần, HP với cạnh cong ở đầu quen thuộc, Lenovo thì sử dụng viền màn hình 1 cạnh dày kèm logo để tạo dấu ấn. Laptop giờ không chỉ đơn giản là một cái máy tính nữa, nó trở thành một vật trang sức, một cách để thể hiện cá tính và 'gu' của bản thân. Khi chiều lòng được người dùng ở những khoảng này là các hãng đã thành công một bước trong việc thuyết phục người dùng mua máy.
Đây là chuyện bắt buộc phải làm trong bối cảnh thị trường PC đang bị bão hòa một cách nặng nề, người dùng quá khó phân biệt và chọn mua được sản phẩm mà họ yêu thích và cần thiết. Nếu các hãng máy tính không tự làm mới mình thì họ sẽ cùng nhau chết chung. Nếu 1 hãng làm mà các hãng khác không thay đổi thì những ai đang đứng yên cũng sẽ chết. Thế là tất cả mọi người đều phải cố gắng vận động để không bị bỏ lại phía sau. Và điều đó tốt cho cả thị trường và cho cả người tiêu dùng vì sẽ không còn tình trạng máy đẹp giá đắt, tất cả các hãng cùng đẹp, giá cùng cạnh tranh thì người dùng như anh em Tinh tế chúng ta hưởng lợi thôi.
Kaby Lake là chủ điểm, GPU NVIDIA tỏa sáng
Cuối năm ngoái cũng đã có một đợt máy tính chạy Kaby Lake - cũng là dòng CPU dành cho PC mới nhất của Intel - tuy nhiên số lượng chỉ lẻ tẻ chứ không nhiều. CES 2017 này mới là sự bùng nổ, đi đâu cũng thấy máy tính Kaby Lake, hãng nào giới thiệu máy tính mới cũng dùng Kaby Lake cho thiết bị của họ cả. Cũng đúng thôi vì chẳng ai lại muốn làm ra một cái máy thật tốt, thật đẹp nhưng bên trong lại chạy phần cứng cũ cả. Tuy sự khác biệt về hiệu năng giữa Skylake và Kaby Lake không nhiều nhưng nó vẫn sẽ ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của anh em đúng không nào?
Kaby Lake không chỉ mạnh hơn so với đời trước mà cái quan trọng là nó cải thiện khả năng xử lý đồ họa cũng như tăng thời gian chạy pin cho máy mà không cần phải tăng dung lượng của cục pin. Với những chiếc máy tính mỏng nhỏ nhẹ thì chuyện này rất đáng quan tâm vì không có nhiều không gian hay độ dày để bổ sung thêm dung lượng, vậy nên nhà sản xuất và Intel buộc phải tối ưu mức độ tiêu thụ điện của linh kiện để giúp kéo dài thời gian xài pin. Nhờ vậy mà năm nay laptop mỏng nhẹ pin 10-12 tiếng là bình thường, thậm chí có nhiều máy còn lên tới 15 tiếng nữa kìa. Rất ấn tượng, và mình rất thích điều đó.
NVIDIA là anh chàng góp sức nhiều nhất cho việc này bằng việc 'phổ cập' các GPU GTX 10 Series của mình ra nhiều laptop thuộc các phân khúc, mức giá khác nhau. Ngay cả chiếc Dell Inspiron 7000 giá chỉ 799$ cũng đã có GPU GTX 1050 để chơi game rồi, một lựa chọn yêu dành cho những game thủ không có hầu bao rộng rãi. Nhờ dòng 10 Series mà những chiếc máy tính thuộc phân khúc bình thường cũng có sức xử lý tốt, không còn giới hạn trong những chiếc gaming laptop dày, nặng, đắt tiền nữa.
Có công của Microsoft
Microsoft xứng đáng được khen cho tất cả những thay đổi tích cực nói trên vì hãng đã giúp định hình lại thị trường PC cũng như cách mà người dùng và OEM nhìn vào máy tính cá nhân. Kể từ khi Surface ra mắt năm 2012, Microsoft đã liên tục nghĩ ra cách thay đổi thiết kế, tính năng của laptop và các máy 2 trong 1. Sau một vài thế hệ thử nghiệm với thất bại cay đắng ăn cả vào lợi nhuận, hãng cũng tìm được một cách đúng đắn để khiến người dùng thích laptop trở lại với chiếc Surface Pro 3. Pro 4 tiếp nối thành công đó và cuối cùng Surface cũng đã đem lại tiền lời cho công ty.
Đặc điểm của Surface Pro 3 và 4 là gì? Thiết kế đơn giản nhưng vẫn sang, đẹp và có nét riêng, máy mạnh trong phân khúc, màn hình đẹp, độ phân giải cao, thêm vài tính năng phụ trội như bút hay unlock mống mắt. Gần hết những đặc điểm mà mình nói tới ở đây cũng xuất hiện trong loạt laptop ra mắt ở CES đấy thôi. Chỉ có vụ tính năng phụ trội là mỗi hãng tự chọn hướng đi cho riêng mình.
Không thay đổi là chết
Chắc chắn thị trường PC sẽ không thể nào phục hồi ngay được, nhưng ít nhất chúng ta đã bắt đầu có một cái gì đó để hi vọng. Ngay cả khi bạn không quan tâm các hãng PC sống chết ra sao thì bạn cũng là người hưởng lợi vì lần tới khi bạn đi mua máy tính, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bạn sẽ có những cái máy đẹp hơn, xịn hơn để mua, giá cả thì phải chăng hơn.
Sự thật là các hãng PC đã bắt đầu nghĩ về người dùng, cân nhắc xem cái gì có thể thật sự thu hút và mang lại giá trị cho khách hàng, hay nói cách khác làm cho người dùng muốn mua máy của mình một cách chủ động. Giá trị này tương tự như cái mà Microsoft đang theo đuổi: chuyển từ việc cần Windows sang muốn Windows và cuối cùng là yêu Windows.
Năm nay sẽ là năm tốt với thị trường PC...