Câu trả lời đơn giản nhất là vì Google muốn nắm toàn quyền kiểm soát cả phần cứng và phần mềm, giúp máy tốt hơn, nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì Nexus đã đủ làm rồi.
Giảm bớt rủi ro
Thực tế thì ở mảng di động, Google đã làm phần cứng từ rất lâu rồi: đội Nexus làm ra smartphone Nexus chạy Android thuần, Nexus Q, đội Pixel làm Chromebook, tablet, rồi những Chromecast, Daydream View VR. Tuy nhiên điểm chung của nó được gói gọn trong hai chữ: thử nghiệm. Đúng vậy, Google chưa bao giờ có tham vọng bán nhiều máy ở từng dòng sản phẩm, cái họ muốn thể hiện là cho người dùng biết phần mềm của hãng sẽ hữu ích và mạnh mẽ như thế nào khi chạy trên đúng phần cứng.
Như Google từng nói, phần cứng là điều gì đó rất khó, đó là nơi có sự khốc liệt quá cao và tính rủi ro cũng không phải thấp, nhưng Google nhấn mạnh nó rất quan trọng. Việc tạo nên những phần cứng “cây nhà lá vườn” sẽ cho Google cơ hội trình diễn những thứ vượt lên trên những gì mà đối tác của họ có thể làm, và quan trọng hơn hết, Google sẽ toàn quyền với số phận mình hơn.
Vì sao lại có từ số phận ở đây? Google rõ ràng rất yêu mến Samsung bởi những người Hàn Quốc đã khiến cho Android trở nên phổ biến và mạnh mẽ đến dường nào, nhưng với vai trò là nhà cung cấp phần mềm, Google không thể nào cứ phụ thuộc mãi và phụ thuộc hoàn toàn vào Samsung.
Giảm phụ thuộc vào Samsung
Google thừa hiểu phụ thuộc vào Samsung là ván bài mang tính rủi ro quá cao. Dẫu biết rằng dòng Galaxy của Samsung đã giúp cho Android trở thành nền tảng phổ biến số 1 trên hành tinh này, và là dòng máy Android bán chạy nhất, Google hưởng lợi không hề nhỏ từ điều này. Tuy nhiên, càng lúc Samsung càng muốn thoát ra khỏi cái bóng của Google, mỗi năm mỗi chút.
Những năm trước là nền tảng Smart Home cạnh tranh với Android Things/Nest, Tizen OS thai nghén, tiếp đến là Gear VR chơi với điện thoại Samsung, tự tạo trình duyệt riêng thay Chrome, email client thay Gmail hay app tin nhắn riêng, và năm nay cũng như sắp tới là các thiết bị nhà thông minh (như loa thông minh) có tích hợp trợ lý ảo riêng Bixby, không còn phụ thuộc vào Google Assistant. Thậm chí Samsung còn dành riêng một nút trên S8 để kích hoạt Bixby.
Đó mới chỉ là Samsung, Google còn một mối lo ngại khác lớn hơn nhiều đó là Amazon với Alexa. Các thiết bị nhà thông minh với sức mạnh của Alexa đã được khẳng định, thậm chí các thiết bị dòng Echo còn cho phép người dùng nghe nhạc qua Google Play Music, Spotify hay dẫn đường qua Google Maps, trước đây là còn có cả xem video trên YouTube nữa. Chừng đó để Google đủ hiểu khách hàng có thể không cần đến sản phẩm nhà thông minh của Google.
Tối ưu hoá
Nhìn cái chữ Apple-designed (được thiết kế bởi Apple) thì các bạn hiểu Apple kiểm soát và can thiệp từng thành phần một cách chặt chẽ như thế nào
Ở trên cho thấy những nguy hiểm khi Google không sớm tham gia vào làm phần cứng, còn bây giờ chúng ta hãy nói về những cơ hội mà Google có thể tìm kiếm.
*Kiểm soát theo chiều dọc (Vertical Integration): Đó là khi doanh nghiệp lựa chọn mở rộng bằng cách mua lại hoặc đảm nhận nhiều giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như Sony, hãng này sản xuất ra máy chơi game console là PlayStation nhưng cũng kiêm luôn studio phát triển game. Samsung cũng là một công ty vertical integration: họ làm điện thoại, trong đó tự làm pin, tự làm màn hình, tự làm chip xử lý, thậm chí cả camera và nhiều linh kiện khác.
Điển hình nhất cho mô hình Vertical Intergration - VT trong thế giới di động là trường hợp của Apple. Apple được biết đến là công ty kiểm soát chặt chẽ nhiều khâu trong quá trình làm smartphone, từ sản xuất chip xử lý, làm phần mềm, bán dịch vụ, phân phối, và mới đây là kiêm luôn làm chip đồ hoạ. Việc nắm toàn quyền kiểm soát khiến cho Apple biết cách tối ưu mọi thứ, đưa ra nhiều công nghệ tiên tiến và đẩy giới hạn của chính mình lên mức xa hơn. Và ví dụ rõ ràng nhất chính là iPhone X với con chip Apple A11 Bionic cùng TrueDepth System.
Tối ưu hoá phần cứng và phần mềm
Khi mà thế giới công nghệ tiến sang một giai đoạn khác, sức mạnh kiểm soát sẽ trở nên quan trọng hơn nữa. Những EarPods, đồng hồ thông minh, công nghệ thực tế tăng cường yêu cầu nhà sáng chế phải can thiệp và ảnh hưởng đến từng phần chi tiết. Việc kiểm soát từng thành phần có ý nghĩa rất khác so với hình thức lắp ráp những gì có sẵn để cho ra một sản phẩm đủ dùng. Hãy lấy ví dụ như thế hệ tiếp theo của Google Glass (nếu có), để làm chiếc kính này đòi hỏi Google phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng pin, vi xử lý, màn hình, camera và nhiều thứ nữa, bởi chỉ có kiểm soát chặt phần cứng thì Google mới đảm bảo nó tối ưu với phần mềm, các kết nối không dây.
Trở thành công ty phần cứng không phải đơn giản
Lời nói và hiện thực không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Bạn sẽ dễ dàng nói “chúng tôi là một công ty phần cứng!” nhưng việc bạn có thành công hay không lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Cứ nhìn vào HTC là sẽ hiểu, HTC làm điện thoại tốt và đẹp như thế nào thì chúng ta đều đã rõ, mình còn nhận thấy HTC là hãng rất sáng tạo ở việc thiết kế nên phần cứng smartphone, nhưng những quyết định tồi tệ từ việc chọn nhà mạng phân phối, chiến lược marketing có như không, tất cả khiến cho sản phẩm của HTC dần mất chỗ đứng.
Pixel thế hệ đầu cũng không khá hơn là mấy, đó vẫn là một chiếc smartphone rất tốt, nếu như không muốn nói là một trong những smartphone Android hoàn hảo nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khâu bán smartphone của Google chưa bao giờ là một điều gì đó đẹp đẽ kể từ thời Nexus cho đến nay, thậm chí mẫu Pixel 2 mới ra cũng đã hết hàng nhanh chóng và Google chưa thể giao đúng như thời hẹn. Đây cũng là lý do mà Google không đưa ra doanh số bán hàng với dòng Pixel, người thì nói 1 triệu, người thì nói 3 đến 5 triệu. Google Pixel nếu cứ như vậy thì sẽ đi theo vết xe đổ của Nexus đó là chỉ ở mức sản phẩm “thử nghiệm”, họ chẳng những không đe doạ hay ảnh hưởng lớn đến các đối thủ trực tiếp như Samsung, Apple, mà những Oppo, Xiaomi hay Huawei ở Trung Quốc cũng chẳng việc gì phải lo lắng khi mà Pixel bán ở những nước khác chưa xong huống hồ gì đến thị trường khó nhằn như Trung Quốc.
Tuy nhiên không vì thế mà Google bỏ cuộc, họ phải tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới công nghệ đang dần chuyển sang trang mới:
smartphone không phải là số 1 nữa, giờ nó sẽ phải chia sẻ với smartwatch, loa thông minh, đèn thông minh, xe thông minh và những thứ trong ngôi nhà thông minh. Google hiểu điều đó, Apple hiểu điều đó, Samsung hiểu điều đó, và tất cả cũng đều hiểu những sản phẩm tốt nhất sẽ đến từ sự tối ưu giữa phần cứng và phần mềm.
Kẻ chiến thắng sẽ tìm ra cách làm mọi thứ theo đúng như ý mình: phần cứng, phần mềm, marketing, mọi thứ. Và để làm được điều đó, bạn buộc phải xắn tay áo lên và trực tiếp nhảy vào cuộc chơi. Apple đã làm và đã trở thành tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới, và giờ cơ hội tiếp theo đang mở ra cho chính Google.
Theo Wired