Bạn có bao giờ nghĩ tới việc một ngày nào đó bạn sở hữu được cuốn album kỷ niệm đầy những hình ảnh sống động như thể người thân, bạn bè và quá khứ đang ở ngay trước mặt mình? Thế giới đã có một công nghệ giúp chúng ta hiện thực hóa ước mơ này và công nghệ đó sẽ phổ biến trên toàn cầu một ngày không xa.
Chương trình 'mẹ và bé' bằng video hologram
Tháng 8/2015, nhà thiết kế nội thất, nữ diễn viên Ashley Martin Scott ở Los Angeles tham gia casting cho một chương trình 'mẹ và bé'. Cô không biết gì nhiều về nó, chỉ biết nó có liên quan tới việc để lại thông điệp cho con bạn trong tương lai.
Đó là một chương trình của 8i studios ở Culver City, California (Mỹ), trong đó Ashley và em bé 4 tháng tuổi Reese của cô sẽ được biến thành hologram.
Hologram là một hình ảnh trên bề mặt phẳng với cách bố trí cho phép bạn nhìn được ảnh nổi 3 chiều của các chi tiết ở mọi góc độ. Một ví dụ dễ thấy về hologram chính là các loại tem chống giả ở Việt Nam: mỗi góc nhìn cho ra một chi tiết và màu sắc nhất định.
Kỹ thuật chụp ảnh hologram là holographic hay kỹ thuật toàn ảnh cho phép tái tạo lại hình ảnh không gian 3 chiều của vật thể trong một chùm tia laser. Kỹ thuật này giúp chúng ta nhìn thấy các vật thể khi chúng không còn ở vị trí cũ nữa. Bạn có thể quan sát những hình ảnh nổi 3 chiều lơ lửng trong không khí (không có màn chiếu) mà không cần thêm kính chuyên dụng.
Hologram của studio 8i trong bài viết này là các video 3 chiều được tạo ra bằng phần mềm chuyên dụng cho phép người xem tương tác được với chúng. Chương trình 'mẹ và bé' là một ý tưởng cho các nội dung liên quan trong thư viện hologram mà 8i đang xây dựng.
Khi Ashley nhìn lại hologram đầu tiên của cô bằng tai nghe thực tế ảo (VR), cô òa khóc vì xúc động. Đó là 'khoảnh khắc bước ngoặt' của một công ty mới gia nhập thị trường, theo giám đốc điều hành 8i studio.
Công nghệ sau hậu trường
Sân khấu của 8i là một màn hình xanh khổng lồ trên trần cao với 41 máy quay tối tân hơn các loại đang có trên thị trường được dùng để ghi hình Ashley, bé Reese, các chú hổ và lạc đà Nam Mỹ llma, các ngôi sao bóng rổ NBA, các tay đấm, nam diễn viên Jon Hamm.
Sau khi quay, dữ liệu thô sẽ qua một quá trình xử lý kỹ thuật cao mà 8i và các công ty khác đang cố gắng hoàn chỉnh khi nội dung 3 chiều đang nổi lên như 'điều lớn kế tiếp' (next big thing) của video. Cụ thể là hình ảnh từ các máy quay sẽ được gửi tới máy tính và 8i sẽ dùng phần mềm chuyên dụng của mình để lấp đầy khoảng trống dữ liệu và chỉnh sửa video, rồi xuất nó thành một ảnh nền mờ (vignette) video holographic ngắn. Các ảnh này có thể xem được bằng một tai nghe VR hoặc ứng dụng di động Holo của 8i.
Với Ashley, trải nghiệm hologram của cô tại 8i mang tính cảm xúc hơn là kỹ thuật. Khi được xem các hologram thành phẩm, cô đã bật khóc vì sự chân thật của chúng. Các video 3 chiều này cho phép bạn đi vòng quanh một đối tượng kỹ thuật số, lại gần, nhìn kỹ và tương tác với nó trong giới hạn nhất định.
Ashley nhớ lại lúc vươn tay ra ngoài như đang ôm lấy con và chạm vào đôi tay, đôi chân ảnh ảo của con, cô biết là cô đang di chuyển chúng nhưng chỉ là trong thế giới ảo. Cảm nhận bước lùi lại và nhìn xuống dưới vào video 3 chiều của bé Reese như thể một đứa bé thật rất kỳ lạ với Ashley. Thời gian chăm sóc một đứa trẻ mới sinh trôi rất nhanh nên với cô 'việc có thể trở lại điều đó (những khoảnh khắc đã qua) thật xúc động'.
Trả lời phỏng vấn the Verge, CEO 8i Steve Raymond cho biết đó là dự án của công ty những ngày đầu tiên, khi họ vẫn chưa đạt đến trình độ công nghệ tốt như dự kiến. 'Nhưng chúng tôi đã tìm kiếm những cách kiểm tra kết nối cảm xúc giữa người thực và ngưỡi kỹ thuật số. Đó là một khoảnh khắc bước ngoặt của công ty'.
Sau đó, Ashley còn đến 8i thêm 4 lần trong hai năm để hoàn thành loạt hologram của Reese (hiện nay được 3 tuổi) và em trai 1 tuổi Wilder. Các nhân viên và bạn bè của 8i cũng đưa con mình tới để chụp các ảnh hologram và xem lại bằng headset, smartphone và cả Instagram.
'Mọi người đều muốn có hologram cho con mình', theo lời phó chủ tịch phụ trách nội dung của 8i, một cựu nhân viên Twitter, Nicole St. Jean.
Nicole chỉ cho phóng viên the Verge thấy các video Instagram về con trai cô Lowell lúc 1 tuổi và hiện nay gần hai tuổi. Một trong số đó là hologram. Theo cô, 'nếu 8i (đem) những gì tôi đã trải nghiệm tới cho mọi người, các phụ huynh sẽ rất mãn nguyện'. 'Giá mà tôi có những ký ức holographic về bố mẹ tôi… nó thật sự giống như một khoảnh khắc mà bạn thấy được người bạn nhớ đến ở ngay trước mặt bạn'.
Triển vọng của video hologram
Giữa vô số nội dung AR (thực tế tăng cường) và VR tập trung vào game hay giải trí mà nhà báo Lauren Goode của The Verge đã trải nghiệm thì đây là một ví dụ về ứng dụng AR và VR cho cá nhân. Người ta cho là video 3 chiều sẽ đem lại một trải nghiệm sâu hơn, tạo ra các môi trường và con người có cảm giác 'thật' hơn. Liệu chúng ta có thể sử dụng các công cụ này để lưu giữ hình ảnh con người cho thế hệ mai sau? Các video holographic có bao giờ thật sự thay thế được trải nghiệm con người?
Đem những câu hỏi trên trở lại 8i vào tháng 10 năm nay, Lauren đã tới văn phòng mới của 8i cũng ở Culver City. Đó là Playa Vista, không gian văn phòng công nghiệp dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ được nâng cấp từ một sân khấu âm thanh Hollywood danh tiếng.
Từ cửa vào ở mặt trước văn phòng, bạn dễ dàng nhìn thấy một biến thể câu nói của Einstein được viết ngoáy dọc theo một bức tranh tường: 'Nỗ lực vì sự thật và cái đẹp là một chuỗi hoạt động mà chúng ta được phép làm để nuôi dưỡng các con trong cả cuộc đời mình'.
Trao đổi với The Verge, CEO 8i Raymond tin rằng cuối cùng thì các studio video holographic cũng sẽ có mặt 'ở khắp nơi' khi chúng ta vượt qua được một số trở ngại kỹ thuật nhất định và giảm được chi phí sản xuất hologram chất lượng cao. Khi đó, ngay cả người dùng bình dân cũng có thể sáng tạo các cỗ máy thời gian siêu chân thực về những người gần gũi với mình nhất.
'Bước đầu tiên sẽ là các studio chụp ảnh... sau đó là một cái gì đó mà bạn có thể mua trên Amazon, lắp đặt trong phòng khách và chụp ảnh tại nhà'.
Cùng với 8i studios còn có một tổ chức khác cũng đã phát triển được công nghệ hologram rất 'thật'. Trên đường tới 8i studios, Lauren đã ghé qua quỹ Shoah (Shoah Foundation) của đại học Nam California ở trung tâm Los Angeles. Shoah Foundation do đạo diễn kỳ cựu nổi tiếng Hollywood Steven Spielberg thành lập để lưu giữ hồ sơ câu chuyện cuộc đời của những người sống sót sau các vụ thảm sát hàng loạt. Hiện quỹ Shoah cũng đang có một dự án mới sử dụng VR và AR để lưu giữ các bằng chứng mang tên NDT. Giám đốc điều hành quỹ Shoah cho rằng dù đã có nhiều dự án VR về game hay tạo ra môi trường 'nhưng trên thực tế không có gì gần gũi hơn việc trò chuyện trực tiếp với một con người khác'. Vì vậy VR có thể được dùng làm bằng chứng bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Cũng tại quỹ Shoah, Lauren đã trò chuyện với một người sống sót sau thảm họa tàn sát người Do Thái trong thế chiến 2 (Holocaust) mang tên Pinchas Gutter. Thật ra người mà phóng viên The Verge tiếp xúc chỉ là một hologram của Pincha trên màn hình phẳng 2D ở hành lang quỹ Shoah.
Cuộc trò chuyện của hai người thoải mái một cách lạ lùng nhờ vào hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Shoah, đến mức mà Lauren cảm thấy mình thật thô lỗ khi đột ngột chấm dứt nó.
Tính tức thời của format mới đã đem lại cho Lauren cảm giác thật sự gần gũi. Và đó là sẽ cách thức tiêu chuẩn để lưu giữ lịch sử, theo CEO Smith.
Trong vài năm qua, kể từ khi 8i khởi động các hologram đầu tiên và Shoah Foundation bắt tay vào dự án NDT, thị trường rộng lớn của video AR và VR đã có nhiều thay đổi. Hiện nay người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận các nội dung VR vì chúng yêu cầu các tai nghe VR có dây công suất cao, hoặc ít ra cũng phải là một chiếc điện thoại mạnh. Tuy vậy, công ty nghiên cứu thị trường IDC vẫn dự báo doanh thu các tai nghe AR và VR đầy đủ sẽ tăng lên tới 100 triệu chiếc vào năm 2021 (số liệu 2016 là 10 triệu).
Mùa thu năm nay, thị trường nội dung thực tế tăng cường đã có một bước chuyển đáng chú ý khi cả Apple lẫn Google đều tung ra những phiên bản AR mới nhất trên smartphone. Gần đây, Microsoft cũng công bố việc mở các video studio holographic ở San Francisco và London. Microsoft là nhà tiên phong trong công nghệ thực tế hỗn hợp (mixed reality): sử dụng ứng dụng và đối tượng AR thông qua các thấu kính của tai nghe HoloLens do chính Microsoft sản xuất.
Steve Trần (Theo The Verge)