Hôm thứ Tư vừa rồi bọn mình có dịp ra BKAV nói chuyện với anh Quảng về Bphone 2017. Mình có gửi tới anh Quảng mấy câu hỏi mà anh em hỏi nhiều nhất dựa trên topic này, cả về Bphone lẫn về cá nhân anh CEO của BKAV. Câu hỏi xoay quanh việc BOS giống iOS, hỗ trợ của BKAV với BOS ra sao, giá bán của BPhone 2017 vì sao đắt hơn so với những chiếc máy cùng cấu hình, cũng có vài câu hỏi cá nhân nữa. Mời anh em xem.
Tại sao giao diện của BOS giống với iOS?
Anh Quảng trả lời rằng BKAV có học hỏi Apple về cách họ làm giao diện cũng như thiết kế nói chung. Dựa trên những gì họ tìm hiểu được, BKAV rút ra các nguyên lý quan trọng rồi áp dụng nó cho việc tạo ra BOS. Anh Quảng không cho phép các cấp dưới của mình copy y chang vì như vậy là không tốt, anh chỉ cho phép học và tự nghĩ cách áp dụng nó cho sản phẩm của công ty.
Anh Quảng cũng nói là những thứ học được từ iOS hoá ra cũng là những nguyên tắc thiết kế chung mà cả thế giới đều sử dụng để tạo ra một giao diện dễ dùng nhất có thể. Như lời anh nói, anh học hỏi từ những gì tốt nhất của “cả nhân loại” chứ không chỉ riêng Apple.
Vì sao giá BKAV cao hơn so với những chiếc điện thoại khác cùng cấu hình?
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới quyết định này là do BKAV định vị Bphone ở phân khúc cận cao cấp. Mức giá này là để người dùng nhận biết về giá trị và vị trí của thiết bị trong thị trường, nó cũng mở đường để sau này nếu BKAV có làm máy cao cấp thì vẫn có thể bán ở mức giá cao hơn mà không gặp phản ứng tiêu cực về mặt giá.
Anh Quảng dẫn ra ví dụ của Xiaomi và Oppo, rằng hai hãng này đã bán máy giá rẻ / giá tầm trung ngay từ đầu nên khi họ ra mắt những sản phẩm cao cấp, họ sẽ khó bán hơn và khó định giá hơn. Chỉ tăng 300.000 nghìn đồng thôi cũng có thể khiến một sản phẩm cao cấp mất khách do người tiêu dùng đã quen với kiểu định giá cũ.
Bphone sẽ được hỗ trợ phần mềm ra sao?
Anh Quảng nói Bphone 1 có tổng cộng 23 lần update phần mềm, tinh thần của anh là khi người dùng có vấn đề thì BKAV sẽ hỗ trợ hết mình vì anh ghét làm những gì dở dang. Nhưng đây chủ yếu là những bản cập nhật sửa lỗi và vá lỗ hổng bảo mật, chứ không phải là các bản nâng cấp Android lớn (ví dụ: từ Android 6.0 lên 7.0).
Giải thích cho vấn đề này, anh Quảng nói BKAV nhìn vào BOS như là một hệ điều hành riêng được xây dựng trên nền Android, cũng giống như Android xây dựng trên nền Linux. Nếu như BKAV cảm thấy BOS vẫn tốt và đáp ứng được nhu cầu của người dùng thì họ sẽ không vội nâng cấp lên bản Android mới hơn. Tất nhiên, BKAV vẫn cam kết hỗ trợ người dùng nhanh nhất và mới nhất có thể.
Vì sao Bphone 2017 Gold sẽ chỉ được bán tại nước ngoài?
Do giá của sản phẩm cao là một, và hai là do mọi người sẽ dồn sự chú ý vào chiếc Bphone Gold mà bỏ qua Bphone thường, vốn mới là chiếc mà BKAV tự tin hơn trong việc kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Anh Quảng lo ngại rằng những lời bàn luận của mọi người sẽ chỉ xoay quanh Bphone Gold và bỏ rơi chiếc máy còn lại.
Cá nhân anh Quảng có sử dụng Bphone làm máy chính?
Kể từ khi Bphone 1 bắt đầu có bản chính thức, anh Quảng đã sử dụng nó làm chiếc điện thoại chính của mình. Anh xài bản màu đen và theo tin nhắn còn lưu lâu nhất mà bọn mình được thấy là từ tháng 8 năm 2015. Danh sách cuộc gọi hay SMS và lịch sử trình duyệt cũng rất dài, bọn mình đã được thấy tận mắt. Tất nhiên nội dung này riêng tư nên bọn mình không chụp hình lại.
Và trong suốt quá trình Bphone 2017 phát triển, anh cũng thường xuyên test xem máy đã ngon chưa. Tối hôm qua anh ấy vừa mới di chuyển data từ chiếc Bphone 1 của anh sang chiếc Bphone 2017 bản hoàn chỉnh và nó cũng sẽ trở thành chiếc máy chính của anh trong thời gian tới.
Vì sao anh Quảng nổ nhiều quá vậy?
Ảnh cười và nói rằng mọi chuyện xuất phát từ vụ án các hệ thống tại Mỹ và Hàn Quốc bị hacker xâm chiếm, quấy rối hồi năm 2015. Khi đó BKAV đã nhảy vào giúp họ và tìm ra được nhóm hacker này, đồng thời xâm nhập thẳng vào server của hacker để ngăn chặn các vụ tấn công. Anh Quảng xem đây là một cơ hội để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn nên sau đó có nói nhiều về cách mà BKAV sẽ đem Việt Nam ra trường quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng.
Sau vụ này, anh cũng bị mấy bác bên các Bộ hỏi thăm đủ điều, và kể từ đó anh được đặt biệt danh là Quảng “nổ”. Nhưng anh Quảng không xem đây là điều nghiêm trọng, anh vẫn xem đây là một biệt danh vui. Tất nhiên cả anh và BKAV đều sẽ có những cách tiếp cận phù hợp hơn với cộng đồng trong thời gian tới và lắng nghe góp ý của mọi người để cải thiện.
BKAV có làm tiếp Bphone 3 không?
Anh Quảng không nói rõ về vấn đề này, nhưng anh nói là BKAV vẫn sẽ cố gắng tiếp tục làm Bphone trong phạm vi có thể và giờ anh sẽ tập trung cho việc bán Bphone 2017 trước.
Cái “Chất” mà anh nói tới ở đây là gì?
Cái “Chất” chính của BKAV nhắc tới khi giới thiệu Bphone 2017 thì có rất nhiều, từ thiết kế, màn hình, camera, khả năng chơi nhạc... Nhưng tổng kết lại, cái “chất” lớn nhất nằm ở trải nghiệm. BKAV tạo ra Bphone với mục tiêu làm cho người dùng sử dụng máy với độ hài lòng cao nhất có thể, “sướng” nhất có thể. Còn cái “chất” của những thứ về phần cứng, thiết kế, cơ khí... thực chất là nhiệm vụ của nhà sản xuất, để nhà sản xuất lo, người dùng không phải bận tâm gì nữa.
Sẵn đây bọn mình cũng góp ý cho anh Quảng một số thứ về Bphone 2017. Bphone 2017 là một sản phẩm tốt, nhưng nó đang phải gánh quá nhiều trọng trách: vừa phải là sản phẩm ngon, vừa phải có trải nghiệm tuyệt, vừa phải chứng minh là Việt Nam cũng tự làm được điện thoại xịn, vừa có nhiệm vụ kinh doanh trong đó. Việc gánh quá nhiều trách nhiệm sẽ khiến BKAV phân tâm khỏi những mấu chốt chính của việc kinh doanh smartphone, và anh Quảng cần tập trung hơn vào những thứ có thể bán được tới tay người dùng trước.
Bọn mình cũng góp ý rằng BKAV cần nghiêm túc hơn trong khâu hình ảnh, truyền thông và quan hệ với cộng đồng. Bằng cách minh bạch hơn, rõ ràng hơn, sử dụng các hình ảnh đẹp hơn, trau chuốt hơn, BKAV mới có thể tạo được lòng tin với người tiêu dùng, và chỉ khi có lòng tin thì họ mới chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm về xài. BKAV nếu không tự làm được thì nên thuê các đơn vị tốt để giúp họ trong những khâu này, vì một sản phẩm tốt mà bị hỏng vì những cái lặt vặt xung quanh thì không đáng.