Dùng chung công nghệ màn hình là chuyện bình thường thôi
Chuyện các hãng khác nhau sử dụng chung một công nghệ màn hình trong sản phẩm là chuyện rất bình thường hiện nay. Điển hình của việc này là Apple sử dụng tấm nền của AMOLED (hay gọi theo cách của họ là Super Retina) do Samsung sản xuất với công nghệ tương tự như các dòng điện thoại Galaxy hay tất cả các TV OLED hiện nay đều sử dụng màn hình WOLED do LG sản xuất. Gần đây thì cộng đồng cũng xôn xao về chuyện Samsung sẽ bắt đầu bán TV sử dụng tấm nền LCD của đối thủ đồng hương LG.
Thiết bị của nhiều hãng lớn như Apple, Sony, Dell,... đều sử dụng tấm nền từ hãng thứ 3
Việc sử dụng những tấm nền từ đối tác thứ 3 cho phép nhà sản xuất thiết bị (TV, điện thoại, laptop,...) tiết kiệm được một phần chi phí và thời gian để nghiên cứu và phát triển tấm nền, để tập trung vào những yếu tố khác. Nó cũng giống như các hãng sản xuất laptop chỉ cần nghiên cứu kiểu dáng và tính năng, CPU thì để Intel với AMD lo vậy.
Khi chi phí được tiết kiệm thì dĩ nhiên nó cũng sẽ tối ưu lợi nhuận cho nhà sản xuất, trong khi người dùng cũng hưởng lợi vì giá thành sản phẩm rẻ hơn. Còn hãng chuyên sản xuất tấm nền màn hình cũng sẽ bán được nhiều hơn (so với tự sản xuất tự sử dụng), dẫn đến doanh thu cao hơn, từ đó có nhiều tiền đầu tư công nghệ mới hơn và sản phẩm sẽ tốt hơn. Đây là tình huống mọi bên đều có lợi. Trừ khi mở ra một công nghệ đột phá như WOLED của LG hay sắp tới là Micro LED (đang được theo đuổi bởi Samsung, Apple, Sony,...) thì việc đầu tư cải thiện công nghệ đã quá phổ biến để cạnh tranh với những thương hiệu vốn đã chiếm lĩnh thị trường trước đó là điều không có lợi về mặt kinh doanh (trừ khi đánh vào phân khúc giá rẻ như các hãng của Trung Quốc).
Tuy nhiên tấm nền không quyết định hoàn toàn chất lượng hình ảnh
Nếu bạn để ý, từ đầu bài đến giờ mình nhắc đến 'tấm nền màn hình' chứ không phải 'màn hình'. Bởi lẽ màn hình được tạo từ 2 yếu tố là 'tấm nền' và 'thuật toán xử lý hình ảnh'. Sở dĩ chúng ta luôn nghĩ tấm nền quyết định chất lượng hình ảnh là bởi vì nó xuất hiện rất nhiều trong những quảng bá về sản phẩm hiện nay, chẳng hạn như TV 'OLED', điện thoại Galaxy với màn hình 'AMOLED' hay điện thoại XYZ với màn hình 'IPS'.
Màn hình AMOLED không đồng nghĩa với việc màu sắc sẽ rực rỡ quá mức
Tấm nền có những thông số cụ thể để giúp các hãng sản xuất quảng bá sản phẩm của mình và gây ấn tượng đến người tiêu dùng, chẳng hạn như độ sáng, độ tương phản, độ sâu màu đen, góc nhìn,... Đây là những yếu tố tuyệt đối mà bạn có thể dễ dàng so sánh giữa tấm nền này với tấm nền khác, giữa tấm nền cao cấp và tấm nền phổ thông. Trong khi đó thuật toán xử lý hình ảnh là yếu tố rất mơ hồ, bởi ảnh hưởng của nó tuy lớn nhưng rất khó đưa ra số liệu tuyệt đối để chứng minh.
Thuật toán xử lý mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hình ảnh cuối cùng
Tấm nền có rất nhiều hãng bán, nhưng thuật toán xử lý hình ảnh thì gần như không có hãng nào chịu chia sẻ cả. Đây là điều hiển nhiên vì với cùng một tấm nền, thuật toán xử lý sẽ quyết định rằng thiết bị của bạn sẽ tận dụng được bao nhiêu phần khả năng của nó. Nói một cách dễ hiểu là một màn hình có thể hiển thị 1 tỷ màu nhưng thuật toán xử lý chỉ đáp ứng được 16,7 triệu màu thì cuối cùng bạn chỉ thấy được 16,7 triệu màu thôi.
Đối với một số thiết bị như điện thoại hay laptop thì thuật toán xử lý hình ảnh tương đối cơ bản, với hiệu ứng cân chỉnh màu được áp toàn khung hình và thường được đảm nhiệm bởi bộ điều khiển tấm nền và GPU. Chẳng hạn việc thay đổi các thông số như độ tương phản, độ sáng hay độ bảo hoà bằng phần mềm thực chất là bạn đã thay đổi thuật toán xử lý hình ảnh để giúp nó tái tạo màu theo ý mình thay vì ý đồ ban đầu của nhà sản xuất.
Nhờ bộ xử lý hình ảnh chuyên biệt nên xem phim trên TV thường cho chất lượng tốt hơn các thiết bị khác
Riêng với TV thì việc xử lý hình ảnh phức tạp hơn rất nhiều. Không chỉ đơn thuần là áp thuật toán xử lý lên toàn khung hình, các dòng TV trung và cao cấp còn có thể phân tích khung hình để tối ưu màu sắc/độ nét cho từng loại chủ thể, chẳng hạn như da người, lá cây, bầu trời,... Chính thuật toán xử lý phức tạp này mà các TV luôn có bộ xử lý hình ảnh chuyên biệt (chẳng hạn X1 Extreme của Sony) và thường sẽ giúp hình ảnh trở nên 'sống động hơn'. Vâng, sở dĩ mình nói sống động là vì bản chất của TV là xử lý hình ảnh sao cho nịnh mắt nhất, còn độ chính xác thì bạn cứ xác định là sai bét nhè. Và đó cũng là lý do mà TV thường có độ trễ tín hiệu (khoảng thời gian từ lúc bạn thao tác đến khi nó xuất hiện trên màn hình) cao hơn nhiều so với màn hình máy tính.
Và nhắc đến việc nịnh mắt, bạn có biết rằng:
Tất cả các màn hình hiện nay đều cân chỉnh theo ý đồ của nhà sản xuất
Chế độ màu sắc mặc định của các thiết bị hiện nay thực chất được tạo ra bởi ý đồ của nhà sản xuất. Nhiều người cho rằng màn hình của AMOLED của Samsung tái tạo màu sắc rực rỡ một cách thái quá, nhưng thực chất cái phong cách 'cường điệu' màu sắc đó nó được hãng điện tử Hàn Quốc sử dụng trên toàn dải sản phẩm của mình vì họ cho rằng nó thu hút người dùng nhất. Đơn cử là iPhone X sử dụng cùng công nghệ màn hình AMOLED như điện thoại Galaxy nhưng màu sắc thì dịu hơn. Trong khi đó TV Samsung dù sử dụng tấm nền của hãng nào đi chăng nữa (Sharp, AUO, LG hay chính Samsung) thì đều sử dụng chung một phong cách màu với sự khác biệt là rất ít.
Các dòng TV phổ thông có rất ít tuỳ chọn về cân chỉnh màu khả năng tấm nền hạn chế
Dĩ nhiên, ý đồ của nhà sản xuất không chỉ giúp các sản phẩm của mình có hình ảnh bắt mắt nhất mà còn là để che giấu nhược điểm của phần cứng. Chẳng hạn như các tấm nền LCD hiện nay thường được cân với độ sáng rất cao, nhằm tạo cảm giác độ tương phản tốt hơn vì chúng không thể hiện được màu đen sâu như OLED. Đối với những dòng TV phổ thông, tuỳ chọn cân chỉnh của người dùng cũng bị hạn chế rất nhiều do nhà sản xuất lo ngại việc chỉnh quá tay dẫn đến một số hiện tượng không mong đợi như banding (những dải màu hiện rõ trong những vùng đáng ra phải chuyển màu một cách mượt mà). Ngược lại các mẫu TV và điện thoại cao cấp thường có rất nhiều tuỳ chọn cân chỉnh vì khả năng của phần cứng tốt hơn.
Lời kết
Tóm lại thì việc sử dụng chung một loại tấm nền không đồng nghĩa với việc chất lượng hình ảnh của những thiết bị cũng sẽ giống nhau, nó còn phụ thuộc vào yếu tố xử lý của từng nhà sản xuất. Thậm chí ngược lại, nhiều tấm nền của các hãng khác nhau sử dụng trên cùng loại thiết bị vẫn có thể được đưa về một chuẩn hình ảnh (tương đối) giống nhau.
Chính vì vậy mà quan điểm chất lượng hình ảnh phụ thuộc hoàn toàn vào tấm nền là không chính xác, chúng ta phải cân nhắc thêm những yếu tố thuật toán/phong cách xử lý hình ảnh của hãng sản xuất nữa. Mà theo kinh nghiệm của mình, chuyện màu sắc quá rực rỡ thường ít khi là lỗi, đó là tính năng của nhà sản xuất