Được biết Raja Koduri sẽ giữ chức vụ phó chủ tịch kỳ cựu và sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhóm phát triển công nghệ xử lý đồ họa và nhân xử lý (Core & Visual Computing) vừa mới được Intel thành lập. Với vai trò vừa là giám đốc kiến trúc, vừa là quản lý thì Intel giao trọng trách cho Raja mở rộng mảng kinh doanh GPU của mình, đặc biệt là với kế hoạch tái xuất trong mảng GPU cao cấp dành cho người dùng cuối.
Thị trường vi xử lý đồ họa này hiện chỉ còn 2 tên tuổi lớn là Nvidia và AMD. Trong khi đó Intel thực chất đã từng phát triển vi xử lý đồ họa từ cách đây gần 20 năm với thế hệ đầu tiên là Intel i740 (Auburn), đến năm 2009 Intel từng thử sức với dự án Larrabee nhưng hủy vào phút chót.
Đến thời điểm hiện tại, công nghệ GPU của Intel chỉ còn xuất hiện dưới dạng iGPU tức vi xử lý đồ họa tích hợp trên các dòng CPU như Core I và nếu anh em tìm kiếm một chiếc card đồ họa gắn mác Intel còn được bán trên thị trường thì cũng chỉ có Xeon Phi - một dòng card thiên về năng lực tính toán song song.
Mặc dù Intel cũng có giải pháp đồ họa dành cho một nhóm đối tượng người dùng riêng như Xeon Phi nhưng công ty lại không có một giải pháp GPU nào dành cho các phân khúc khác ngoài các vi xử lý đồ họa tích hợp thế hệ mới nhất là GT4 trên Skylake, Kaby Lake và Coffee Lake. Nếu tìm giải pháp GPU giá rẻ thì người dùng bình thường có thể tạm chấp nhận được với iGPU nhưng nếu ở phân khúc từ trung cấp trở lên thì Intel không có 'đồ chơi' để cạnh tranh với đội xanh hay đội đỏ. Vì vậy với việc thuê Raja thì Intel cũng thể hiện luôn một chiến lược mới đó là mở rộng kinh doanh 'trải dài trên một loạt các phân khúc máy tính,' theo cách gọi của Intel.
Như vậy khả năng cao Intel sẽ trở lại với cả mảng vi xử lý đồ họa chuyên nghiệp và vi xử lý đồ họa dành cho thị trường phụ - cũng chính là thị trường dành cho người dùng cuối với những sản phẩm OEM mà chúng ta vẫn thường thấy của ASUS, MSI hay Gigabyte. Đối với thị trường card đồ họa chuyên nghiệp, Intel vẫn đối đầu với Nvidia lâu nay nhưng không mấy thành công, riêng thị trường card dành cho người dùng cuối thì đây hẳn là mảnh đất mới đối với Intel. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Intel sẽ tung ra sản phẩm như thế nào, hãng chỉ gọi chung chung là 'giải pháp đồ họa', liệu sẽ có một chiếc card như dòng GeForce GTX của Nvidia chăng?
Intel vừa là bạn vừa là đối thủ của Nvidia, cả 2 đang cung cấp những công nghệ hỗ trợ cho nhau nhưng cả 2 đều muốn mở rộng biên độ lợi nhuận. Trong khi Nvidia đang nhắm đến thị trường vi xử lý máy chủ vốn là thị trường Intel đang đạt lợi nhuận rất cao thì Intel ngược lại cũng muốn hành động ngay và luôn trước sự bành trướng của Nvidia khi đội xanh đầu tư rất mạnh vào mảng vi xử lý hiệu năng cao cũng như thị trường vi xử lý dành cho các ứng dụng deep learning hay AI. Qua thời gian, Nvidia cũng đã dần bớt phụ thuộc vào Intel khi gần đây, hãng đã công bố công nghệ kết nối NVLink cho phép truy xuất dữ liệu nhanh hơn từ bộ nhớ đệm giữa Nvidia GPU và IBM Power9 CPU. Trong khi đó, việc phát triển GPU cao cấp của riêng mình sẽ cho phép Intel thu hút được các nhà phát triển đang gắn bó với nền tảng vi xử lý đồ họa của Nvidia và về lâu dài tiềm năng sẽ là khách hàng của Nvidia đến từ các mảng kinh doanh tiêu dùng và chuyên nghiệp.
Nói đến đây thì sẽ rất ngạc nhiên nếu Intel không phát triển một dải sản phẩm từ trên xuống dưới, bao gồm cả GPU tầm trung - một thứ sẽ nằm trong phân khúc của AMD Polaris 10 (Radeon RX570/580) và Nvidia GP106 (GeForce GTX 1060 hay Quadro P2000) chẳng hạn. Tính đến thời điểm này, theo những gì Intel công bố thì hãng đang tập trung vào GPU cao cấp và đây là xuất phát điểm phù hợp để Intel nổ phát súng đầu tiên trước Nvidia.
Sự chuyển dịch của Intel cũng phần nào thể hiện rằng nỗ lực của hãng đối với GPU tích hợp trong thế giới GPU không phải là hướng đi đúng đắn. Trong phần lớn thời gian, Intel tỏ ra bảo thủ với chiến lược GPU tích hợp khi tận dụng triệt để kiến trúc GT2 trên nhiều thế hệ CPU. Chỉ đến thế hệ Haswell ra mắt năm 2013, Intel mới giới thiệu GPU tích hợp thế hệ GT3 và sau này là GT4 kể từ dòng Skylake. Tuy nhiên, không nhiều đối tác mặn mà với các giải pháp GPU này ngoại trừ Apple với MacBook và thậm chí đến hiện tại nhiều OEM lâu năm của Intel vẫn không khai thác các GPU cao cấp của Intel như Iris Pro mà vẫn tìm đến các giải pháp riêng biệt của AMD hay Nvidia. Kết quả là Intel đã bỏ ra cả thập niên chỉ để tạo ra những con CPU tích hợp giải pháp đồ họa với chi phí chấp nhận được, riêng phân khúc cao cấp thì Intel không có giải pháp thật sự thỏa mãn.
Gần đây với việc hợp tác với AMD đưa nhân đồ họa Vega lên các CPU thế hệ mới, cụ thể là Kaby Lake-G, Intel đang trở lại, liều lĩnh hơn nhưng có lý. Biến AMD từ đối thủ thành đối tác, Intel đặt đội đỏ sang một bên để đồn lực cạnh tranh với đội xanh. AMD với các APU Ryzen Mobile dùng kiến trúc Zen mới dù đã được cải tiến để đạt hiệu năng cân bằng hơn giữa tính toán và đồ họa nhưng những kết quả benchmark mới nhất cho thấy các APU này vẫn chưa thể bắt kịp Intel về mặt hiệu năng đỉnh. Thêm vào đó thị trường PC vốn đã trưởng thành và định hình rõ về các phe, AMD vs Intel trong mảng CPU, AMD vs Nvidia trong mảng GPU thì với quyết định gia nhập thị trường GPU rời, Intel sẽ làm mất cân bằng cán cân giữa 2 đội đỏ và xanh. Và mặc dù AMD có kinh nghiệm hơn Intel về GPU nhưng Intel lại có tiềm lực tài chính và tài nguyên sản xuất lớn hơn để có thể đấu với Nvidia. Không chắc AMD có khó khăn trong thời gian tới hay không nhưng với những nỗ lực ngày một tăng của Intel và việc có được Raja Kodari thì AMD sẽ có rất nhiều việc phải làm.
Trong khi đó về khía cạnh kĩ thuật thì một câu hỏi lớn được đặt ra là Intel liệu sẽ dùng kiến trúc nào cho GPU rời của mình? Mặc dù có hiệu năng không cao nhưng vi kiến trúc Intel Gen9.5 được GPU HD Graphics/UHD Graphics và Iris Plus tích hợp trên Kaby Lake và Coffee Lake sử dụng lại sở hữu nhiều tính năng và khả năng rất ấn tượng. Trên thực tế trước khi AMD ra mắt kiến trúc Vega thì Gen9.5 của Intel được xem là kiến trúc GPU trên PC tiên tiến nhất khi hỗ trợ đầy đủ các tính năng đồ họa hơn cả kiến trúc Pascal của Nvidia. Vì vậy về mặt tính năng thì Gen9.5 đã đủ cơ sở để Intel phát triển lên.
Vấn đề là liệu Gen9.5 và các thế hệ sau có thể được tăng tiến về hiệu năng để đạt được cấp độ cần thiết đối với một GPU rời hiệu năng cao? Về khía cạnh kiến trúc, không khó để thiết kế một kiến trúc GPU nhỏ nhưng sẽ rất khó để tạo ra một kiến trúc có thể được tăng tỉ lệ về hiệu năng với nhiều đơn vị xử lý trên một diện tích die chỉ vào khoảng 400 mm2. Gen9.5 hiện tại không thể làm được điều này, nó về cơ bản vẫn là một nhân xử lý đồ họa cỡ nhỏ theo thiết lập GT4 trên các CPU Kaby Lake hay Coffee Lake và kích thước của nó vẫn thua xa so với kích thước tiêu chuẩn của GPU rời thông thường.
Intel vẫn chưa cho biết khi nào hãng sẽ tung ra những GPU rời cao cấp nhưng nếu như Intel muốn thiết kế một con GPU mới hoàn toàn dưới sự dẫn dắt của Raja thì có thể sẽ mất hơn 4 năm và thời điểm mà chúng ta có thể nói về 'card đồ họa rời Intel' khả năng là 2022. Nhưng nếu dự án trên đã được Intel khởi động trước khi mời Raja về làm việc thì thời điểm này có thể sẽ gần hơn. Nhìn những gì Nvidia đã làm trong những năm gần đây thì Intel hẳn sẽ không muốn chần chừ thêm phút nào nữa.
Về phần Raja Koduri, ông sẽ nhận trọng trách lớn khi lãnh đạo một bộ phận phát triển mới. Intel chọn Raja bởi kinh nghiệm bên trong lẫn bên ngoài AMD, cụ thể hơn là với vi xử lý đồ họa tích hợp cho cả AMD lẫn Apple (Raja từng một lần rời AMD gia nhập Apple sau đó trở lại vào năm 2013). Sản phẩm gần nhất mà Raja góp mặt chính là kiến trúc Vega, con bài đầy hứa hẹn giúp AMD trở lại cuộc đua với Nvidia. Sự thành bại của Vega không phải là trách nhiệm đơn lẻ của một cá nhân như Raja nhưng với tiềm lực của mình, Intel với sự phục vụ của Raja sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn cho lần ra mắt GPU rời cao cấp đầu tiên trong tương lai. Ngày đó sẽ đến, khi nào chưa rõ nhưng chúng ta có lý do để chờ đợi!
Theo: AnandTech